Sóng biển xâm thực sâu làm sạt lở bờ kè ở Thanh Hóa
Tình trạng sạt lở bờ kè, nhiều bãi cây phi lao bị sóng biển cuốn trôi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phê bình nhiều sở, ngành khi không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bãi cây, bờ kè bị cuốn ra biển
Thời gian gần đây, nhiều người dân thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lo lắng trước tình trạng biển xâm thực sâu vào đất sản xuất.
Theo quan sát của PV, đoạn bờ biển dài hàng trăm mét ở thôn Vân Phong bị sóng đánh sâu vào bờ cuốn trôi hàng loạt bãi cây phi lao.
Điểm xâm thực sâu nhất khoảng 15m, vào sát đường nội bộ của một khu du lịch. Một phần đoạn đường bê tông chạy dọc bờ biển bị sóng đánh trôi đất phía dưới, nguy cơ sụp đường bất cứ lúc nào.
Ông Trương Đình Cử (57 tuổi, ngư dân thôn Văn Phong) cho biết, với mức độ xâm thực này khu neo đậu bè, mảng của ngư dân sẽ bị cuốn ra biển.
"Vài tháng trở lại đây, sóng biển đánh mạnh vào bờ kè cuốn lớp cát, đất ra ngoài. Nguy cơ bờ kè sụp xuống bất cứ lúc nào. Một số đoạn bê tông bị sóng đánh gãy nên nhiều cây sắt hoen gỉ, sắc nhọn, rất nguy hiểm cho người dân khi đi lại qua đây", ông Cử nói.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường Lê Thanh Cảnh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đoạn bờ biển thuộc thôn Văn Phong và một phần thôn Đại Trường cuốn trôi. Nhiều khu du lịch bị đe dọa, một số đoạn kè bị sóng đánh sập. "UBND xã tiến hành kiểm kê, đo đạc, cắm biển cảnh báo và báo cáo cấp trên xin hướng chỉ đạo. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời nguy cơ hàng loạt bãi cây phi lao bị cuốn trôi. Nhiều tài sản, đất đai dọc bờ biển cũng bị sóng nuốt chửng", ông Cảnh nói.
Phê bình nhiều sở, ngành
Theo thống kê, tổng diện tích bị xâm thực, ảnh hưởng khoảng 1,6 km thuộc thôn Văn Phong, Đại Trường, xã Hoằng Trường. Trong đó, khoảng 20m bị sụt lún nghiêm trọng khu vực bè mảng neo đậu của ngư dân.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các khu vực bị sạt sở. Ông Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các xã Hoằng Trường và Hoằng Phụ đã triển khai một số biện pháp truyền thống nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy phê bình một số sở, ngành liên quan và huyện Hoằng Hóa chậm báo cáo và chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Nhằm bảo vệ cơ sở vật chất, hạ tầng và bảo vệ đời sống, tính mạng của người dân một cách lâu dài, ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các sở, ban, ngành hướng dẫn, giúp đỡ huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện các phương án "4 tại chỗ" nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.
UBND tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Đồng thời từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh, hỗ trợ huyện Hoằng Hóa triển khai ngay công trình khẩn cấp thi công toàn tuyến 3km, điểm đầu tại xã Hoằng Phụ đến điểm cuối cống Phúc Ngư, xã Hoằng Trường.