Sơn La phát hiện nhiều cơ sở vi phạm liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn từ đầu năm
Với nhận thực của người dân, tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm, Sơn La đã thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 612 cơ sở vi phạm.
Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm liên quan an toàn thực phẩm
Ngoài dân tộc Kinh, DTTS ở Sơn La thì ba dân tộc: Thái, Mông, Mường chiếm hơn 80%; các DTTS ít người khác, gồm: Kháng, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú… trở thành thiểu số trong thiểu số. Với nhận thực của người dân, tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn còn xảy ra.
Từ đầu năm đến nay các ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra 4.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 612 cơ sở vi phạm, phạt vi phạm hơn 1,7 tỷ đồng. Lấy 1.063 mẫu thực phẩm giám sát mối nguy, phát hiện 4 mẫu không đạt. Duy trì và phát triển 145 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Toàn tỉnh có 110 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; duy trì 270 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; Quản lý 281 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; Duy trì 1 mô hình chợ ATTP theo các tiêu chí đối với chợ ATTP tại chợ Rặng Tếch, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.
Khắc phục các vấn đề an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm đã chỉ đạo các ngành thành viên triển khai các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác ATTP. Các Sở, ngành, tổ chức thành viên tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp lễ, tết và Tháng hành động vì ATTP.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng nhiều nên vấn đề quản lý an toàn thực phẩm càng trở nên quan trọng. Bởi vậy địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Phát huy hệ thống loa truyền thanh tại các tổ, bản, tiểu khu, lồng ghép truyền thông về ATTP với triển khai các thông tin tuyên truyền tại địa phương nhằm nâng cao kiến thức cho người dân.
Đồng bộ giải pháp
Theo lãnh đạo địa phương, trong thời gian tới để tăng cường công tác về sinh ATTP, trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người; Đổi mới, đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền cơ sở, tổ chức xã hội, tôn giáo và sự giám sát từ người tiêu dùng trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung. Hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ; Ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát ATTP từ các yếu tố đầu vào; Xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình điểm điển hình về ATTP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP. Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình điểm về ATTP; Mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm an toàn, hiệu quả, làm căn cứ nhân rộng các mô hình.
Tại các địa bàn dân tộc thiểu số sinh sống, địa phương quan tâm đặc biệt hơn khi đẩy mạnh tuyên truyền qua các tiếng dân tộc để người dân hiểu hơn về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ăn các loại trái cây lạ… phòng ngộ độc, đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.