Sơn La: Lao Khô nơi ghi dấu tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bà con dân tộc Mông bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, đã giúp đỡ nuôi giấu cán bộ của nước bạn Lào hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng.

Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu là nơi ghi đậm dấu ấn quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Kaysone Phomvihane, xây dựng căn cứ cách mạng của Ban xung phong Lào - Bắc, thành lập quân Itxala, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay, ghi nhớ công lao của ông Tráng Lao Khô với cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Ông Tráng Lao Lử trò chuyện với cán bộ đoàn thanh niên các tỉnh Bắc Lào sang thăm Khu di tích

Ông Tráng Lao Lử trò chuyện với cán bộ đoàn thanh niên các tỉnh Bắc Lào sang thăm Khu di tích

Ngày 3/4/2012, di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Ngày 24/4/2012, Đảng, Nhà nước và Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.

Khu Di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào - Bắc thời kỳ 1948-1951; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; Nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; Nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống...

Đứng trên mỏm núi đầu bản Lao Khô nhìn xuống, dòng suối Mơ Tươi vẫn chảy hiền hòa qua lũng nhỏ Phiêng Sa, nơi cách đây 65 năm về trước được chọn làm điểm tập kết của Ban xung phong Quyết tiến Sơn La và Ban xung phong Lào-Bắc. Tại đây, huyện Yên Châu và huyện Xiềng Khọ của nước bạn Lào đã cùng nhau xây dựng khu căn cứ du kích, cơ sở bí mật đầu tiên từ bản Phiêng Sa, tạo tiền đề cơ bản để phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào phát triển.

Trên mảnh đất lịch sử này, giờ đây không chỉ đơn thuần tồn tại tình hữu nghị Việt - Lào mà còn tồn tại tình cảm thiêng liêng cao cả đó là tình cảm gia đình, một tình cảm huyết thống mà máu của hai dân tộc Việt và Lào đã hòa quyện vào nhau. Là một người dân ở bản Lao Khô kết hôn với vợ là người nước bạn Lào anh Tráng Lao Kỷ, bản Lao Khô nói: "Vợ chồng tôi lấy nhau năm 2001, hai bên họ hàng quan hệ rất tốt, hai bên vẫn giúp đỡ và yêu thương nhau lắm.Tôi sinh được 2 con trai mình làm bố phải có trách nhiệm nhắc nhở các cháu để các cháu biết dữ gìn bản sắc dân tộc va truyền thống yêu nước của dân tộc mình và phải học theo tấm gương ông cụ Tráng Lao Khô".

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kay Sỏn Phôm Vi Hản tại Khu di tích

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kay Sỏn Phôm Vi Hản tại Khu di tích

Từ 4 hộ ban đầu, nay bản Lao Khô có hơn 100 hộ với 550 nhân khẩu, với 7 dòng họ dân tộc Mông cùng chung sống. Lao Khô hôm nay đang trở thành điểm sáng của vùng biên giới. Mối quan hệ cuộc sống của người dân hai bên biên giới Việt - Lào tại đây không có sự cách biệt mà tình cảm, gắn bó như những năm tháng kháng chiến.

Có đến những bản làng biên giới, mới thấu hiểu mối tình cảm thâm sâu, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào luôn được thể hiện giản dị qua cách đối xử của nhân dân hai bên biên giới. Ở nơi biên giới, lãnh thổ của hai quốc gia được phân định rõ ràng bởi những cột mốc, những dãy núi cao vời vợi, nhưng tình cảm của nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân vùng biên thì chưa bao giờ có giới hạn.

Ông Thào Lao Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cho biết, để ổn định và phát triển toàn diện khu vực biên giới giữa xã Phiêng Khoài và một số xã lân cận, trong thời gian tới xã Phiêng Khoài sẽ tiếp tục duy trì những chuyền thống bằng kết quả đã đạt được từ trước đến nay, tiếp tục phát huy tuyên truyền phổ biến làm sao để nhân dân các dân tộc và xã Phiêng Khoải nói chung và các bản nói riêng hiểu được các quy định và các chủ chương chính sách của đảng và nhà nước của Việt Nam và cũng như của nước bạn Lào để chúng ta thực hiện tốt về quy chế biên giới để chúng ta cùng nhau giữ được khu vực biên giới ổn định và phát triển đẹp hơn.

Lãnh đạo các tỉnh Bắc Lào thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào

Lãnh đạo các tỉnh Bắc Lào thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào

Gần 7 thập niên đã trôi qua, những việc làm thầm lặng của cụ Tráng Lao Khô và bà con người Mông bản Lao Khô đơn giản là vậy, nhưng là bài học sinh động và sâu sắc về công tác vận động quần chúng của Đảng “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Sâu đậm hơn cả đó là bài học về sức mạnh đoàn kết, gắn bó keo sơn, thủy chung, trong sáng, trước sau như một giữa hai dân tộc Việt - Lào, Lào - Việt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và Chủ tịch Kay sỏn Phôm Vi Hản “ Sáng như trăng rằm”.

Di tích lịch sử Lao Khô là minh chứng và khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Ngọc Minh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/son-la-lao-kho-noi-ghi-dau-tinh-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-lao-26418.html