Sông băng 'Ngày tận thế' bị tan chảy do biển Nam Cực ấm hơn
Nhiệt độ tăng, nước biển ấm hơn đã thẩm thấu và làm xói mòn băng trên sông băng khổng lồ này, theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature.
Nghiên cứu này là kết quả của một nỗ lực quốc tế trong nhiều năm trị giá 50 triệu USD (47 triệu euro) nhằm hiểu rõ hơn sông băng rộng nhất của thế giới.
Sông băng Thwaites có diện tích ngang bằng bang Florida của Mỹ, còn được gọi là "Sông băng Ngày tận thế" vì lượng băng khổng lồ của nó.
Nếu tan chảy hoàn toàn, sông băng này có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao hơn 65 cm, dù có thể sự tan chảy kéo dài hàng trăm năm. Nó cũng có thể gây mất ổn định cho các sông băng kề cận vốn có tiềm năng khiến mực nước biển dâng lên tới 3 mét, theo nghiên cứu mới.
Một nhóm gồm 13 nhà khoa học Anh - Mỹ đã trải qua khoảng 6 tuần trên sông băng Thwaites hồi cuối năm 2019 - 2020. Nhóm nghiên cứu sử dụng một phương tiện robot dưới nước hình bút chì có tên Icefin, cùng với dữ liệu neo đậu và các cảm biến, họ đã lần đầu tiên theo dõi được đường tiếp đất của sông băng, nơi băng trượt khỏi sông băng và lần đầu gặp biển.
Các nhà khoa học trước đây rất khó tiếp cận với các điểm quan trọng trên dòng sông băng Thwaites. Họ chủ yếu sử dụng hình ảnh vệ tinh nên gặp khó khăn trong việc lấy thông tin chi tiết.
Nhưng khi Icefin hạ xuống một cái hố mảnh dài 587 mét được tạo ra bởi một tia nước nóng, họ đã thấy tầm quan trọng của các kẽ hở trong quá trình phá vỡ băng, thứ gây thiệt hại nặng nề nhất cho sông băng, thậm chí còn hơn cả sự tan chảy.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học nữ Britney Schmidt của Đại học Cornell dẫn đầu, đã phát hiện nước biển ấm hơn đang xâm nhập vào các kẽ hở này và gây ra hiện tượng tan chảy từ 30 mét trở lên mỗi năm.
Bà Schmidt nói, những phát hiện này chứng tỏ sự biến đổi khí hậu đang lan đến Nam Cực: “Nước biển ấm đang xâm nhập vào những phần yếu nhất của sông băng và khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải quan tâm”.
Trong một bài báo khác, bà Schmidt cho biết, khoảng 5 mét băng tan mỗi năm gần đường tiếp đất của sông băng Thwaites. Nó ít hơn so với các mô phỏng băng tan mạnh nhất đã từng dự đoán trước đây. Nhưng bà nhấn mạnh, sự tan chảy là mối quan tâm nghiêm trọng.
Peter Davis, một nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là tác giả chính của một trong những nghiên cứu nói rằng, sự tan chảy gần như không phải là vấn đề ở sông băng Thwaites mà là sự co nhỏ của sông băng.
Ông nói: “Sông băng tan ra hoặc rút đi càng nhiều thì càng có nhiều băng trôi nổi trong nước. Khi băng ở trên mặt đáy thì nó không phải là một phần của nước biển dâng, nhưng khi nó tách ra và trôi nổi, dịch chuyển trong nước, nó sẽ làm tăng mực nước tổng thể, giống như khi những viên đá được thêm vào cốc nước sẽ làm mực nước dâng lên”.
Paul Cutler, giám đốc chương trình Thwaites của Quỹ Khoa học Quốc gia cho biết, sau khi nước ấm đi vào các kẽ hở, việc nứt vỡ “có khả năng đẩy nhanh sự sụp đổ chung của thềm băng đó”.
Ted Scambos (thuộc Trung tâm Dữ liệu băng tuyết Quốc gia) cho biết, kết quả này giúp hiểu thêm về cách sông băng Thwaites đang co nhỏ dần.
Ông nói: “Thật không may, đây vẫn sẽ là một vấn đề lớn trong một thế kỷ, kể từ bây giờ. Nhưng sự hiểu biết tốt hơn của chúng ta cho chúng ta thời gian để hành động nhằm làm chậm lại tốc độ nước biển dâng”.