Sơn tốc độ tối đa, vạch 3D lên mặt đường: Tai nạn giảm mạnh

Nhiều quốc gia đang áp dụng sơn tốc độ tối đa trực tiếp lên mặt đường để giảm tai nạn và nâng cao nhận thức giao thông.

Nhật Bản: Luật hóa việc sơn ký hiệu tốc độ lên mặt đường

Tại Nhật Bản, các con số như 30, 40, 50 được sơn trực tiếp lên đường để thể hiện giới hạn tốc độ tối đa tại khu vực đó (đơn vị: km/h).

Một tuyến đường tại Tokyo được sơn tốc độ giới hạn 50 km/h. (Ảnh: Google)

Một tuyến đường tại Tokyo được sơn tốc độ giới hạn 50 km/h. (Ảnh: Google)

Nhật Bản cũng sơn các yêu cầu “dừng lại”, “chạy chậm” hay “khu vực trường học” để cảnh báo người tham gia giao thông. Từ các tuyến quốc lộ đông đúc tại Tokyo đến những ngôi làng thanh bình ở Hokkaido, việc sơn tốc độ tối đa hay cảnh báo thường xuất hiện ở trường học, ngã tư, khu dân cư, cầu vượt hay đường cong nguy hiểm.

Sơn báo hiệu đường nội bộ (làn phải), đường cao tốc (làn giữa và làn trái). (Ảnh: X)

Sơn báo hiệu đường nội bộ (làn phải), đường cao tốc (làn giữa và làn trái). (Ảnh: X)

Phần lớn người dân ủng hộ việc sử dụng sơn trực quan, chẳng hạn như giới hạn tốc độ, biểu tượng trẻ em hoặc hình ảnh cảnh báo tai nạn được sơn trực tiếp trên mặt đường. Soranews24 liệt kê một số bình luận nổi bật như: “Thật sự rất hiệu quả!”, “Thật tuyệt khi thấy biện pháp này đang phát huy tác dụng.”, “Thú vị đấy chứ!”, “Thay vì mấy khẩu hiệu nghe nhàm chán, cách này thuyết phục hơn nhiều!”

Để giữ gìn hệ thống sơn tốc độ, Nhật Bản sử dụng sơn nhiệt dẻo (thermoplastic paint) có trộn hạt thủy tinh phản quang, giúp bám mặt đường tốt, sáng rõ ban đêm và chống mài mòn. Đây là loại sơn được thiết kế để tồn tại từ 3 đến 5 năm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Chính quyền địa phương kết hợp với hệ thống camera giao thông và bản đồ GIS để theo dõi tình trạng vạch sơn. Khi độ mờ vượt ngưỡng quy định, đội thi công được điều động tự động, không cần đợi phản ánh của người dân. Mọi ký hiệu sơn tốc độ đều tuân thủ quy định của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT), giúp tạo sự thống nhất và dễ nhận diện trên toàn quốc.

Hàn Quốc: Sơn giới hạn tốc độ, thiết kế thị giác trên đường

Từ cuối những năm 2000, đặc biệt sau khi chính phủ phát động chiến dịch “khu vực 30 km/h” quanh các trường học, nhiều khu vực dân cư và tuyến đường gần trường tại Hàn Quốc được sơn con số giới hạn tốc độ (ví dụ: 30 hoặc 50) bằng sơn phản quang, kích thước lớn, ngay trên làn xe chạy. Đi kèm là các dòng chữ bằng tiếng Hàn như “giảm tốc”, “trước cổng trường”, hay hình ảnh minh họa trẻ em băng qua đường. Những hình ảnh này được chứng minh là giúp tài xế giảm tốc độ hiệu quả hơn biển báo đứng truyền thống.

Không dừng lại ở đó, Hàn Quốc còn triển khai đường dẫn hướng nhiều màu sắc. Từ năm 2011, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông triển khai các đoạn đường sơn màu hồng, xanh dương hoặc vàng nhằm dẫn hướng dòng xe, phân luồng hợp lý và cảnh báo khu vực cần chú ý.

Vạch sơn tốc độ tối đa và hướng dẫn màu tại đầu cao tốc. (Ảnh: Namu)

Vạch sơn tốc độ tối đa và hướng dẫn màu tại đầu cao tốc. (Ảnh: Namu)

Tại ngã tư Ga Seoul, các làn đường được phân loại màu và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ được in đậm, một số được sơn phản quang hoặc chống trượt. Làn dành riêng cho xe buýt được sơn màu đỏ, giúp ưu tiên giao thông công cộng và giảm ùn tắc.

