Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 3: Năng động, sáng tạo, trách nhiệm vì nhân dânSơn La khát vọng phát triển: Kỳ 4
Từ một tỉnh chuyên bán ngô, sắn thu nhập thấp, sau 5 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước. Nhiều sản phẩm trái cây an toàn Sơn La đã xuất khẩu tới nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Trong thành quả đó, mang dấu ấn quan trọng của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đã năng động, sáng tạo, trách nhiệm vì nhân dân.
Cách làm bài bản, đúng hướng
Đi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, manh mún đến quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với nhà máy chế biến Sơn La được tỉnh Sơn La đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để xác định rõ hướng phát triển, rõ phương thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất hiệu quả.
Trở lại câu chuyện mà ông Trần Minh Dũng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phụ trách kinh tế giai đoạn 1990-1996 nhắc về “giấc mơ 4 vạn” và hành trình đổi mới được ông giải thích kỹ hơn. Trước khi có chủ trương về thực hiện trồng 1 vạn ha cà phê, 1 vạn ha chè, 1 vạn ha cây dâu tằm và 1 vạn con bò sữa, tỉnh Sơn La đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp khảo sát đánh giá và được tổ chức cuộc họp tư vấn tại huyện Mộc Châu. Và gần đây nhất khi đưa ra nghị quyết trồng cây ăn quả trên đất dốc, cũng trên cơ sở nghiên cứu những mô hình của một số hộ dân tiên phong đưa giống cây ăn quả về trồng, cải tạo vườn tạp và thí điểm ghép mắt thành công. Xâu chuỗi của hơn 30 năm qua ở Sơn La thật thấm thía là mọi thành quả của ngày hôm nay đều trải qua một quá trình, nhưng cốt lõi là phải từ vấn đề thực tiễn và nghị quyết đúng, bài bản, đúng hướng hay không cũng đúc kết từ dân mà ra.
Tập đoàn TH khởi công nhà máy chế biến quả và thảo dược Vân Hồ (tháng 1 năm 2018).
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã phát biểu ghi nhận: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở Sơn La phát triển khá toàn diện; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là phát triển cây ăn quả, phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, bước đầu phát huy tiềm năng, thế mạnh, hình thành được các vùng chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc bộ; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước, như: Mỹ, Nhật, Úc, Pháp... đây là điểm mạnh, cách làm bài bản, đúng hướng, là dấu ấn nổi bật của Sơn La, tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Sơn La cuối tháng 9/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, khẳng định: 5 năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” với bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng, tăng năng lực các nhà máy chế biến đã trực tiếp giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nông sản Sơn La đang là sự lựa chọn thường xuyên, tin cậy của nhiều người.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc kết nối, tiêu thụ nông sản
Từ những chính sách hỗ trợ phát triển, diện tích và sản lượng nông sản lớn, đầu ra cho sản phẩm được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Mỗi vụ thu hoạch quả, cả tỉnh như vào chiến dịch, tổ chức rầm rộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành địa phương đã tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 100 sự kiện quảng bá hàng nông sản Sơn La được tổ chức với các quy mô khác nhau, như: Lễ hội hái quả mận Mộc Châu; Ngày hội nhãn Sông Mã; Ngày hội xoài Yên Châu... Các Tuần nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội và các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... đã thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có đối tác liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của tỉnh Sơn La để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Trực tiếp chỉ đạo các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: UBND tỉnh tích cực làm việc đơn vị liên quan để hướng tới xuất khẩu. Nổi bật, như tháng 7/2018, tỉnh Sơn La đã tổ chức Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Đó là sự khẳng định sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La, nhãn Sơn La đã đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; các hợp tác xã, thương nhân Việt Nam, Trung Quốc có sự thống nhất cao nghiên cứu đầu tư, thu mua sản phẩm nhãn tại Sơn La; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX Sơn La tiếp cận với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có quả nhãn...
