Sông chảy giữa đôi bờ tâm linh

Tôi đã có những ngày ngược nguồn lên tận chốn Ba Lòng thời khúc sông này chảy qua vùng chiến khu xưa còn đầy ắp nước, xanh trong đến độ có thể nhìn thấy từng hạt cát nơi đáy sông. Nhớ hương vị mùi bắp luộc sôi lục bục trong nồi gang như sông mùa lụt lội. Bắp Ba Lòng và nước từ sông Ba Lòng từng nuôi cả một đoàn quân đi cứu nước những năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Tôi biết, từ khúc sông sử thi đằm thắm này, chỉ qua một quãng la đà chảy về xuôi, chạm đến Nhan Biều, qua Thành Cổ Quảng Trị, Thạch Hãn đã phải trở thành 'dòng sông hoa lửa' gắn với những kỳ tích vinh quang và sự hy sinh vô bờ bến của những chiến sĩ chiến đấu để giữ vững thị xã trong ngút ngàn đạn bom 81 ngày đêm mùa hè khốc liệt năm 1972…

 Đêm tưởng niệm -Ảnh: Đ.T.T

Đêm tưởng niệm -Ảnh: Đ.T.T

1. Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị chưa, cũng không cần phải so đo về độ dài và sự rộng mở đôi bờ nhưng có một điều ai cũng có thể cảm nhận được, Thạch Hãn là dòng sông mà tự nó đã làm nên cốt cách một đời sông trong đẹp: “Chẳng thơm cũng thể hương đàn/Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”. Và chính những đặc điểm tự nhiên đó đã đưa sông Thạch Hãn trở thành biểu tượng của đạo lý trong sạch và danh thơm của đất và người Quảng Trị. Về tên gọi Thạch Hãn, nguyên tên trước là Thạch Hàn có thể được lý giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông; mạch đá như mồ hôi tiết ra thành dòng chảy, tên sông đặt theo đặc điểm này nên mới có tên là Thạch Hãn. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có kể lại rằng: “ Tôi sống trên rừng mấy năm. Thấy con suối nào róc rách, len lách qua kẽ đá mà trôi về phía mặt trời mọc lại cứ nghĩ như đó là nguồn sông, dù tất ta tất tưởi, dù lận đận thác ghềnh rồi cũng về được Nhan Biều. Tôi hay chơi trò thả lá. Tôi xát mặt lá biếc màu diệp lục vào vách đá suối rồi mới thả. Coi như tăng độ đậm mồ hôi cực nhọc của đời sông…Cái ngày gặp anh Chế Lan Viên vào Cùa dự hội nghị văn nghệ. Anh Chế Lan Viên hỏi:

-Cảnh biết được gì về sông Thạch Hãn?

-Tôi là chú bé rời quê cha từ bên kia đèo Ngang mới vào đây. Đã làm sao biết được?

-Cảnh có được học chữ Hán?

-Ít thôi ạ.

-Hãn là gì? Anh Chế Lan Viên như ông đồ nho khảo hạch môn sinh

-Là mồ hôi. Tôi đáp ngay.

-Thế là biết rồi. Luận ra rồi ghép lại mà biết.

Tôi chơi trò thả lá trên những con suối Trường Sơn như bổ túc thêm sự hiểu biết về sông nước Quảng Trị”…

Với chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nên lượng phù sa do sông mang đến không nhiều. Từ xưa cho tới nay, sông Thạch Hãn luôn đóng vai trò quan trọng trong huyết mạch giao thông đường thủy và cung cấp nguồn nước cho các vựa lúa chính của vùng đồng bằng Triệu Hải, Quảng Trị. Xưa, nhà Nguyễn đã am tường sự lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị. Chẳng thế mà khi Hoàng đế Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh đồng) vào năm 1835 và khánh thành vào năm 1837 đã cho khắc hình sông Thạch Hãn vào một trong 9 cái đỉnh này. Hiện nay, chiếc đỉnh này được bày ở sân Thế miếu thờ các đời vua Nguyễn ở Huế.

