Sống bất an dưới chân núi Pha Kham

Năm 2024, núi Pha Kham bị sạt lở, UBND huyện Quan Sơn lập phương án di dời hơn 600 người dân, học sinh, công chức nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cuộc sống người dân thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến.

Sống thấp thỏm khi mùa mưa bão về

Ngay sát chân núi Pha Kham là trung tâm hành chính của xã Sơn Hà, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) với hàng trăm hộ dân sinh sống. Từ hàng trăm năm trước, người Thái chọn đây để định cư vì mong muốn dãy núi sẽ chở che cho bà con xóm làng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, núi Pha Kham ngày càng trở nên hung dữ, bất thường.

Sạt lở ngay phía sau trụ sở UBND xã Sơn Hà. Sạt lở ở trụ sở UBND xã Sơn Hà.

Sạt lở ngay phía sau trụ sở UBND xã Sơn Hà. Sạt lở ở trụ sở UBND xã Sơn Hà.

Theo người dân địa phương, từ năm 2021 đến nay, năm nào núi Pha Kham cũng sạt lở. Mới đây, đêm 23/9/2024, hàng trăm khối đất đá bất ngờ lăn xuống từ sườn cao, cuốn hơn 30m tường rào, bể chứa nước và cả dãy nhà với 8 phòng vệ sinh của Trường THCS Sơn Hà. Sau tiếng động lớn, hàng chục hộ dân gần đó nháo nhác tháo chạy vì lo ngại đất đá sẽ tràn vào nhà.

Trường Tiểu học và THCS Sơn Hà nằm dưới chân núi Pha Kham.

Trường Tiểu học và THCS Sơn Hà nằm dưới chân núi Pha Kham.

Trong căn phòng còn dấu vết đá hằn, ông Nguyễn Viết Năm, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà cho biết, trong mùa mưa năm 2022, hàng trăm khối đất đá từ sườn núi tiếp giáp nhà trường tràn xuống, làm hư hại nhiều phòng học và các công trình phụ trợ. Trước đó 1 năm, đất đá cũng lăn xuống làm thủng tường, nước chảy vào nhà văn hóa trong khuôn viên trụ sở UBND xã Sơn Hà.

Dấu hiệu sạt lở liên tiếp xảy ra.

Dấu hiệu sạt lở liên tiếp xảy ra.

"Hơn nửa năm trôi qua, mọi thứ vẫn ngổn ngang do ảnh hưởng của vụ sạt lở. Tại khu nhà bán trú, phần sân nền vẫn đang bị bùn đá vùi lấp. Phía trên khu nhà phụ trợ và nhà vệ sinh, vùng sạt hàm ếch đang kéo dài từ sườn núi lên đỉnh núi, khiến đất đá có thể đổ xuống khu dân cư bất cứ khi nào", ông Năm nói.

Ngày 23/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham tại bản Hạ, xã Sơn Hà. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Quan Sơn tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân, phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng do sạt lở gây ra.

Sạt lở xô đổ nhiều công trình tại Trường THCS Sơn Hà.

Sạt lở xô đổ nhiều công trình tại Trường THCS Sơn Hà.

Trên cơ sở đó, xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và ổn định lâu dài. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Quan Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau đó, UBND huyện Quan Sơn ban hành phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham.

Công bố tình huống khẩn cấp nhưng vẫn chưa thể di dời dân

Ông Lương Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết, hiện có hơn 80 cán bộ, người lao động và giáo viên, 511 học sinh các cấp, 8 hộ dân với 35 nhân khẩu và các công trình, tài sản liên quan dưới chân núi Pha Kham bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt, UBND xã cắm cọc tre tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đồng thời, phân công các lực lượng theo dõi sát địa bàn, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nếu phát hiện diễn biến bất thường tại vị trí sạt lở. Cùng với đó, lên phương án để chủ động, sẵn sàng ứng cứu người và tài sản khi có sự cố xảy ra.

Hơn 600 người dân vẫn phải sống bất an mỗi khi mùa mưa bão về.

Hơn 600 người dân vẫn phải sống bất an mỗi khi mùa mưa bão về.

Trao đổi với PV, Chủ tịch huyện Quan Sơn Lê Hồng Quang cho biết, đã xây dựng phương án sơ tán người dân, học sinh, công chức xã và các công trình, tài sản liên quan trong khu vực đến sinh sống tại các nơi an toàn hơn trong và ngoài bản Hạ.

"Giao UBND xã Sơn Hà triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Theo dõi chặt chẽ diễn biến việc sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra", ông Quang cho biết.

Dù đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn chưa thể di dời công sở, trường học và các hộ gia đình đến nơi an toàn như dự kiến, vì chưa có chủ trương lập dự án, cấp vốn đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ việc di dời. Không biết đến bao giờ cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân ở dưới chân núi Pha Kham hết lo lắng khi mùa mưa bão đến?

Video sạt lở đe dọa hơn 600 người dân, học sinh.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/song-bat-an-duoi-chan-nui-pha-kham-172250408093347121.htm