Sông Ba Chẽ - 'đụn' của chìm lớn của Quảng Ninh

Khi nhắc tới Ba Chẽ, nhiều người biết đến đây là một huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng rất ít người biết Ba Chẽ đang ủ một 'đụn' của chìm lớn của tỉnh này. 'Không chóng thì chầy' huyện giàu người phú ở Quảng Ninh sẽ phải nhờ vả Ba Chẽ.

Huyện Ba Chẽ giàu tiềm năng du lịch sinh thái, đang sở hữu lá phổi xanh khổng lồ, vò nước ngọt siêu lớn ở Quảng Ninh.

Ba Chẽ nhìn từ trên cao rừng không loang lổ như rừng ở các huyện bạn, bởi tác động của khai khoáng. Ba Chẽ rừng còn thuần, mặt đất ít bị tác động, khả năng sinh thủy tốt, nên con sông Ba Chẽ nước luôn trong xanh.

Một con sông chiều dài trên 80km, lưu vực sinh thủy rộng lớn, biên độ thủy văn mùa lũ nước dâng cao tới 6m. Sông Ba Chẽ có nhiều nhánh, vùng thượng lưu tính từ đỉnh Thiên Sơn cao trên 1.200m, phía Nam xã Đồn Đạc thì sông suối dài trên 95km. Nếu tính từ nhánh qua rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng phía Tây xã Lương Mông thì sông Ba Chẽ dài 150km.

Sông Ba Chẽ dài nhất Quảng Ninh, đụn của chìm lớn của địa phương.

Các đoạn sông thượng nguồn địa mạo dốc đứng, tạo nhiều thác bắt mắt, nhiệt độ không khí mát mẻ, tạo ra nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Thời thuộc Pháp, nhiều thương gia đã đến đây xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, kết hợp với thú vui săn bắn (nay Ba Chẽ vẫn còn sử dụng một số ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm).

Từ thị trấn đổ xuống, lòng sông Ba Chẽ rộng dần. Cửa cái tả gặp sông Tiên Yên, hữu gặp cửa sông Voi Lớn - Vân Đồn. Điểm giao ba cửa sông, người địa phương gọi là Ba Chẽ, tên huyện bắt nguồn từ đấy. Ngày trước, giao thông đường bộ chưa phát triển, sông Ba Chẽ thuyền bè ra vào tấp nập, một bến cảng sầm uất hàng nông sản thực phẩm, nhất là đóng bè tre gỗ đổ về xuôi.

Sông Ba Chẽ từ suối thượng nguồn ẩn dưới tán lá rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng đổ xuống tới hạ lưu dài trên 150km.

Hiện Ba Chẽ có lợi thế về giao thông đường bộ, với cung đường ngắn nối địa phương với các đô thị và khu công nghiệp lớn của tỉnh. Từ QL18 có 3 đường tắt vào huyện, đoạn thuận nhất là từ cầu Ba Chẽ bắt vào đường tỉnh 330b, độ đường chỉ 13km là đến trung tâm thị trấn, tới đây còn có lối mở vào đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Ba Chẽ ẩn chứa một con sông dài, rộng, đôi bờ rừng cây đại ngàn phong cảnh còn sơ khai với các thác nước đẹp như: Thác Trúc, thác Khe Lạnh, thác Khe Ngại - xã Nam Sơn; thác Đá Vuông, thác Sông Cổng, thác Khe O - xã Đồn Đạc; thác Khe Lào, thác Khe Xoong - xã Thanh Lâm; thảo nguyên Khe Lầy - xã Đạp Thanh...

Quý giá hơn, Ba Chẽ còn có một vò nước ngọt khổng lồ dự trữ chiến lược nước sạch cho các đô thị lớn: Hạ Long, Cẩm Phả và khu kinh tế Vân Đồn... Khu công nghiệp Quảng Ninh nguồn sinh thủy tại chỗ rất thiếu. Đập nước Diễn Vọng bị xóa sổ, sông Diễn Vọng trở thành con sông chết do phát triển ngành khai khoáng. Tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hẹp nguồn nước mặt trên các đảo huyện Cô Tô, Vân Đồn trong hiện tại và tương lai.

