Sống chậm, nghĩ nhanh, nói ngắn

Tôi có may mắn quen biết nhờ thơ Tế Hanh, thời nhà thơ Tế Hanh còn khỏe, tuy mắt đã mờ nhưng hồn ông vẫn trong sáng, ngây thơ như thuở còn trai. Tôi chơi thân với ông như một người em cùng quê Quảng Ngãi, cùng yêu thơ và có sự ngưỡng mộ đặc biệt với thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ Pháp.

Nhà thơ Tế Hanh.

Tế Hanh thời chưa đau mắt nặng ông rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ Việt Nam đọc và dịch thơ Tây nhiều nhất. Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên. Và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu. Có lần, cách đây đã hơn mấy chục năm, trong dịp về Quy Nhơn thời bao cấp, ông nói với tôi: " Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp".

Tôi hỏi ông thích ai trong số những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: "Mình thích Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Eluard. Thơ ông trong veo nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ Rene Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phátxít nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint-John-Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích Andre Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích...".

Giọng Tế Hanh khá chậm, những câu nhận xét về thơ của ông khá ngắn gọn, nhưng đầy hình ảnh. Tôi nghe như nuốt từng lời của ông. Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao... rất nhiều. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.

Nếu bạn đã từng gặp Tế Hanh, bạn sẽ cảm nhận rất rõ, sống chậm là như thế nào. Giọng nói của Tế Hanh khá rủ rỉ, đặc chất giọng Quảng Ngãi, nhưng nghe vẫn rõ. Mắt kém, dĩ nhiên mọi cử động của ông đều chậm, nhưng đó là cái chậm có nhịp điệu, một tiết nhịp slow trong âm nhạc. Tế Hanh nói chậm, nhưng qua đoạn nhận xét về những nhà thơ Pháp tôi vừa dẫn, thì suy nghĩ của ông nhanh và rất chuẩn, đó là những nhận xét của cá nhân ông, nhưng phù hợp với thơ của từng nhà thơ Pháp lỗi lạc mà ông yêu thích. Sống chậm là như thế chăng ? Nếu sống chậm là thế, tôi cũng rất thích sống chậm. Dù tôi là người nói nhanh, hài hước và nhiều khi hơi bỗ bã. Giọng nói của tôi do xã hội đào luyện, và tôi thường găm vào giọng nói ấy một nụ cười. Sống chậm, thật ra rất thú vị.

Có lần tôi hỏi nữ thi sĩ Ý Nhi, chị sống nhanh hay chậm ? Ý Nhi vui vẻ trả lời: “ Tôi cũng chẳng biết nữa. Cứ suốt ngày đi chợ, nấu ăn, phục vụ chồng đau ốm (Giáo sư Nguyễn Lộc, chồng chị Ý Nhi, đã mấy lần bị đột quị, nên chất lượng sống rất thấp). Hôm rồi, nhạc sĩ Thế Bảo tới thăm tôi, đúng vào lúc tôi mệt, đi lại quá chậm, chỉ giọng nói còn bình thường, tai nghe vẫn tốt, anh Thế Bảo nói: “Bà Ý Nhi chăm ông Nguyễn Lộc chu đáo lắm, vậy mà suốt ngày bận rộn, bà ấy lại khỏe ra”. Hóa ra là vậy. Làm việc nhanh, sống chậm như chị Ý Nhi, vất vả chăm chồng, người lại khỏe ra. Hay thật đấy! Trong triết lý về sống chậm, hình như người ta quên nói thêm một điều: sống chậm không có nghĩa là ngồi không.

Sống chậm vẫn làm việc hàng ngày, dù tốc độ làm việc của mình, do sức khỏe qui định, có thể không nhanh. Nhưng làm việc đều, tự nhiên mình có cảm giác khỏe, ít nhất là khỏe trong tâm trí. Làm việc đều, sẽ có kết quả tốt, dù là nhà thơ nổi tiếng như chị Ý Nhi, thì việc bếp núc, chăm chồng ở nhà có khác với chuyện làm thơ, nhưng chị đã chăm chú vào mọi việc như nhau, thì khi làm thơ, chị vẫn giữ được nhịp tâm hồn như khi làm bếp. Và các nhà thơ nên biết, giữ được nhịp làm thơ như khi làm bếp, thì thơ không dở đâu!

Thật khó có nhà thơ Việt Nam nào sống chậm một cách tuyệt đối tới 10 năm như nhà thơ Tế Hanh, khi ông bị đột quị rất nặng và phải sống thực vật tới 10 năm cuối đời. Tôi từng viết, trong 10 năm ấy, Tế Hanh đã lặng lẽ trò chuyện với dòng sông của mình. Và sau khi ông mất, thơ ông vẫn trôi chảy nhẹ nhàng nhưng không ngừng nghỉ trong lòng những người yêu thơ ông. Năm 2021, khi một tờ báo mạng đặt tôi bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tế Hanh, thì bài viết của tôi về thơ Tế Hanh nhận được rất nhiều comments, trong đó ai cũng viết mình từng thuộc thơ Tế Hanh ở nhiều giai đoạn của cuộc đời, và đến nay vẫn nhớ. Họ trích thuộc lòng từng đoạn thơ Tế Hanh, khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi đã nói điều này với nhiều người, rằng có quá ít nhà thơ Việt Nam đương đại nhận được lòng yêu mến thơ mình như Tế Hanh, một người sống chậm, nói ngắn và ít nói như ông.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202207/song-cham-nghi-nhanh-noi-ngan-3127956/