Sơn Tây nỗ lực xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực

Xác định chương trình Quốc gia 'Mỗi xã một sản phẩm' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490 gọi tắt là chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Thời gian qua, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tích cực nhân rộng, tập phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh theo chuỗi giá trị, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới…

Theo đó, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được một số mô hình, đề án mang lại hiệu quả cao như: Nuôi ong mật Kim Sơn; nuôi gà Mía Sơn Tây; mô hình trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn; đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ...

Thị xã đã có 2 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao gồm mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía và mô hình liên kết nuôi ong lấy mật Kim Sơn.

 Sản phẩm mít ngon, an toàn xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây ngày càng khẳng định thương hiệu riêng, mở rộng thị trường mạnh mẽ. Ảnh: Đinh Luyện

Sản phẩm mít ngon, an toàn xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây ngày càng khẳng định thương hiệu riêng, mở rộng thị trường mạnh mẽ. Ảnh: Đinh Luyện

Đáng chú ý, khi triển khai chương trình OCOP, thị xã Sơn Tây đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo đơn vị tư vấn giúp các địa phương, hộ sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định OCOP xét duyệt, phấn đấu trong năm 2019 thị xã có từ 3 – 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Khi chủ cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình, thành phố sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ để các sản phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về vấn đề liên quan, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, để các mô hình đạt được hiệu quả cao, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề nông trong sản xuất nông sản hàng hóa.

Nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về con giống, cây giống, vật tư. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/son-tay-no-luc-xay-dung-thuong-hieu-cac-san-pham-chu-luc-98667.html