Nhiều tướng lĩnh, nhà cầm quân đã ví sông Thạch Hãn là con hào thiên tạo ở phía Bắc Thành Cổ Quảng Trị. Đặc biệt, trong 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ trước cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị của Mỹ và quân đội Sài Gòn vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành Cổ Quảng Trị gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đánh giá sự kiện này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Chúng ta chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng, mà chính chúng ta là những con người thực sự, những con người với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

2. Rồi lịch sử vẫn luôn nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay và mai sau biết rõ, đúng 7 giờ ngày 28/6/1972, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ của quân và dân ta đã bắt đầu. Cũng từ đây, sông Thạch Hãn đã trở thành đầu mối chi viện, hỗ trợ mật thiết giữa Thành Cổ với địa bàn phía Bắc tỉnh Quảng Trị, nối liền hậu phương lớn Vĩnh Linh, miền Bắc.

 Dòng sông linh thiêng -Ảnh: Đ.T.T

Dòng sông linh thiêng -Ảnh: Đ.T.T

Ngày 29/7/1972, cơn bão đầu mùa đổ bộ vào Quảng Trị gây mưa lớn. Thị xã ở vào địa hình thấp. Nước sông Thạch Hãn dâng cao, chảy xiết, hầm hào, công sự ngập nước, sụt lở. Địch cho đây là thời cơ để mở đợt tập kích hỏa lực vào trận địa ta. Trong khi ta đang tập trung khắc phục hậu quả của lũ lụt, địch tập trung tiến hành đánh phá ác liệt, nhiều nhất là bom phá, bom khoan, pháo chụp… do các loại máy bay và pháo hạm tiến hành. Riêng trong 2 ngày 30 và 31/7/1972, trong khi thị xã vẫn còn mưa bão, địch bắn phá liên tục 48 giờ liền, bắn tới 36.000 quả đạn với ý định hủy diệt hoàn toàn mọi sự sống trong Thành Cổ…

Tiểu đội thông tin của Mai Ngọc Thoảng có nhiệm vụ bảo vệ đường dây hữu tuyến từ Thành Cổ về sở chỉ huy. Khi kéo nối dây ra giữa sông Thạch Hãn chỉ còn lại Tiểu đội trưởng Mai Ngọc Thoảng và một chiến sĩ. Số dây đem theo nối đã hết, chỉ còn khoảng hai mét nữa là nối thông với đầu dây bên kia. Không chần chừ, Thoảng bảo chiến sĩ bơi quay lại lấy thêm dây, còn anh vùng vẫy giữa dòng nước xoáy, dưới làn mưa đạn pháo của địch giữ đầu dây và bình tĩnh gỡ đoạn dây thép quấn ở tay guồng nối thông hai đầu dây, rồi nâng guồng chống dây cao khỏi mặt nước để đường dây liên lạc thông suốt. Hành động anh hùng của Mai Ngọc Thoảng diễn ra đúng lúc Ban Chỉ huy chiến đấu trong Thành Cổ báo cáo gấp với Bộ Tư lệnh chiến dịch và xin pháo cấp trên chi viện chiến đấu, kịp thời đẩy lui các đợt tiến công của địch.

Trong những giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, công tác vận chuyển, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cứu chữa thương binh ra vào Thành Cổ bị địch khống chế ngày càng quyết liệt. Một sự thật quặn lòng là quân số bổ sung vào Thành Cổ được Bộ Tư lệnh chiến dịch duy trì đều đặn mỗi đêm khoảng 100 chiến sĩ. Nhưng trừ số thương vong và lạc ngũ, khi qua đến bờ Nam chỉ còn chừng 40-50 người được bổ sung gấp cho các đơn vị chiến đấu…Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị anh hùng.

3. Gần 50 năm sau ngày giải phóng, trên từng chặng đường phát triển, bên cạnh nỗ lực để đem lại cơm no áo ấm cho người dân, xây dựng quê hương ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Quảng Trị cũng đã dốc hết nguồn lực và sự quan tâm để hướng đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đầu xuân 2012, lãnh đạo thị xã Quảng Trị đã gửi một bức tâm thư đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với một tâm nguyện mong muốn mọi người cùng góp tấm lòng để dòng Thạch Hãn được thắp sáng những đêm rằm. Và cũng từ bấy đến nay, dòng sông Thạch Hãn những đêm rằm đã lung linh đèn hoa trong sự tưởng vọng thiêng liêng…

Vẫn biết, không có sự đền bồi nào có thể sánh được bằng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, nhưng cũng sẽ không một nghĩa cử, hành động yêu nước nào bị lịch sử lãng quên. Và dòng Thạch Hãn chảy giữa đôi bờ tâm linh luôn nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau điều thiêng liêng và vĩnh hằng đó…

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=159428&title=song-chay-giua-doi-bo-tam-linh