Sơn Mỹ: Chuyện xưa chuyện nay
Đã hơn 55 năm trôi qua sau ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (hay còn gọi thảm sát Mỹ Lai) khiến 504 thường dân vô tội, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, song người dân và nhất là các nạn nhân may mắn sống sót sau vụ thảm sát tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi vẫn nhớ như in ký ức kinh hoàng ngày nào…
1. Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.
Sơn Mỹ là địa danh chính quyền Sài Gòn đặt cho xã Tịnh Khê, còn Mỹ Lai, My Lai hay Mylai là cách viết trong các tài liệu, bản đồ của quân đội, và sau này trên báo chí Mỹ, chỉ định xã Tịnh Khê. Tên gọi này bắt nguồn từ tên thôn Mỹ Lại, 1 trong 4 thôn của Sơn Mỹ. Chính tại nơi này, ngày 16/3/1968 đã diễn ra vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đơn vị chủ lực gây ra sự kiện đẫm máu, làm chấn động dư luận thế giới là Trung đội 1 thuộc Đại đội Charlie, 1 trong 3 đại đội của lực lượng đặc nhiệm Barker, Lữ đoàn 11, Sư đoàn Armerical, quân đội Mỹ. Chỉ trong một buổi sáng, có đến 504 thường dân vô tội bị giết chết (407 người ở thôn Tư Cung, 97 người ở thôn Mỹ Hội). Có 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu rụi…
Trong vụ thảm sát ấy, may mắn là vẫn có những người thoát chết. Với họ, ký ức về trận thảm sát mãi mãi không thể xóa nhòa dù chiến tranh đã lùi xa.
Nhắc lại chuyện xưa, ông Phạm Thành Công (SN 1957, trú thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) mắt ngấn lệ, giọng buồn buồn. Vào cái ngày kinh hoàng ấy, ông có tới 5 người thân gồm mẹ, 3 em và 1 chị đã chết trong vụ thảm sát. "Mỗi lần nhớ lại cảnh thảm sát năm xưa, tôi không khỏi đau đớn trong lòng. Như hơn 500 đồng bào khác, những người thân yêu của tôi đã tức tưởi vĩnh biệt thế gian mà không kịp nhắn nhủ điều gì".
Ông Công kể rằng, khoảng 8 giờ ngày 16/3/1968, 3 lính Mỹ kéo đến nhà ông, phát hiện 6 mẹ con (gồm mẹ, chị ông, ông Công và 3 người em) đang trú dưới hầm tránh pháo nên đã gọi tất cả lên. Khi 6 người vừa chui lên khỏi miệng hầm thì bị bọn lính uy hiếp, dồn vào một chỗ. Lúc này, 2 tên lính Mỹ da trắng bắt đầu đốt nhà, bắn chết 3 con bò trong chuồng rồi đốt luôn chuồng bò. Nhìn cảnh ấy, 5 đứa trẻ sợ hãi run rẩy ngồi quấn lấy mẹ. Người em út mới 2 tuổi của ông Công được mẹ ôm chặt vào lòng nhưng vẫn khóc ré lên mỗi lần thấy tên lính Mỹ nào đến gần, khiến 2 người em khác cũng khóc theo. Sau một hồi, bọn lính bắt 6 mẹ con ông Công chui lại vào hầm. Với bản năng người mẹ, bà bảo 5 đứa con chui xuống trước, vào sâu bên trong hầm còn người mẹ xuống sau cùng.
Khi 6 mẹ con ông vừa chui vào hầm thì bọn lính thả lựu đạn xuống. Người mẹ chỉ kịp hốt hoảng kêu lên, "Chúng thả lựu đạn rồi…" thì lập tức là tiếng nổ long trời lở đất. Căn hầm sập hẳn một bên, bóng tối bao trùm. Một sự im lặng khủng khiếp diễn ra. Ông Công cảm giác mình bị thương nhiều chỗ, đau đớn vô cùng. Một lúc lâu sau thì người thân chạy đến, đưa thi thể 5 người thân của ông Công và đưa ông ra khỏi căn hầm. Tiếng khóc bao trùm khắp nơi. "Gia đình tôi còn có người ngồi khóc cho người đã chết, nhiều gia đình bị giết sạch nên ngay cả một tiếng khóc thương cũng không có. Nhiều ngôi nhà bị đốt sạch, chỉ còn lại những đụn khói bốc lên nền trời đen kịt và tỏa ra mùi thịt cháy khét", ông Công kể.
Năm 1970, người cha của ông Công hy sinh, ông Công cùng đi với người chú tham gia cách mạng. Sau ngày giải phóng, ông về lại quê hương rồi đi học. Sau thời gian dài công tác tại Huyện đoàn Sơn Tịnh, năm 1992, ông Công chuyển sang làm Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ đến năm 2017. Đây là nơi vừa gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Là một nhân chứng của vụ thảm sát, trong nhiều năm, ông Công đã cùng với đồng nghiệp tại Khu chứng tích Sơn Mỹ chuyển tải được sự bi thương của cuộc thảm sát Sơn Mỹ đến với du khách gần xa; đồng thời tổ chức chăm lo hương khói cho những nạn nhân Sơn Mỹ. Giờ đây, khi đã về hưu, thi thoảng ông Công cũng lên lại Khu chứng tích Sơn Mỹ để thắp hương tưởng vọng về người đã khuất và cảm nhận sâu sắc về hòa bình, bởi với ông lịch sử như dòng chảy, không ai có thể sống mãi với quá khứ, nhưng cũng không ai được phép lãng quên lịch sử.