Theo Korea Bizwire, việc sử dụng vạch sơn phân làn theo màu, đặc biệt tại các điểm giao cắt và nút ra khỏi cao tốc mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện tầm nhìn và hướng dẫn tài xế, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Đây là một phần trong chiến lược "giao thông thông minh" mà Hàn Quốc đang tích cực triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Làn đường hướng dẫn màu đầu tiên của Hàn Quốc tại ngã tư Ansan, nơi có trung bình 25 vụ tai nạn giao thông mỗi năm; sau 6 tháng triển khai sơn lên mặt đường, số vụ tai nạn chỉ còn 3 vụ. (Ảnh: Naver)

Làn đường hướng dẫn màu đầu tiên của Hàn Quốc tại ngã tư Ansan, nơi có trung bình 25 vụ tai nạn giao thông mỗi năm; sau 6 tháng triển khai sơn lên mặt đường, số vụ tai nạn chỉ còn 3 vụ. (Ảnh: Naver)

Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng về loại sơn, độ dày, khoảng cách giữa các vạch và thời gian bảo trì định kỳ.

Phản ứng của người dân và cộng đồng rất tích cực. Nhiều phụ huynh chia sẻ họ cảm thấy yên tâm hơn khi con cái đi học qua các đoạn đường có vạch sơn rõ ràng. Các tài xế cũng thừa nhận rằng việc nhìn thấy các con số tốc độ lớn sơn ngay trên mặt đường giúp họ giảm tốc độ một cách tự nhiên, đặc biệt vào ban đêm nhờ tính phản quang cao.

Singapore: Sử dụng sơn ảo 3D

Tại Singapore, trong những năm gần đây, việc sơn giới hạn tốc độ trực tiếp trên mặt đường, làm đường cùng với các vạch sơn ảo 3D trở thành một phần quan trọng trong chiến lược “traffic calming” – tức làm chậm xe bằng thiết kế đô thị thay vì bằng biện pháp cưỡng chế.

Vạch sơn 3D tạo hiệu ứng thị giác. (Ảnh: The Straitstimes)

Vạch sơn 3D tạo hiệu ứng thị giác. (Ảnh: The Straitstimes)

Từ năm 2014, Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) chính thức triển khai chương trình Silver Zones (khu vực có nhiều người cao tuổi sinh sống). Tại đây, LTA cho phép sơn trực tiếp giới hạn tốc độ 40 km/h ngay trên mặt đường, kết hợp với các vạch cảnh báo như “SLOW” hoặc biểu tượng người đi bộ. Việc này làm giảm 75% số vụ tai nạn – một con số ấn tượng cho thấy tác động tích cực của việc điều chỉnh thiết kế giao thông đô thị phù hợp với nhóm dân số dễ tổn thương.

Năm 2018, Singapore tiếp tục thử nghiệm và áp dụng rộng rãi vạch sơn ảo 3D tại Silver Zones. Các thiết kế như tam giác phối bóng hoặc dải thị giác nổi giúp tạo ảo giác đường hẹp hoặc vật cản phía trước, khiến tài xế có xu hướng tự giảm tốc độ. Những vạch sơn này được làm từ sơn phản quang nhiệt dẻo chất lượng cao, duy trì độ rõ nét cả ban ngày lẫn ban đêm.

Khu vực Silver Zone.

Khu vực Silver Zone.

Mới đây, năm 2025, báo The Straits Times ghi nhận thêm một bước tiến: Đoạn đường nhập làn hình giọt nước trên đường KJE (ở khu vực Choa Chu Kang) được sơn lại và áp dụng các biện pháp cảm nhận thị giác.

Ông Sanjay Kumar, 51 tuổi, người thường xuyên đi trên đoạn đường này mỗi ngày để đưa con đến trường, cho biết: “Tôi vô thức giảm tốc độ khi thấy các vạch mới xuất hiện trong tuần này. Điều đó cho thấy hiệu quả thật sự. Tôi hy vọng những người không quen đường cũng sẽ phản xạ như vậy".

Ngọc Nguyên

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/son-toc-do-toi-da-vach-3d-len-mat-duong-tai-nan-giam-manh-ar955515.html