Sơn La: Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục tang ma của đồng bào dân tộc Mông ở xã biên giới

Mỗi khi có người chết, người Mông trước đây thường để lâu ngày và không cho vào áo quan, đem phơi nắng, gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tang ma linh đình. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc của hệ thống chính quyền, suy nghĩ của đồng bào đã có sự chuyển biến tích cực.

 Thủ tục cúng tế làm ma của người Mông trước kia kéo dài từ 3-7 ngày. Ảnh tư liệu.

Thủ tục cúng tế làm ma của người Mông trước kia kéo dài từ 3-7 ngày. Ảnh tư liệu.

Hủ tục tang ma của người Mông

Xã Chiềng Sơn là một xã vùng cao biên giới của thị xã Mộc Châu (Sơn La). Người Mông là 1 trong số 6 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn xã. So với thời gian trước, hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều thay đổi, những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào được lưu giữ trong khi các phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu đã từng bước bị đẩy lùi. Một trong những hủ tục bị xóa bỏ đó là tục làm ma chay của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn cho biết, hủ tục làm ma chay của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã đã được xóa bỏ. Hiện nay, tại các đám tang của người dân tộc Mông, người chết đã được đưa vào quan tài, các công đoạn trong lễ tang thực hiện không quá 48 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, người dân tộc Mông hiện tại cũng không tiến hành làm cỗ linh đình khi nhà có đám ma.

"Trước kia, theo phong tục, người chết có bao nhiêu con trai thì phải giết mổ số lượng trâu bò tương ứng. Điều này khiến cho kinh tế của người dân tộc Mông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không ít những trường hợp phải lâm vào cảnh nợ nần sau đám tang mà có khi trả nợ cả đời cũng không hết. Thế nên, khi hủ tục trong làm tang ma được xóa bỏ, người dân tộc Mông có cơ hội ổn định cuộc sống, kinh tế", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, để có thể thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc Mông từ đó tiến tới xóa bỏ hủ tục là một hành trình dài. Ở đó, có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, thôn, bản và sự vào cuộc của những người có uy tín, những thành phần tiến bộ trong chính đồng bào dân tộc Mông.

Công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông để xóa bỏ hủ tục được trú trọng. Ảnh tư liệu.

Công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông để xóa bỏ hủ tục được trú trọng. Ảnh tư liệu.

Trên địa bàn xã Chiềng Sơn, bản Pha Luông mới (gộp từ bản Dân Quân và bản Pha Luông cũ) là bản tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Mông sinh sống và cũng là bản đi đầu trong toàn xã về phong trong phá bỏ hủ tục của đồng bào dân tộc mình.

Chia sẻ về tục tang ma của người Mông, trưởng bản Pha Luông Sồng A Tủa bảo nhiều năm trước, khi việc tang ma của người Mông vẫn còn là một hủ tục nhức nhối, ông và cán bộ xã không biết bao nhiêu lần phải đến từng gia đình để vận động.

Theo ông Tủa, người Mông rất coi trọng việc tang ma. Họ cho rằng việc lo tang ma cho người chết tốt hay không sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới những người đang sống. Ví như việc lo tang ma không chu đáo thì gia đình, dòng họ, thậm chí cả bản làng phải gánh chịu những điều tai ương.

Trước kia, theo quan niệm của người Mông, quy mô tổ chức đám ma cũng là một trong những tiêu chí thể hiện sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ nên đồng bào thường có tâm lý càng mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà… để làm đám ma thì càng tốt nên đã gây nên sự tốn kém. Không ít những hộ nghèo, sau đám tang của người thân đã lâm vào cảnh nợ nần.

Đáng nói hơn, trước kia, khi có người qua đời, người Mông không cho xác người chết vào quan tài mà đan một chiếc cáng, đặt người chết lên đó. Chiếc cáng này được treo lên sát vách gia nhà giữa, ở độ cao khoảng hơn một mét. Thủ tục cúng tế làm ma kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Dù xác chết đã có biểu hiện phân hủy nhưng các thủ tục hành lễ với người quá cố chưa xong các cung đoạn thì xác chết vẫn chưa được đem chôn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân

Theo bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Sơn cho biết, việc tổ chức tang ma khi có người chết của đồng bào dân tộc Mông được đánh giá là rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo về thuần phong mỹ tục.

Do vậy, Hội LHPN xã Chiềng Sơn đã phối hợp cùng các cấp ngành tuyên truyền, vận động bà con để thay đổi cách nghĩ, cách làm, dần dần tiến tới xóa bỏ hủ tục lạc hậu đó. Vận động chị em phụ nữ và gia đình họ thực hiện tốt nội dung cam kết "5 có, 5 không" trong đồng bào dân tộc Mông.

"Mới đầu, khi được tuyên truyền, thay đổi cách làm thủ tục tang ma, nhiều chị em phụ nữ cũng phản ứng rất dữ dội bởi đây là phong tục đã tồn tại từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Tuy nhiên, với phương châm "mưa dầm, thấm lâu", Hội LHPN cũng như các cấp ngành xã Chiềng Sơn đã từng ngày thay đổi được nhận thức của bà con", bà Hồng chia sẻ.

Cuộc sống mới của người dân tộc Mông ở xã Chiềng Sơn.

Cuộc sống mới của người dân tộc Mông ở xã Chiềng Sơn.

Cũng theo bà Hồng, hằng năm, Hội LHPN xã Chiềng Sơn cũng tiến hành cho chị em hội viện ký cam kết thực hiện nội dung "5 có, 5 không". Tại các cuộc họp, gặp mặt, sơ kết, tổng kết, tuyên truyền phổ biến pháp luật, cán bộ Hội LHPN xã Chiềng Sơn cũng tiến hành tuyên truyền, phân tích cho chị em hội viên hiểu được những tác hại về sức khỏe, kinh tế khi thực hiện thủ tục tang ma theo lối cũ.

"Đối với đồng bào dân tộc Mông, phụ nữ không có vai trò sâu sắc như đối với người Kinh hoặc người Thái. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong cuộc sống hằng ngày, bản thân những người phụ nữ cũng sẽ có những tác động tới người thân để góp phần thay đổi các hủ tục trên.

Đã có những thời điểm, Hội LHPN xã Chiềng Sơn phải tổ chức riêng một buổi gặp mặt chỉ để tuyên truyền, vận động về việc thay đổi thủ tục tang ma. Tại buổi gặp mặt đó, chúng tôi đã cho chiếu những băng hình ghi lại quá trình làm tang ma của dân tộc Kinh, Thái để chị em phụ nữ thấy việc tổ chức tang ma của các dân tộc khác đảm bảo vệ sinh mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục ", bà Hồng cho biết.

Ngọc Ánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/son-la-tuyen-truyen-xoa-bo-hu-tuc-tang-ma-cua-dong-bao-dan-toc-mong-o-xa-bien-gioi-20250524112220139.htm