SỐNG CHUNG VỚI COVID-19: Cần một tầm nhìn dài hạn
Để duy trì được cuộc sống bình thường mới cho người dân trong điều kiện cả thế giới oằn mình chống dịch, việc phủ vắc-xin cho toàn dân là điều kiện quan trọng nhất
Trong hơn 3 tháng qua, Chính phủ và toàn xã hội đã nỗ lực hết mức có thể, áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thể làm sạch Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Vì vậy, chiến thuật khoanh vùng, dập dịch cần phải được thay đổi và chuyển hướng để có thể sống chung với dịch.
Cấu trúc lại chuỗi cung ứng hàng hóa
Nhiều năm qua, nhà nước đã có chủ trương xây dựng mô hình 4 nhà "nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông" nhằm liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học và doanh nghiệp để ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Với mô hình "4 nhà", trong điều kiện bình thường, ít nhiều đã giúp đưa sản phẩm của nông dân đến với người tiêu dùng nhanh nhất, chất lượng nhất.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác bị siết chặt thì sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp trong mô hình "4 nhà" đã bộc lộ bất cập. Những ngày đầu khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 16, dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng hàng hóa có dấu hiệu khan hiếm.
Khi các chợ truyền thống ngưng hoạt động, người dân trông chờ vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng các đơn vị phân phối này không đáp ứng được nhu cầu quá lớn cùng lúc của người dân. Ngược lại, các vùng chuyên canh mặt hàng nông nghiệp như Lâm Đồng, Tây Ninh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nông dân khốn đốn vì sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ. Chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị đứt gãy, không chỉ nông dân và người tiêu dùng thành thị bị thiệt hại mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Không thể chống dịch thành công hay ít ra là thực hiện phương châm "sống chung với Covid-19" nếu không bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là ở các khu đô thị lớn. Từ đại dịch lần này, nhà nước và các doanh nghiệp cần mổ xẻ những điểm nghẽn, đứt gãy trong chuỗi liên kết để cấu trúc lại toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, trong đó điểm đầu là nhà nông, điểm cuối là người tiêu dùng.
Chủ động nguồn vắc-xin trong nước
Qua 2 năm chống dịch, một trong những điều chúng ta rất xót xa là lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y tế, không có một ngày bình yên, một đêm trọn giấc. Hạ tầng y tế quá tải thường xuyên đã quá rõ ràng. Nếu tình trạng này kéo dài, đội ngũ y - bác sĩ không thể duy trì nổi khi sức người có hạn. Việc Chính phủ thay đổi phương pháp chống dịch là một sự chuyển hướng tích cực, phù hợp với xu thế chung của các nước. Ngoài việc chuyển hướng chống dịch để phục hồi nền kinh tế còn tạo điều kiện cho ngành y tế giảm tải.
Để duy trì được cuộc sống bình thường mới cho người dân trong điều kiện cả thế giới oằn mình chống dịch, việc phủ vắc-xin cho toàn dân là điều kiện quan trọng nhất. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực để tìm nguồn vắc-xin, hy vọng đầu năm 2022 sẽ có đủ số lượng vắc-xin tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ngoài việc bảo đảm nguồn vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài thì việc đầu tư cho ngành y tế nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước là hết sức cần thiết. Chỉ khi nào Việt Nam sản xuất được vắc-xin trong nước (kể cả vắc-xin cho người dưới 18 tuổi) mới bảo đảm việc phủ vắc-xin đủ và kịp thời cho người dân. Việc sản xuất, chủ động nguồn vắc-xin trong nước không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người dân trong nước mà còn có thể hướng đến việc xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho quốc gia.
Bên cạnh đó, để bảo đảm sức khỏe cho người dân, ngành y tế cần phát triển mô hình bác sĩ gia đình, trang bị cho mỗi hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn, miền núi... một túi thuốc điều trị Covid-19. Đồng thời, ngành y tế cần làm thông tin tuyên truyền hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị mắc Covid-19 trước khi cần đến sự trợ giúp của đội ngũ y tế. Có như vậy, người dân mới an tâm, không còn sợ hãi với con virus không hình thù này.
Thanh toán không dùng tiền mặt
Theo nghiên cứu của các nước, mức độ lây nhiễm Covid-19 qua tiền mặt là có nhưng tỉ lệ không cao. Tuy nhiên, việc thanh toán tiền mặt sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm giữa người với người khi tiếp xúc trực tiếp là rất cao.
Để người dân thực hiện việc thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, hệ thống ngân hàng cần cải thiện hạ tầng mạng, đồng thời xem xét phí giao dịch cho mỗi lần thực hiện. Khi người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi, an toàn, tự khắc sẽ thay đổi phương thực giao dịch, không sử dụng tiền mặt.
Song song đó, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh hạ tầng, có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh thương mại điện tử dễ dàng, tiện lợi, an toàn hơn. Hiện nay, giao dịch mua bán hàng hóa qua mạng của người dân chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội của các nhà phát triển phần mềm nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế, pháp lý, đồng thời nhà nước bị thất thu về thuế.
Nhìn từ góc độ tích cực, đại dịch này là cơ hội để các nhà doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho hoạt động thương mại điện tử. Đó cũng là cách để các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ công nghệ 4.0 để thay đổi phương thức kinh doanh tốt và hiện đại hơn.