Sơn La thúc đẩy kết nối đưa xoài và nông sản ra thế giới

Vốn được mệnh danh như 'vựa nông sản miền bắc', Sơn La tổ chức 'Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản'nhằm thúc đẩy kết nối cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tới các thị trường trong và ngoài nước.

Hội nghị xúc tiến nông sản của tỉnh Sơn La ngày 21/5 thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam, Đại sứ quán và các cơ quan thương mại Trung Quốc, lãnh sự, tham tán, thương vụ Việt Nam tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE cùng một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối nông sản trong nước như tập đoàn Vina T&T, Central Group...

Sơn La đặt mục tiêu thành trung tâm chế biến nông sản của cả nước

Tỉnh miền núi phía Bắc Sơn La có diện tích đất nông nghiệp khoảng 410.000 ha, sản lượng trên 2 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích trồng cây ăn quả khoảng 82.000 với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Tỉnh đang hướng tới tăng diện tích trồng cây ăn quả lên 100.000 ha và sản lượng trên 450.000 tấn mỗi năm. Các sản phẩm nông sản đặc trưng ở đây gồm xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây,…

Hiện tỉnh có 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, 235 chuỗi sản xuất an toàn. Sơn La hiện có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu. Ngay trong hội nghị lần này, thêm 3 sản phẩm nữa của tỉnh cũng được cấp văn bằng bảo hộ là quả mận tươi và các sản phẩm chế biến như mứt mận nguyễn, mận sấy dẻo. Bên cạnh đó là sản phẩm chanh leo tươi và quả bơ tươi.

Sơn La đang phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng xanh, sạch, bền vững, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Hiện tỉnh có 740 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 300 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo thành chuỗi sản xuất từ người trồng, doanh nghiệp thu mua, các cơ sở chế biến, tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù số lượng lớn nhưng quy mô của hợp tác xã còn nhỏ, vẫn còn nhiều mặt yếu kém, trong đó có 3 vấn đề lớn gồm quản trị, tài chính và vấn đề tiếp cận vốn của hợp tác xã.

Gian hàng trưng bày các loại nông sản Sơn La tại Hội nghị

Gian hàng trưng bày các loại nông sản Sơn La tại Hội nghị

Bên cạnh đó, Sơn La cũng đang chú trọng đầu tư cho công nghiệp chế biến với 560 nhà máy chế biến trên toàn tỉnh, gồm 17 nhà máy chế biến quy mô lớn như các nhà máy chế biến rau quả IC Food có vốn đầu tư FDI, các nhà máy của NaFood… Đặc biệt vào tháng 6 năm nay, trung tâm chế biến rau quả Dabeco sẽ khánh thành giúp gia tăng sản lượng chế biến hoa quả toàn tỉnh, góp phần để Sơn La đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả nước.

Điều kiện xuất khẩu trái cây nhiệt đới thuận lợi

Trong các thị trường quốc tế, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm nông sản Sơn La theo cả hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình thông quan giữa các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam và phía Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn ứ, tốc độ thông quan chậm, khó khăn.

Vì vậy, Sơn La mong muốn thông qua hội nghị lần này hợp tác với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) nhằm kéo dài vùng xanh tại các tỉnh biên giới, tiếp tục thực hiện chính sách phân luồng tại các cửa khẩu, cùng nhau chống dịch bệnh để duy trì và bảo đảm thông thương giữa hai nước, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam được mệnh danh là "vương quốc của các loại hoa quả nhiệt đới". Các sản phẩm nông sản, hoa quả của Việt Nam rất được người tiêu dùng tại Trung Quốc yêu thích, đặc biệt là các sản phẩm mận, xoài, nhãn… của tỉnh Sơn La.

Ông Cẩm cũng cho biết, vấn đề đảm bảo tốc độ thông quan tại các cửa khẩu với Việt Nam là vấn đề rất được Bộ Thương mại Trung Quốc quan tâm và tìm cách khắc phục. Theo đó, phía Trung Quốc xác định theo đuổi chính sách Zero-Covid, vì vậy, việc đảm bảo an toàn và ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở khu vực cửa khẩu và qua biên giới là yếu tố quan trọng, cũng như điều kiện tiên quyết để duy trì tiến độ thông quan tại cửa khẩu.

Đại diện các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) cũng khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất của họ, đặc biệt đối với sản phẩm hoa quả chất lượng cao. Đại diện hai tỉnh này cũng thông báo, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc nhưng do Việt Nam và hai tỉnh này có sự tương hỗ trong các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là hoa quả, nên Vân Nam và Quảng Tây sẽ tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản và thông quan thuận lợi.

Một thị trường khác dù không lớn nhưng dễ tính và có nhiều tiềm năng nhập khẩu nông sản của Việt Nam là UAE. Ông Trương Xuân Trung, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai cho biết, do quốc gia Trung Đông này hầu như không sản xuất được hàng hóa nên tương đối dễ tính trong yêu cầu nhập khẩu. Theo đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm trên thế giới thì nông sản của Việt Nam sẽ có thể xuất hiện tại quốc gia này.

Ông Trương Xuân Trung, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai

Ông Trương Xuân Trung, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai

Tuy nhiên, các thương gia của UAE có rất nhiều đối tác nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, nên hàng hóa từ Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng với các mặt hàng tương tự nhập khẩu từ các nước này. Vì vậy, ông Trung khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi giới thiệu hàng hóa cần đưa ra mức giá có tính cạnh tranh nhất để có thể thâm nhập được vào thị trường UAE.

Bên cạnh đó, bao bì các sản phẩm ngoài những thông tin thông thường cần thiết như chủng loại hàng hóa, trọng lượng, nước xuất xứ, doanh nghiệp phân phối… bằng tiếng Anh thì doanh nghiệp cần bổ sung thêm tiếng Ảrập nhằm tiếp cận dễ dàng hơn tới người tiêu dùng bản địa.

Ngoài ra, UAE có thể trở thành trung tâm trung chuyển để hàng hóa Việt Nam tiếp cận các quốc gia Trung Đông và Nam Phi bởi UAE nằm trong khối Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và theo luật lệ hải quan trong khối, hàng hóa đã vào UAE hoặc bất cứ quốc gia nào trong khối có thể vào các quốc gia khác trong khối GCC mà không cần mất thêm bất cứ chi phí hải quan nào.

Thương vụ Việt Nam tại Dubai cũng có lời khuyên cho doanh nghiệp nhập khẩu vào UAE cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường và phải đảm bảo thời gian giao hàng theo đúng hợp đồng để tạo lòng tin cho đối tác. Thương vụ và Đại sứ quán tại Dubai luôn sẵn sàng hỗ trợ thúc đẩy tăng cường sản lượng xoài xuất khẩu và tạo điều kiện giới thiệu thêm các sản phẩm nông sản khác như khác như nhãn, mận… tới người tiêu dùng tại đây.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/son-la-thuc-day-ket-noi-dua-xoai-va-nong-san-ra-the-gioi-post6562.html