Sơn La: Hạ tầng vươn tới bản làng, đổi thay từng nếp sống người dân vùng cao
Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện lưới… được đầu tư đồng bộ, góp phần cải thiện đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đang tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2021-2030. Trọng tâm trong năm 2025 là ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tại Kỳ họp chuyên đề thứ 29, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua Nghị quyết số 469/NQ-HĐND ngày 21/3/2025 về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình MTQG 1719. Theo đó, nhiều khoản kinh phí từ các năm 2022, 2023, 2024 được kéo dài sang năm 2025 sẽ được phân bổ lại theo hướng tập trung cho các hạng mục thiết yếu, trực tiếp tác động đến đời sống người dân.

Nghị quyết số 469/NQ-HĐND ngày 21/3/2025, về điều chính kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2025 và các năm: 2022, 2023, 2024 được kéo dài sang năm 2025.
Ưu tiên hạ tầng - nền tảng của phát triển bền vững
Trong tổng thể chiến lược phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu - như đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng - luôn được tỉnh Sơn La xác định là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách căn cơ, toàn diện và bền vững.
Thực hiện chủ trương này, HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch vốn theo hướng tăng cường đầu tư hạ tầng. Đối với huyện Bắc Yên, các khoản vốn từ các năm trước được kéo dài sang năm 2025 sẽ được phân bổ lại để phục vụ trực tiếp các tiểu dự án thuộc Dự án 4 - Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.
Cụ thể, từ nguồn vốn năm 2022 kéo dài, HĐND tỉnh quyết nghị điều chỉnh giảm hơn 1,432 tỉ đồng đã phân bổ cho huyện Bắc Yên thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở thuộc Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Kinh phí này được chuyển sang phục vụ Tiểu dự án 1, Dự án 4. Tương tự, nguồn vốn năm 2023 kéo dài cũng được điều chỉnh giảm 829 triệu đồng từ Dự án 1 để bố trí lại cho Dự án 4. Năm 2024, phần điều chỉnh là 2,61 tỉ đồng, trong đó 1,65 tỉ đồng được chuyển cho Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết và 960 triệu đồng cho Dự án 4.
Các điều chỉnh nói trên không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong điều hành mà còn cho thấy sự nhất quán trong quan điểm phát triển của tỉnh: đầu tư cho hạ tầng chính là đầu tư cho tương lai của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn
Không chỉ riêng huyện Bắc Yên, các địa phương khác cũng được HĐND tỉnh quan tâm điều chỉnh nguồn vốn theo hướng phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Tại huyện Quỳnh Nhai, 1,425 tỉ đồng từ nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 (phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù) được điều chỉnh để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4. Quyết định này phản ánh rõ định hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho hạ tầng thiết yếu - lĩnh vực mà người dân vùng cao luôn mong mỏi được cải thiện.
Tương tự, tại huyện Sốp Cộp, hơn 2,844 tỉ đồng từ Dự án 2 cũng được điều chỉnh để phục vụ Dự án 4. Với địa bàn có địa hình chia cắt, hạ tầng còn yếu và dân cư phân tán như Sốp Cộp, việc đầu tư vào công trình dân sinh, hạ tầng giao thông và nước sinh hoạt sẽ tạo chuyển biến rõ rệt trong đời sống của Nhân dân.
Tại huyện Mai Sơn, 1,578 tỉ đồng cũng được điều chỉnh từ Dự án 1 sang phục vụ Dự án 4, đảm bảo sự thống nhất trong định hướng đầu tư giữa các địa phương.

Tuyến đường nội bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu được cứng hóa từ vốn Chương trình MTQG 1719.
Động lực mới cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Việc tỉnh Sơn La điều chỉnh kế hoạch vốn theo hướng tập trung cho cơ sở hạ tầng thể hiện sự nhạy bén trong quản lý và điều hành chính sách phát triển vùng đặc thù. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế, việc rà soát, điều chuyển vốn từ các hạng mục ít cấp thiết sang các công trình thiết yếu có tác động lan tỏa cao là cần thiết và kịp thời.
Trên thực tế, những năm qua, các dự án đầu tư hạ tầng từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho đời sống người dân. Đường giao thông được cứng hóa, công trình nước sinh hoạt đưa về từng bản làng, các điểm trường được sửa chữa, xây mới khang trang đã tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số đến lớp đầy đủ hơn, người dân đi lại thuận tiện hơn, giao thương buôn bán dễ dàng hơn, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư, tỉnh Sơn La cũng đặc biệt chú trọng công tác giám sát, đánh giá và công khai quá trình thực hiện các dự án. Việc phân bổ vốn, lựa chọn dự án, đối tượng thụ hưởng, đơn vị thi công… đều được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở. Đồng thời, người dân cũng được tạo điều kiện tham gia giám sát, góp ý quá trình triển khai các công trình trên địa bàn mình sinh sống.
Với định hướng đúng đắn, cách làm bài bản, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế, việc điều chỉnh nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 tại Sơn La không chỉ đơn thuần là chuyển dịch dòng vốn, mà là bước đi chiến lược nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, là sự cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước bằng những công trình, dự án thiết thực, sát sườn với đời sống của đồng bào.