Hai huyện đảo này đã từng bị đại hạn thiếu nước sinh hoạt vì thiếu rừng sinh thủy. Một con số mà nhiều người chưa biết đến, đó là Tập đoàn Texhong sử dụng nước một ngày bằng toàn bộ sản lượng nước sạch cấp ra của Cty nước sạch Quảng Ninh, rồi đây khu công nghiệp Vân Đồn sẽ không sớm thì muộn, phải cần đến vò nước này.

UBND huyện Ba Chẽ yêu cầu trạm trộn Asphanlt của Cty Lan Linh tại thôn Bằng Lau, xã Lam Sơn dừng hoạt động từ ngày 9/3/2019 để khắc phục hậu quả đã gây ô nhiễm môi trường.

Ba Chẽ đang sở hữu nguồn sinh thủy và vò nước dự trữ chiến lược lớn nhất Quảng Ninh. Nhưng tỉnh Quảng Ninh chưa có một cơ chế điều tiết kinh tế để địa phương này giữ sông, giữ rừng. Các hoạt động hỗ trợ tài chính chủ yếu là hình thức từ thiện nhân đạo, chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng công trình tình nghĩa.

Huyện có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 3 loại rừng theo hướng: Khuyến khích hộ giao rừng sản xuất, bỏ cây vòng đời ngắn, trồng cây thu nhập lâu niên, như bỏ cây keo trồng thông, nhưng rất khó ăn nhập vào đời sống người dân, bởi Ba Chẽ còn nghèo, người dân cần ngay đấu gạo.

Cán bộ huyện Ba Chẽ cũng đã từng chạy đôn chạy đáo kêu gọi nhà đầu tư, nhưng không mấy hấp dẫn các doanh nghiệp lớn vì trên là rừng, dưới là sông suối, khó khăn hơn thuận lợi. Nên hễ một doanh nghiệp nào đến là địa phương niềm nở đón tiếp, không kén chọn, không đánh giá kỹ những tác động môi trường. Thậm chí doanh nghiệp thuê đất quy hoạch cảng, nhưng lại mở nghề chế biến gỗ mà huyện như phải lờ đi để cốt có nguồn thu, nên con sông Ba Chẽ đang đối mặt với hiểm họa môi trường.

Trong một cuộc kiểm tra gần đây, cơ quan chức năng của địa phương đã xử lý một số cơ sở băm dăm gỗ ngay bên mép nước dòng sông như: Cty CP Trường Sơn 36, Cty TNHH Vương Cường VT... để phế liệu, rác thải, nước thải vương vãi ra môi trường và dừng sản xuất trạm trộn Asphanlt của Cty Lan Linh.

Nhưng việc xử lý vẫn chưa triệt để, bên mép nước sông Ba Chẽ đoạn thôn Nam Hà, xã Nam Sơn còn một cơ sở sản xuất nguyên liệu giấy của Cty TNHH MTV sản xuất hàng xuất khẩu ANT đang xả hóa chất tẩy rửa thẳng xuống nguồn nước.

Cơ sở sản xuất nguyên liệu giấy này xả thải hóa chất tẩy rửa thẳng xuống nguồn nước sông Ba Chẽ.

Ba Chẽ là huyện nghèo nhất Quảng Ninh, nhưng đang sở hữu “đụn” của chìm quý giá là tài nguyên du lịch sinh thái, lá phổi khổng lồ và một vò nước ngọt lớn, nguồn nước sạch dự trữ chiến lược cho địa phương. Tỉnh Quảng Ninh cần sớm hoạch định cơ chế bảo hộ cho Ba Chẽ, vị “thần” giữ của chìm của địa phương.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/song-ba-che-dun-cua-chim-lon-cua-quang-ninh.html