Sơn La xóa nghèo nhờ Nghị quyết về nông nghiệp
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các HTX…việc ban hành các chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, kịp thời chính là chìa khóa làm nên 'hiện tượng' nông nghiệp Sơn La.
Bài 1: “Biến” không thành có, nông dân Sơn La làm giàu
Với những bước tiến vượt bậc, từ một địa phương không có tên trên “bản đồ” cây ăn quả, nay Sơn La đã trở thành “vựa” quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Sản phẩm quả xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới, cho giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu mỗi năm từ 150 - 170 triệu USD, hàng ngàn nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trở thành triệu phú, tỷ phú…
Cùng với đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các HTX…việc ban hành các chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, kịp thời chính là chìa khóa làm nên “hiện tượng” nông nghiệp Sơn La.
Những người nông dân Sơn La đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế hạn chế, khi bắt tay vào chuyển đổi trồng cây ăn quả thay thế các cây trồng kém hiệu quả trên sườn dốc đã gặp không ít khó khăn. Những chính sách mang tính đột phá được ban hành, triển khai, đi vào thực tiễn đã thực sự trở thành những “cú hích”, giúp họ có cơ hội “đổi đời”.
Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, kể từ khi tỉnh có chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc thì HĐND tỉnh đã ban hành 14 Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển nông nghiệp. Việc ban hành các Nghị quyết này là nhằm tạo “cú hích”, là “đòn bẩy” để việc chuyển đổi trồng cây ăn quả trên sườn dốc đạt kết quả cao nhất.
“Các Nghị quyết này đều được nhân dân đón nhận một cách hào hứng và tin tưởng. Thực tế cho thấy, các Nghị quyết này đã phát huy hiệu quả rất tích cực, nhiều mặt hàng nông sản của Sơn La đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc…”, ông Chá A Của chỉ rõ.
Nhớ lại những năm tháng đặt nền móng và vận dụng hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn để phát triển nông nghiệp, ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, khi chuẩn bị ban hành Kết luận về chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, đặc biệt là khi ban hành các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, tập thể Thường trực HĐND phải nghiên cứu rất kỹ và cụ thể.
Ví dụ như khi hỗ trợ hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp cần hỗ trợ bao nhiêu tiền 1 mắt; ghép cho mỗi hộ khoảng bao nhiêu mắt, hay khi giúp các hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp phải định hướng cho hộ gia đình đó về loại cây trồng nào phù hợp như bưởi, nhãn hay xoài… Chính sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, kịp thời đã tạo ra động lực phát triển cho kinh tế nông nghiệp của địa phương:
“Để phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La đã phải nghiên cứu kỹ về cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình. Chính sách hỗ trợ này tỉnh chỉ thực hiện trong 1 năm đầu, nhưng sau thấy hiệu quả nên bà con làm liên tục và có thể nói là cây nào đưa vào làm cũng thành công”, ông Chất cho hay.
Từ việc quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp vào điều kiện cụ thể địa phương đã đưa Sơn La trở thành “hiện tượng” kinh tế nông nghiệp của cả nước, được nhiều tỉnh, thành phố đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bà Phạm Lệ Lam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng và ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khi đến làm việc, tham quan việc triển khai chương trình phát triển cây ăn quả của Sơn La đã đánh giá cao hiệu quả các mô hình phát triển.
“Mặt hàng nông sản của Sơn La rất phong phú và tỉnh cũng đã kết nối được với những DN, với người tiêu dùng, giúp nông dân giải quyết đầu ra và nâng tầm giá trị sản phẩm. Chính người dân Sóc Trăng cũng rất ưa thích nông sản của Sơn La”, bà Lam nói.
“Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tận dụng rất tốt các nguồn lực từ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, cũng như các nguồn lực địa phương để triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh nhà; trong đó phải kể đến những mặt hàng nông sản mà mùa vụ có sản lượng lớn”, ông Chiến đánh giá.
Ghi nhận và đánh giá cao sự bứt phá của nông nghiệp Sơn La, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, Sơn La chính là thực tiễn sinh động đối với việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong tình hình mới.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đã đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, trở thành điểm sáng của cả nước. Với sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, nên trong một thời gian không dài, nền nông nghiệp Sơn La đã phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật; thu nhập bình quân đầu người đã đạt 45,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 60-70% giảm xuống chỉ còn hơn 10% thực sự là những thành tựu rất ngoạn mục”, ông Nguyễn Xuân Thắng khâm phục.
Hàng loạt Nghị quyết HĐND tỉnh Sơn La ban hành mang lại hiệu quả cao, như Nghị quyết số 28 quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; Nghị quyết số 74 phê chuẩn Đề án về phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 76 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn…
Nghị quyết về hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả ngay trong 2 năm đầu triển khai đã hỗ trợ cho gần 90.000 hộ, chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh, chi phí khoảng 18 tỷ đồng; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã số tiền gần 17 tỷ đồng./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/son-la-xoa-ngheo-nho-nghi-quyet-ve-nong-nghiep-post1014338.vov