2.Cũng như ông Công, ông Trương Tất (SN 1964, trú thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) cũng là một nạn nhân may mắn sống sót sau cuộc thảm sát. "Hồi đó tôi mới có 4 tuổi thôi, chưa biết gì đâu. Sau này qua lời kể của mẹ và anh trai tôi thì tôi mới hình dung được nỗi kinh hoàng của cuộc thảm sát do quân Mỹ gây ra cho người dân địa phương, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em", ông Tất tâm sự.
Rạng sáng ngày 16/3/1968, khi mẹ ông đang nấu khoai lang cho gia đình ăn thì bất ngờ xuất hiện liên tiếp các trận pháo kích của địch. Thấy vậy, bà mẹ vội vàng lôi hai đứa con trai chui xuống gầm giường để tránh pháo. Một lúc sau, các toán lính Mỹ đổ bộ vào làng, tìm kiếm và dồn mọi người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ra khu vực Tháp Canh nơi cánh đồng đầu làng. Lúc này, ông Tất được mẹ ôm vào lòng, còn người anh thì ngồi bên cạnh. Tiếp đó, bọn địch dùng súng bắn xối xả vào nhóm người dân giữa cánh đồng, người chết nằm la liệt.
"Mẹ tôi kể lại rằng, may mắn khi đó 3 mẹ con tôi nhờ đứng hàng gần phía sau cùng, nên khi bị xả súng, người chết ở phía trước cứ thế đè lên 3 mẹ con nên chúng tôi đã may mắn thoát được. Tổng số hôm đó đã có 102 người bị giết chết tại khu vực Tháp Canh ngay cánh đồng làng".
Sau khi bọn địch tiến vào sâu trong làng, 3 mẹ con ông Tất vô cùng hoảng hốt bỏ chạy, rồi bị địch phát hiện, đưa lên khu dồn dân tại xã Tịnh Khê. Mãi đến ngày 24/3/1975, khi tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, 3 mẹ con ông Tất lại tìm về quê cũ. Lúc này, thôn xóm vẫn như bình địa, nhà cửa, cây cối bị đốt sạch, san phẳng hoàn toàn. Ông Tất bộc bạch: "Nhà tôi lúc đó chỉ có 3 mẹ con thôi, vì ba tôi đã mất từ năm 1965 rồi. Khi về lại làng, thấy nhà cửa không còn, nhờ sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ nhau của bà con và hàng xóm, gia đình tôi đã dựng lại căn nhà lá để làm nơi che nắng, che mưa. Trẻ con như tôi và anh trai khi đó thì được đến trường học".
Năm 1982, ông Tất đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình. Năm 1985, ra trường, ông được phân về giảng dạy tại Trường THCS Tịnh Khê; đến tháng 4/2019, ông được phân công về làm Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Kỳ. "Giờ đây các con tôi đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và đã lập gia đình cả. Trên mảnh đất đầy đau thương, chúng tôi đã biết đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp", ông Tất nói.
Trên mảnh đất chịu bao đau thương năm nào, giờ đây cuộc sống mới đã và đang được dựng xây bởi những nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát và cả thế hệ trẻ hôm nay. Vui mừng trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đỗ Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi cho biết, toàn xã hiện có 4 thôn với gần 13.500 người. Tháng 9/2015, xã Tịnh Khê đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã Tịnh Khê là 55 triệu đồng.
Ngay sau vụ thảm sát, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước về tội ác của quân viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên phải đến một năm rưỡi sau, sự kiện kinh hoàng này mới được phanh phui ở Mỹ bởi chính các nhà báo và cựu binh Mỹ như Seymour Hersh (nhà báo tự do, về sau được giải thưởng Pullizer), Ronald Ridenhour (một cựu quân nhân của Đại đội Charlie, vào tháng 3/1969 đã gửi một lá thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai cho Tổng thống Richard M. Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ Tham mưu Liên quân và một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ), Jay Roberts (phụ trách thông tin của Đại đội Charlie), Ronald Haeberle (phóng viên ảnh quân đội), Hugh Thompson (phi công trực thăng đã cứu thoát một số người trong vụ Sơn Mỹ)...
Từ tháng 9/1969, có 3 tờ báo lớn là Time, Newsweek, The Cleveland Plain Dealer, tiếp sau là Life đồng loạt đưa vụ việc lên trang bìa, Đài Truyền hình CBS phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo, nguyên là lính Trung đội 1, Đại đội Charlie. Một số bức ảnh ghi lại trực diện cảnh dân thường bị giết trong vụ thảm sát cũng được báo chí đăng tải…
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/son-my-chuyen-xua-chuyen-nay-i692846/