Sơn La: Lợi dụng san tẩy mặt bằng để khai thác đá ở KCN Mai Sơn?
Nhiều năm qua, đã diễn ra tình trạng khai thác đá lợi dụng vào việc san tẩy mặt bằng tại khu công nghiệp Mai Sơn (Sơn La).
Hai chiếc máy xúc đang vô tư hoạt động.
San tẩy mặt bằng hay khai thác đá?
Theo phản ánh của người dân, tại khu công nghiệp Mai Sơn (thuộc xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La) từ nhiều năm nay đã và đang diễn ra tình trạng lợi dụng việc san tẩy mặt bằng để khai thác đá mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý.
Anh N.V.C trú tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Khu vực này bắt đầu khai thác từ chục năm nay, họ vẫn bán nếu có người vào hỏi, giá rẻ hơn bên ngoài và chỉ hơn trăm nghìn đồng một khối đá. Trong quá trình khai thác, vận chuyển gây bụi bẩn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh”.
Toàn cảnh khu vực đang khai thác đá dưới danh nghĩa san tẩy mặt bằng.
Những ngày cuối tháng 3/2021, có mặt tại khu Công nghiệp Mai Sơn, theo quan sát của PV Báo Giao thông, tại đây là một khu vực rộng hàng chục ha, nhiều đống đá thành phẩn với nhiều kích cỡ khác nhau được sản xuất ra nằm la liệt khắp nơi với khối lượng hàng chục nghìn mét khối. Nhiều ô tô đang được máy xúc xúc đá lên thùng xe để đem đi tiêu thụ.
Đá bị đào bới nham nhở.
Tại một vị trí khai thác có 2 máy múc đang hoạt động để đào đá, trên đỉnh núi là hệ thống khoan đang được để sẵn. Cách đó khoảng 100 mét là hàng chục giàn nghiền, máy móc, ô tô, nhà ở được dựng lên để phục vụ việc khai thác đá.
Nhiều vị trí khai thác đã được đào sâu xuống âm dưới mặt đất khoảng 5 mét, rộng hàng trăm mét vuông và đang được những tải chở đầy đất từ nơi khác để lấp vào.
Thời điểm PV có mặt, có nhiều người mặc quần áo phạm nhân đang đang làm việc tại khu này.
Hệ thống máy nghiền để phục vụ việc sản xuất đá.
Chia sẻ với PV, một người quản lý tại khu vực cho biết, đất này của khu công nghiệp đã được khai thác hơn chục năm nay, doanh nghiệp khai thác là công ty Hồng Kông. Đá hộc, đá 0,5 cm có giá 110 nghìn/khối; đá 1x2 cm có giá khoảng 140 nghìn/khối… Phạm nhân làm việc ở đây thời điểm cao điểm khoảng 20-30 người nhưng thời điểm này ít việc nên cũng ít hơn trước.
Khu vực đang tận thu đá nằm ngay sát Văn phòng Đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh Sơn La.
Các cơ quan quản lý nói gì?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Mẫn - Giám đốc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Sơn La thừa nhận khu vực này không được cấp khai thác đá và có tận dụng đá, chở đi để làm việc khác.
Đá được xúc lên xe...
Ông Nẫm cho biết: “Khu vực này nằm trong khu công nghiệp được tỉnh cấp cho dự án điện mặt trời của Công ty Sông Lam, hiện đang san tẩy mặt bằng trong phạm vi cấp giấy chứng nhận. Việc san tẩy do công ty tự bỏ tiền để làm. Quá trình thực hiện, công ty có tận dụng, chở một phần đi để san lấp các công trình cấp thấp".
Về việc có phạm nhân đang làm việc tại đây, ông Mẫn giải thích, quá trình san tẩy mặt bằng vào khu vực có núi đá phía trại giam, Công an tỉnh đặt vấn đề để cho họ làm. Tổng diện tích san tẩy khoảng 14ha, đã được thực hiện từ hàng chục năm nay.
Và vận chuyển ra ngoài.
Còn ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Tư Vấn Dịch vụ Hạ tầng Kỹ thuật Khu Công nghiệp cho biết: do KCN xây dựng ở vùng núi đặc biệt khó khăn nên nhà nước đã đầu tư san tẩy mặt bằng. Sau đó, khi đưa diện tích núi đá này vào trong dự toán, kinh phí lớn quá mới bỏ lại.
Một công nhân mặc quần áo phạm nhân đang làm việc tại khu vực san tẩy.
Đến năm 2017, tỉnh quy hoạch dự án điện mặt trời, lúc này mới đào sâu vào núi đá. Việc núi đá tẩy âm xuống mới xuất hiện 1-2 năm nay.
Để tìm hiểu vấn đề này, PV đã có liên lạc với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La.
Tại buổi làm việc, khi được hỏi vị trí này có được cấp phép khai thác đá hay không, sở TN&MT có nắm bắt được việc này hay không?, ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho biết chỉ nắm bắt thông tin PV phản ánh, sẽ tìm hiểu và trả lời sau.