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, gây khó khăn cực kỳ lớn đối với khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thích ứng với tình huống khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Thường trực huyện ủy, thành ủy bám sát tình hình sản xuất nông sản của địa phương, yêu cầu số liệu nông sản và thông tin thị trường cập nhật hàng ngày, để có kế hoạch tiêu thụ nông sản phù hợp và hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiêu thụ, chế biến nông sản. Giao các đồng chí Bí thư huyện ủy, thành ủy làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố. Thể hiện sự tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Linh hoạt quảng bá và tiêu thụ nông sản thông qua hình thức trực tuyến; đẩy mạnh quảng bá, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, nông sản cơ bản được tiêu thụ hết trong nước và xuất khẩu tiếp tục mở rộng tới các thị trường trên thế giới, cho thấy sự chủ động của người dân và chính quyền trong việc lo đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với sự chủ động của tỉnh, Sơn La được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Điểm nhấn là Sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La; Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La năm 2022; tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022, kết nối trực tuyến tới 28 điểm cầu trong nước và 17 điểm cầu nước ngoài (Trung Quốc, Úc, Singapore, UAE, Nhật Bản...).
Đánh giá về các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản của tỉnh Sơn La, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: 2 năm qua, Sơn La luôn tiên phong, là hình mẫu trong sự chủ động, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản vào vụ, giúp nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, bài bản, thiết thực có hiệu quả. Đến nay, Sơn La có 17 sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu sang thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới là kết quả vượt bậc ở tỉnh miền núi.
Thu hút đầu tư, khuyến khích chế biến nông sản
Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, tỉnh Sơn La tăng cường công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 375 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 25.790 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chế biến nông lâm sản có 25 dự án, với tổng vốn đăng ký 4.264 tỷ đồng. Sơn La có nhiều nhà máy gắn với vùng nguyên liệu tập trung, tạo mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Mai Sơn...
Ngoài ra, toàn tỉnh còn phát triển gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp chế biến lượng không nhỏ sản phẩm hằng năm và đã sản xuất ra 25 sản phẩm OCOP như: mận sấy thảo dược; hồng giòn sấy dẻo; thanh long sấy dẻo; chuối sấy dẻo Yên Châu; mứt dâu tây Mộc Châu; Long nhãn sấy khô; mật hoa Nhãn; Táo đại Hưng Thịnh; Quýt ngọt Nghĩa Hưng... Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 Quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021; hỗ trợ cho 711 lượt tổ chức, cá nhân xây dựng 25 kho bảo quản đông lạnh, 19 công ten nơ đông lạnh, 690 lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh; bởi vậy đã kích hoạt hệ thống cơ sở chế biến hoạt động giảm áp lực tiêu thụ quả tươi.
Đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Công tác thu hút đầu tư được Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện ba khâu đột phá. Tỉnh thành lập 7 tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để định hướng, chỉ đạo, nắm bắt tiến độ; tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý. Năm 2021, tỉnh đã phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 4.952 tỷ đồng; tổng vốn huy động tại địa phương đến tháng 5/2022 đạt khoảng trên 27.700 tỷ đồng, tăng 6,59% so với 31/12/2021.
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một trong những nhà đầu tư đang được tỉnh đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2021, Công ty đã khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Dự án với tổ hợp 3 nhà máy, có tổng công suất thiết kế 50.000 tấn/năm. Trên mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Theo kế hoạch, năm 2022, Trung tâm sẽ thu mua khoảng 15.000 tấn xoài, 7.000 tấn dứa để đưa vào chế biến. Khi đi vào vận hành, các nhà máy sẽ cần khoảng 350 công nhân. Chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyển dụng, cử 250 công nhân về nhà máy tại Ninh Bình để đào tạo nâng cao tay nghề trước khi vận hành.
Từ hướng đi đúng, cách làm bài bản đã làm xoay chuyển ngành nông nghiệp Sơn La. 5 năm phát triển cây ăn quả trên đất dốc gắn với thu hút các nhà máy chế biến quả và phát triển HTX sản xuất, chế biến quả đã góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Toàn tỉnh có hàng vạn nông dân SXKD giỏi cấp xã, khoảng 1.700 hộ SXKD giỏi cấp huyện, 1.224 cấp tỉnh, 183 hộ cấp trung ương, nổi lên nhất là trồng cây ăn quả.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng người dân trong phát triển nông nghiệp ở Sơn La đã và đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới, trách nhiệm vì nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, hệ thống chính trị. Càng tin tưởng Sơn La với thế mạnh nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển ổn định, bền vững.
(Còn nữa)
Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 4