Sơn La một thời để nhớ

Mùa thu năm 1993, tôi có mặt ở Sơn La. Ngày ấy xe Com-măng ca của Báo Nhân dân đưa tôi xuất phát từ 7 giờ sáng mà mãi 6 giờ chiều mới đặt chân tới thị xã Sơn La.

Một góc thị xã Sơn La năm 1980.

Một góc thị xã Sơn La năm 1980.

Ngày ấy, thị xã chỉ có một số ít cơ quan có các dãy nhà 3 - 4 tầng, còn lại phần lớn các cơ quan công sở trong tỉnh đều phải làm việc, sinh hoạt trong các dãy nhà cấp 4. Đường sá khu vực thị xã chỉ có hai trục đường chính là Tô Hiệu và Lô Văn Giá mới được mở tương đối rộng, còn nữa các đường nhánh chủ yếu rải cấp phối và nhiều chỗ hai xe ôtô chạy ngược chiều tránh nhau hết sức khó khăn.

Là phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại tỉnh, tôi được bố trí ở và làm việc trong một căn phòng cấp 4, thuộc cơ quan tỉnh ủy Sơn La. Vừa trải qua trận lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề (năm 1991), dư âm của các đợt dịch sốt rét từ những năm 1989 - 1992, khiến hàng trăm đồng bào ở các huyện Yên Châu, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La… tử vong vẫn còn đeo đẳng, làm cho Sơn La ngày ấy thêm chồng chất khó khăn.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ năm 1986, các tỉnh, thành phố miền xuôi đang chuyển mình với cách làm ăn mới, thì Sơn La những năm 90 vẫn loay hoay tìm hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống của người dân các dân tộc vẫn nặng về tự cấp, tự túc.

Tôi còn nhớ, những năm 1992 - 1996, từ tỉnh xuống huyện triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Sơn La xác định vùng kinh tế động lực là các huyện, thị dọc quốc lộ 6. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ yếu là cây cà phê, dâu tằm cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc ở địa bàn vùng cao. Công nghiệp của Sơn La những năm ấy dường như không có gì ngoài nhà máy xi măng lò đứng ở Chiềng Sinh mới xây dựng, Xí nghiệp dâu tằm tơ hoạt động cầm chừng và cơ sở chế biến sữa với khoảng 2000 con bò ở Nông trường Mộc Châu. Địa hình bị chia cắt, hàng chục xã chưa có đường ôtô đến trung tâm; vùng di dân tái định cư nhường lòng hồ sông Đà cho công trình thủy điện Hòa Bình thuộc các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên hết sức khó khăn. Nên tỷ lệ hộ nghèo không ít xã trong tỉnh bấy giờ lên đến 45 - 50%.

Hơn ba năm công tác ở Sơn La, tôi đã đến hầu hết các huyện trong tỉnh nhưng nhớ nhất vẫn là dịp Tết của đồng bào Mông năm 1993. Mới lên làm nhiệm vụ thường trú Báo Nhân dân được khoảng hơn ba tháng, tôi theo đoàn cán bộ của tỉnh Sơn La do bác Đinh Chen, Ủy viên Ban thường vụ, Giám đốc Công an tỉnh khi đó làm Trưởng đoàn đi chúc tết bà con người Mông các xã vùng cao biên giới huyện Thuận Châu. Sau khi ăn sáng tại huyện ủy, đoàn lên đường mà điểm đến là xã Co Mạ. Theo hướng dẫn của một cán bộ huyện, xe chạy được chừng 10 cây số thì phải dừng lại vì không còn đường ôtô.

Trung tâm xã Co Mạ (Thuận Châu).

Trung tâm xã Co Mạ (Thuận Châu).

Tôi không còn nhớ phải vượt qua mấy ngọn núi, bao nhiêu thung khe, chỉ biết mỗi người một cái gậy cuốc bộ từ 9 giờ sáng đến hơn 4 giờ chiều mới vào đến trung tâm xã. Quần áo sũng mồ hôi đã đành, đôi giày tôi mang từ Hà Nội lên một chiếc bị há mõm. Tôi được bố trí ở cùng bác Đinh Chen trong nhà chủ tịch xã họ Thào bấy giờ.

