Sơn La trong thời khắc lịch sử cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy

Ngày 1/7/2025 là dấu mốc lịch sử trọng đại trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta: Lần đầu tiên nước ta vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, được kỳ vọng là mô hình bộ máy mới tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, để đưa đất nước cất cánh.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định cho Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định cho Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Hôm nay (1/7), 12 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Sơn La chấm dứt hoạt động, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã); 200 xã, phường, thị trấn được sáp nhập còn 75 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm 8 phường, 67 xã.

Trong thời khắc lịch sử ấy, lắng đọng bao cảm xúc xao xuyến, tự hào trong trái tim của cán bộ, đảng viên, nhân dân về cấp huyện một thời đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cơ sở và phản ánh ý kiến của nhân dân lên cấp trên. Cấp ủy, chính quyền 12 huyện, thị xã, thành phố tỉnh Sơn La đã cùng với các đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong suốt 80 năm qua, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, chuyển sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trước ngày 1/7, huyện Thuận Châu là huyện có nhiều xã nhất tỉnh, với 28 xã, thị trấn. Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm xuống còn 10 xã, gồm: Thuận Châu, Chiềng La, Nậm Lầu, Muổi Nọi, Mường Khiêng, Co Mạ, Bình Thuận, Mường É, Long Hẹ và Mường Bám. Từ Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trần Đắc Lực được phân công về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thuận Châu. Đồng chí thông tin: Chuẩn bị cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trước đó, huyện Thuận Châu bố trí cán bộ, công chức về 10 xã, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện và biên chế theo quy định; thực hiện vận hành thử nghiệm hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp; ưu tiên bố trí phòng làm việc, cơ sở vật chất khác, vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công. Đến nay, tất cả các xã đã sẵn sàng đi vào hoạt động, tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Tại huyện vùng cao Bắc Yên kết thúc hoạt động cấp huyện, thực hiện sắp xếp 16 xã, thị trấn xuống còn 6 xã, gồm: Bắc Yên, Xím Vàng, Tà Xùa, Chiềng Sại, Tạ Khoa và Pắc Ngà. Cán bộ, đảng viên, công chức sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Đồng chí Nhâm Quyết Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc Yên, chia sẻ: Xã Bắc Yên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Phiêng Ban, Song Pe, Hồng Ngài và thị trấn Bắc Yên. Xã đã tổ chức vận hành thử toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, từ Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND đến các phòng, ban, đoàn thể; thực hiện đủ 5 thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công, đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hiệu quả. Trong ngày 1/7, xã Bắc Yên đã tổ chức họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Kỳ họp thứ nhất HĐND xã, trình các nội dung thành lập các phòng chuyên môn, đảm bảo việc vận hành hiệu quả.

Các đại biểu trao đổi tại Lễ công bố.

Các đại biểu trao đổi tại Lễ công bố.

Chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp là quyết sách chiến lược, chưa từng có trong tiền lệ của Đảng, Nhà nước ta, với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.

Sơn La đã tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp.

Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, mở ra không gian phát triển mới, xây dựng cấp cơ sở vững mạnh theo hướng gần dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quyết định đột phá này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Bà Cầm Thị Long, bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp, cho biết: Chúng tôi kỳ vọng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo chuyển biến tích cực trong điều hành, quản lý, giúp địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân ngay tại xã, thay vì phải lên huyện như trước đây mới giải quyết được. Đồng thời dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố Sơn La sắp xếp lại 12 xã, phường, thành 4 phường mới: Tô Hiệu, Chiềng An, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh. Trước khi kết thúc sứ mệnh cấp huyện, Thành phố đã nỗ lực, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để bộ máy mới vận hành thông suốt từ ngày 1/7.

Đảng viên, nhân dân dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp tại điểm cầu xã Quỳnh Nhai.

Đảng viên, nhân dân dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp tại điểm cầu xã Quỳnh Nhai.

Từng giữ cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Hà Trung Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Tô Hiệu, thay mặt 75 bí thư đảng ủy cấp xã, phát biểu nhận nhiệm vụ mới, thể hiện quyết tâm: Đây không chỉ là sự thay đổi về vị trí công tác mà còn là cơ hội để chúng tôi trực tiếp gần dân hơn, sâu sát hơn với cơ sở, cùng các cán bộ, đảng viên và nhân dân viết nên những trang mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn địa phương, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Còn đồng chí Lò Đức Ngọc, từng đảm nhiệm vị trí Bí thư Huyện đoàn Mai Sơn, từ 1/7, được phân công giữ chức Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, cho biết: Tôi đã nghiên cứu các văn bản, nghị định mới của Chính phủ quy định về chính quyền địa phương 2 cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vận hành xã mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả điều hành ở cơ sở.

Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp xã cũng chính thức được thành lập. Đồng chí Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Tập thể lãnh đạo cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, thực sự đổi mới về tư duy lãnh đạo, phương thức quản lý, điều hành. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt khó, vì lợi ích chung; phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, với tâm niệm vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc, tin tưởng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, để Sơn La cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/son-la-trong-thoi-khac-lich-su-cuoc-cach-mang-ve-to-chuc-bo-may-rAtpPMsHg.html