Sơn La phát triển công nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh ủy Sơn La vừa tổ chức hội nghị đánh giá 02 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 06 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trong 2 năm 2021 và 2022, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của Sơn La đã tăng trung bình 11,6%/ năm; Giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu tăng bình quân trên 8%/ năm. Riêng năm 2022, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,63 triệu USD, chiếm gần 92% giá trị nông sản thực phẩm của tỉnh tham gia xuất khẩu trong năm.

Mô hình chắn mưa đá cho cây mận hậu của Mộc Châu.

Mô hình chắn mưa đá cho cây mận hậu của Mộc Châu.

Đối với việc thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, giai đoạn 2021 – 2023, Sơn La đã cấp chủ trương đầu tư mới cho 5 dự án, gồm: Dự án đầu tư Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco Mai Sơn; dự án Nhà máy chế biến đường lỏng Dlucose BHL Sơn La; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc huyện Mộc Châu và dự án Tổ hợp Trang trại sinh thái và trang trại bò sữa Công nghệ cao Mộc Châu.

Vùng trồng na tập trung của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Vùng trồng na tập trung của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Vùng cao Sơn La tập trung phát triển cây thảo quả.

Vùng cao Sơn La tập trung phát triển cây thảo quả.

Hơn 2 năm qua, việc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 08 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năm 2022, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của Sơn La đã đạt hơn 8.300 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng khoảng 5 – 10%/ năm; tiếp tục giảm diện tích cây trồng như ngô, lúa nương; tăng diện tích cây ăn quả, chè, mía, sắn...

Đến nay, Sơn La đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 47,3%...

Tỉnh ủy Sơn La đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nông, lâm, thủy sản tập trung, bền vững và ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh ủy Sơn La đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nông, lâm, thủy sản tập trung, bền vững và ứng dụng công nghệ cao.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, thu hút đầu tư; tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp ở vùng Tây Bắc...

Về mục tiêu cụ thể, Sơn La phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản đạt 6.500 tỷ đồng; thu hút 9 dự án đầu tư chế biến nông sản; giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt trên 166.600 USD. Đồng thời, xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 08 vùng trở lên đủ điểu kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/son-la-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san-va-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-post1008930.vov