Một tuần ở Co Mạ, đoàn công tác chỉ đến được hai, ba bản trong xã (do địa hình bị chia cắt) và dựa vào các già làng trưởng bản cũng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã để vận động bà con phá nhổ cây thuốc phiện được trồng ở những nơi hẻo lánh, xa xôi. Một tuần liền giúp tôi hiểu được những tập quán của người Mông vùng cao Tây Bắc…

Bây giờ thì đã khác xa. Trong cái khó "ló" cái khôn, sau nhiều trăn trở, thậm chí là thất bại, gần mười năm trở lại đây, nhất là từ năm 2016 đến nay Sơn La đã "thức dậy" với cung cách làm ăn mới.

Tôi rời Sơn La đã 24 năm, mới quay lại vùng đất mình từng gắn bó hơn ba năm (1993 - 1997) hai, ba lần nhưng qua một số bạn bè thân thiết như anh Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La), các nhà báo Điêu Chính Tới, Nguyễn Đức Tuấn cũng như qua các phương tiện truyền thông đại chúng lại rộn lên trong tôi cảm xúc về sự "thay da đổi thịt" của một vùng quê Tây Bắc - nơi nổi tiếng "rừng thiêng nước độc" năm nào.

Thành phố Sơn La hôm nay

Thành phố Sơn La hôm nay

Đã qua rồi cái "đận" lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, băn khoăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chỉ loay hoay với vài ba sản phẩm truyền thống là lúa nương, ngô và sắn.

Trang trại bò sữa tại tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Trang trại bò sữa tại tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Có lẽ sự kiện có tính đột phá là kết luận số 121 - TB/TU về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La (ban hành ngày 30/11/2015). Không ít cán bộ và người dân cho rằng nó có ý nghĩa mở hướng đi mới "cởi nút thắt" cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của Sơn La. Đi liền là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Sông Mã thu hoạch nhãn.

Nông dân Sông Mã thu hoạch nhãn.

Đến nay, Sơn La có khoảng 80 nghìn ha cây ăn quả các loại, đứng thứ hai cả nước. Chỉ tính riêng cây nhãn, Sơn La có hơn 19 nghìn ha tập trung phần lớn ở huyện Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn. Cây xoài, trước đây chủ yếu được trồng ở Yên Châu, mấy năm gần đây được phát triển ở Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La với diện tích hơn 15.000 ha (gần 9.900ha cho sản phẩm). Làm phong phú thêm nhóm cây ăn quả của tỉnh Sơn La còn phải kể đến cây Sơn Tra gần 11.500ha, cây mận hậu hơn 8.700ha; các giống bưởi, cam, quýt khoảng 3.700ha. Ngoài ra còn chanh leo, bơ, thanh long ruột đỏ...

Người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hái cà phê.

Chuyển đổi diện tích trước đây trồng sắn, ngô hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng địa bàn khiến sản lượng quả từ hơn 1.100 tấn (năm 2015) đã tăng lên 401.300 tấn vào năm 2020. Trong khoảng thời gian không dài, nhưng nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn 80.000 hộ dân cải tạo vườn tạp, tạo giống mới bằng công nghệ lai ghép, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch đã nâng giá trị thu nhập của các loại cây ăn quả lên hàng chục lần so với cây trồng truyền thống trước đây ở Sơn La.

Gian hàng trưng bày dâu tây Sơn La tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) năm 2019.

Gian hàng trưng bày dâu tây Sơn La tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) năm 2019.

Cũng hiếm có một địa phương nào như tỉnh miền núi Tây Bắc này, mạng lưới hợp tác xã kiểu mới đã phát triển lên hơn 600 đơn vị trong toàn tỉnh. Đây là nhân tố có vai trò quyết định trong việc kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa và tìm thị trường xuất khẩu. Từ một vùng đất khó khăn, bất lợi về nhiều mặt; đời sống của đồng bào các dân tộc nặng về tự cấp, tự túc thì vài năm gần đây khoảng 70% chuỗi nông sản hàng hóa trong đó chiếm đa phần là các loại quả của Sơn La đã có mặt trong các siêu thị lớn ở Hà Nội và các chợ đầu mối thuộc một số tỉnh miền xuôi. Một tín hiệu đáng mừng là ba năm trở lại đây các loại hoa quả như xoài, nhãn, chanh leo, chuối, mận hậu… đã “vượt biên” sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc và một số quốc gia châu Âu thu về hàng trăm triệu USD/năm…

Các đại biểu cắt băng lô xoài Sơn La xuất khẩu sang thị trường Australia năm 2021.

