Sơn Thành Đông hướng đến đô thị sinh thái

Một góc Sơn Thành Đông. Ảnh: CTV

Xã Sơn Thành Đông cách thị trấn Phú Thứ - huyện Tây Hòa 15km về phía tây theo quốc lộ 29 đi Đắk Lắk, bên bờ sông Ba. Sở Xây dựng đang lập quy hoạch chung đến năm 2035 làm cơ sở đầu tư, nâng cấp để trở thành đô thị loại V (thị trấn) thuộc huyện Tây Hòa.

Cơ sở hình thành đô thị

Phía đông giáp xã Hòa Phú, phía tây giáp xã Sơn Thành Tây, phía nam giáp xã Hòa Mỹ Tây, còn phía bắc là dòng sông Ba, xã Sơn Thành Đông có 9 thôn: Bình Thắng, Mỹ Bình, Lễ Lộc Bình, Thành An, Phú Thịnh, Thân Bình Đông, Lạc Điền, Thành Thắng và thôn Trường Thành với diện tích tự nhiên hơn 8.000ha, dân số 9.700 người.

Xã Sơn Thành Đông có địa hình đa dạng, gồm đồi núi, xen kẽ là đồng bằng, thung lũng nhỏ, hơn 50% diện tích núi rừng. Với địa hình thấp dần theo hướng tây nam - đông bắc, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của khí hậu biển nên nhiệt độ trung bình hàng năm của Sơn Thành Đông là 270C, lượng mưa bình quân 1.800mm/năm.

Dòng sông Ba chảy qua xã Sơn Thành Đông với độ dài khoảng 14km. Nơi đây có bến đò Lù Cây Sộp. Ngoài sông Ba, địa bàn xã này còn có suối Bà, suối Hiền, suối Ho Gác; có hồ Đồng Tròn, hồ Suối Hiền và suối nước nóng Lạc Sanh... Là vùng đất đỏ bazan, có nguồn nước ngầm dồi dào nên phù hợp trồng các loại cây như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Về công nghiệp, xã có các cơ sở chế biến nông, lâm sản, có 3 nhà máy điện mặt trời, ở phía bắc xã còn có Khu công nghiệp Hòa Phú.

Trung tâm thị tứ Sơn Thành Đông tại ngã tư giao quốc lộ 29 với đường liên xã ĐH84, nơi này có nhà trẻ, trường học, trạm xá, bưu điện, ngân hàng, trụ sở cơ quan… Đặc biệt, chợ và bến xe Sơn Thành là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa khá sầm uất. Hệ thống đường giao thông đối ngoại được nhựa hóa, đường liên thôn được bê tông; 100% dân cư trong xã được sử dụng điện.

Thị tứ có những dãy nhà ở, cửa hàng cửa hiệu, các công trình san sát dọc hai bên quốc lộ 29, dáng dấp của một đô thị tương lai. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng ở xã chưa đồng bộ, đầu tư xây dựng mang tính tự phát, chưa tính đến lâu dài, đặc biệt là chưa khai thác được cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng về đất đai…, do đó rất cần có đồ án quy hoạch chung để đầu tư hướng tới trở thành thị trấn, một đô thị tiểu vùng phía tây huyện Tây Hòa.

Suối nước nóng Lạc Sanh ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa. Ảnh: CTV

Suối nước nóng Lạc Sanh ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa. Ảnh: CTV

Đô thị phát triển theo dạng vết dầu loang

Đồ án quy hoạch lần này là cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên và đề án chương trình phát triển đô thị dọc sông Ba đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo tính toán, đô thị Sơn Thành Đông đến năm 2025 có dân số 11.800 người, năm 2035 là 17.000 người; đô thị này nằm trên quốc lộ 29 là chuỗi các đô thị theo hướng đông tây: TX Đông Hòa; đô thị Phú Thứ và Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); đô thị Hai Riêng và Tân Lập (huyện Sông Hinh).

Với thế mạnh là vùng đất màu mỡ, thuận lợi về giao thông, phát triển cây công nghiệp, với công nghiệp chế biến nông lâm sản; đô thị hình thành các cơ sở thương mại có quy mô trung bình, phân phối về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm phục vụ trong bán kính tiểu vùng. Về du lịch, nơi đây có đồi núi, sông suối, có đập Đồng Cam được công nhận là danh thắng cấp quốc gia, có nguồn suối nước nóng Lạc Sanh… là những tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Với tầm nhìn là đô thị: công nghiệp - thương mại - dịch vụ tổng hợp - du lịch sinh thái - nông nghiệp; Sơn Thành Đông là động lực phát triển tiểu vùng phía tây huyện Tây Hòa.

Đô thị phát triển theo phương án tập trung đơn cực theo dạng vết dầu loang, từ trung tâm ban đầu cứ lan tỏa dần ra, hình thành 3 vùng không gian: Vùng xây dựng đô thị tập trung là hai bên quốc lộ 29 gồm có 7 thôn: Thân Bình Đông, Phú Thịnh, Lễ Lộc Bình, Lạc Điền, Bình Thắng, Mỹ Bình và Trường Thành. Đây là bình nguyên thuận lợi cho việc xây dựng. Vùng phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ sinh thái, chăn nuôi và vùng không gian núi rừng tự nhiên.

Khu trung tâm đô thị Sơn Thành Đông được tổ chức thành 4 tiểu vùng: Phía tây bắc khu trung tâm có chức năng hành chính, giáo dục, thương mại và dịch vụ; phía đông bắc khu động lực phát triển cây công nghiệp, với chức năng công nghiệp, thương mại và là cửa ngõ của đô thị. Tiểu khu đông nam là trung tâm công trình công cộng với chức năng giáo dục, văn hóa, thương mại và dịch vụ. Tiểu khu tây nam là trung tâm công trình công cộng y tế, thể thao, thương mại và dịch vụ. Các công trình kiến trúc nhà ở kết hợp với dịch vụ kinh doanh, nhà ở xen kẽ với công trình công cộng tạo không gian đô thị miền núi sinh động.

Quốc lộ 29 là mặt tiền trung tâm của đô thị, có lộ giới rộng 32m hiện đại, công trình hai bên có mật độ xây dựng thấp đến trung bình; nhà ở biệt thự, nhà ở lô phố xen kẽ các công trình công cộng. Các nút giao thông chính là công trình tổ hợp đa chức năng có quy mô lớn, là điểm nhấn cho đô thị. Đối với vùng cảnh quan nông nghiệp, đây là vùng sinh thái bao bọc đô thị trung tâm, với chức năng trồng cây công nghiệp, công trình trong khu vực này có mật độ xây dựng thấp, nhà ở sinh thái vườn. Vùng núi rừng được duy trì bảo vệ, chỉ làm đường đi lại phục vụ sản xuất.

Đô thị Sơn Thành Đông được hình thành trên nền tảng hiện trạng, đảm bảo tính kế thừa những yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa. Nơi đây tạo dựng hình ảnh đô thị miền núi, một đô thị tập trung được bao bọc bởi hệ sinh thái tự nhiên. Trong tương lai xa, nơi này còn cần cây cầu bắc qua sông Ba đấu nối với quốc lộ 25, để hai bên bờ sông cùng phát triển.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG - KS LÊ VĂN THỨNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/288055/son-thanh-dong-huong-den-do-thi-sinh-thai.html