Sơn Tùng, FAPTV đăng YouTube 10 năm không bằng người làm vài tháng
Cục diện ở mảng YouTuber Việt Nam thay đổi khi nhiều người làm video ngắn nội dung đặc thù, tăng trưởng mạnh về lượng người xem quốc tế.
Việt Nam là thị trường lớn, có đông đảo người xem và nhà sáng tạo nội dung của YouTube. Tuy nhiên đến 2022, số tài khoản trong nước vượt mốc 10 triệu người đăng ký vẫn tương đối hạn chế. Các kênh được sản xuất với ngôn ngữ tiếng Việt chỉ tiếp cận đối tượng trong nước và người Việt ở nước ngoài.
Gần đây, trước sự bùng nổ của hình thức phân phối video ngắn, danh sách kênh YouTube nhiều lượt theo dõi có sự thay đổi mạnh. Đã có những kênh của người Việt đạt trên 20 triệu đăng ký. Những tài khoản dẫn đầu thị trường trước đó cũng bị vượt qua.
Kênh mới lập vượt mặt FAPTV, Sơn Tùng
Năm 2019, FAPTV, chuyên nội dung về hài tình huống, phim học đường trở thành kênh YouTube đầu tiên của Việt Nam đạt được 10 triệu người đăng ký. Đây là mốc thành tích quan trọng thứ 3 trong thang xếp hạng của nền tảng. Các mức gồm Nút Bạc (100.000 người đăng ký), Nút Vàng (1 triệu người đăng ký) và Nút Kim cương (10 triệu người đăng ký).
Tiếp sau đó, POP Kids, Nguyễn Thành Nam, Cris Phan, Vie Channel hay Sơn Tùng M-TP là những cá nhân, tập thể xác lập được thành tích nói trên.
Đa số trường hợp được nêu đều có quá trình đăng tải nội dung liền mạch, số lượng lớn hoặc mức độ đầu tư cao trong thời gian dài. Ví dụ, FAPTV được thành lập từ 2014, đến nay đã đăng 1.200 video. Sơn Tùng cũng bắt đầu đăng MV trên YouTube cá nhân từ 2015. Là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong nước, nhưng đến 2022 kênh này mới vượt 10 triệu đăng ký.
Tuy nhiên từ cuối 2023, danh sách những tài khoản nhiều theo dõi nhất tại Việt Nam có biến động mạnh. Nhiều kênh vô danh bỗng vươn lên, vượt mặt những nhóm sáng tạo chuyên nghiệp, kỳ cựu.
Ví dụ, tài khoản YouTube nhiều người đăng ký nhất, đặt vị trí tại Việt Nam hiện tại là Ben Eagle, với 27,4 triệu. Thời kỳ cao điểm, người này có thêm hơn 3 triệu theo dõi trong một tháng. Đây là một tài khoản mới tạo lập từ tháng 9/2021, có tuổi đời chưa tới 3 năm và chỉ đăng video ngắn.
Một ví dụ khác là kênh H&T Official, hiện có 17 triệu theo dõi, xếp thứ 4 tại Việt Nam. Tài khoản được lập từ 2020, nhưng các video nhiều lượt xem bắt đầu xuất hiện từ 2021.
CiiN (Bùi Thảo Ly) vốn là vũ công, người làm nội dung trên TikTok cũng vừa đạt 10 triệu đăng ký ở YouTube. Kênh này có thêm 9 triệu theo dõi chỉ trong 7 tháng.
Theo dữ liệu của Social Blade, trong danh sách các kênh YouTube nhiều đăng ký nhất ở Việt Nam, những kênh làm nội dung ngắn đang bứt lên nhanh chóng từ cuối 2023. Nhóm này chiếm nhiều vị trí cao, tăng trưởng mạnh và vượt qua các “ông lớn”. Hiện FAP TV đã rơi xuống hạng 5, Sơn Tùng thứ 7.
Bí quyết tăng trưởng
Điểm chung của các kênh tăng trưởng nhanh thời gian qua đều là đăng clip thuộc hạng mục Shorts. Đây là các video nằm theo chiều dọc, phục vụ việc xem ở smartphone và có thời lượng dưới 60 giây. Shorts chính là quân bài YouTube cho ra để cạnh tranh với sự nổi dậy của TikTok, cùng những mô hình tương tự như Reels ở Instagram, Facebook.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, Minh Khôi, một người làm nội dung đa nền tảng, cho biết có thời gian YouTube đẩy mạnh lượt xem bằng cách hướng người dùng sử dụng tính năng Shorts. “Hồi 2022 kênh của tôi tăng mạnh số đăng ký, nhờ theo kịp đợt đẩy của nền tảng. Giờ thì không còn tốt nữa”, Khôi nói.
Ngoài ra, trong trường hợp của các kênh người Việt tăng trưởng mạnh gần đây, chuyên gia cho rằng có sự đóng góp của tài khoản quốc tế.
“Các kênh có nội dung được thiết kế phù hợp để tiếp cận tập người dùng toàn cầu. Nhờ vậy, tổng lượt xem tăng nhanh đi kèm với số đăng ký”, ông Nguyễn Lạc Huy, Quản lý mạng lưới Schannel Network trả lời Tri Thức - Znews.
Ví dụ trường hợp kênh Ben Eagle, người này chủ yếu làm nội dung về tình huống võ thuật, hài hước. Gần như các video đều không có thoại, được mô tả bằng biểu cảm, động tác nên trở nên dễ hiểu với người xem ở mọi quốc gia. Kênh CiiN Bùi Thảo Ly cũng áp dụng cách làm tương tự, chuyên các thể loại nhảy, biến hình.
Công thức này tương tự cách tiếp cận của Khaby Lame, TikToker nổi tiếng nhất thế giới với hơn 160 triệu lượt theo dõi. Nội dung trong video của người này cũng chỉ gồm biểu cảm và hành động.
Tuy nhiên, lượng đăng ký cao trên YouTube không đồng nghĩa với thu nhập. Lượt xem Shorts có giá trị thấp khi đặt cạnh số xem video dài, bởi mức độ hiển thị quảng cáo kém và dễ dàng bị bỏ qua. Minh Khôi cho biết YouTube trả cho ông 1,9 USD (50.000 đồng) cho 100.000 lượt xem clip ngắn.
Mặt khác, hình thức Shorts với lượt tiếp cận toàn cầu cũng gây khó khăn khi người sáng tạo muốn nhận quảng cáo cho nhãn hàng. Bởi trong trường hợp này, họ phải cạnh tranh với đối thủ quốc tế, những kênh nói tiếng Anh… Trong khi đó, những thương hiệu nhắm đến khách hàng trong nước vẫn tin tưởng nhóm kênh phục cho người dùng Việt Nam.