Các đại biểu cắt băng lô xoài Sơn La xuất khẩu sang thị trường Australia năm 2021.

Lô xoài đầu tiên của tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường châu Âu năm 2021.

Lô xoài đầu tiên của tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường châu Âu năm 2021.

Nhớ lại lần đầu đặt chân đến Sơn La, hôm đó sau bữa cơm tối, Chánh văn phòng tỉnh ủy lúc ấy là ông Nguyễn Văn Thái mời đoàn Báo Nhân dân ra thị xã dự buổi giao lưu văn nghệ giữa đội văn nghệ bản Lầu, nhân có đoàn của Thứ trưởng Bộ Văn hóa lên thăm, làm việc với Sơn La. Những lời ca, điệu múa mộc mạc và uyển chuyển mang đậm bản sắc dân tộc Thái đã có sức thu hút và gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.

Hơn ba năm thường trú ở Sơn La dẫu cho đường sá đi lại khó khăn (thời điểm ấy từ thị xã vào Sông Mã cũng bằng từ Sơn La về Hà Nội) nhưng tôi đã đến hầu hết các huyện thị trong tỉnh. Cho nên ngoài những vấn đề kinh tế - xã hội cần nắm bắt, tôi cũng hiểu được phần nào đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, bởi vậy các lễ hội dân gian truyền thống cũng thật đa dạng, phong phú. Ấy là lễ hội Hoa Ban, Xíp Xí, Hạn Khuống, Xên Bản Xên Mường của dân tộc Thái, hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lập Tịch của dân tộc Dao, Páng A Nụ bản của dân tộc La Ha…

Vòng xòe đoàn kết bên Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường Tây Bắc.

Vòng xòe đoàn kết bên Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường Tây Bắc.

Tôi còn nhớ năm 1995, trong một lần trò chuyện với anh Cầm Đoản (Chủ tịch UBND thị xã Sơn La khi đó). Anh cho biết khu vực thị xã có một số đội văn nghệ bản hoạt động rất sôi nổi, như đội văn nghệ bản Hìn, bản Bó, bản Tông; còn toàn tỉnh Sơn La thời kỳ ấy có hơn 200 đội văn nghệ quần chúng hoạt động theo phương châm "dân làm dân hưởng". Các chàng trai, cô gái ban ngày đi làm nương rẫy tối đến lại tụ tập tại nhà văn hóa bản, xã để luyện tập những điệu múa, lời ca do một số nghệ nhân có kinh nghiệm trong vùng dàn dựng. Bản nọ truyền bản kia, đến nay toàn tỉnh Sơn La đã có hơn 2.200 đội văn nghệ quần chúng. Trong cơn lốc của các dòng nhạc hiện đại, sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai thì một phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng rầm rộ như ở Sơn La quả là hiếm có.

Đáng ngạc nhiên hơn 20 năm trở lại đây, các đội văn nghệ quần chúng của Sơn La đã tham gia các liên hoan, hội thi khu vực, ngày hội văn hóa các dân tộc toàn quốc và giành được 95 huy chương vàng, gần 140 huy chương bạc, 30 giải đặc biệt và nhiều bằng khen của các cấp. Vinh dự và tự hào biết bao khi những đội văn nghệ bản Hìn, bản Lầu, bản Tông, bản Bó thời gian qua không chỉ đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước mà còn đến với bạn bè các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan…

Xin mượn câu thơ của cố nhà thơ Chế Lan Viên để khép lại bài viết về một vùng quê Tây Bắc mà tôi đã từng gắn bó một thời gian khó:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"…

Nguyễn Khôi

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/son-la-mot-thoi-de-nho-42737