Sống chung với dịch, mỗi người dân phải tự ý thức bảo vệ mình
Trong bối cảnh của Hà Nội hiện nay, quan trọng nhất là mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện nghiêm 5K; nếu chủ quan thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Thay đổi phù hợp để “sống chung với dịch”
Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại Hà Nội có xu hướng giảm, nhiều ổ dịch phức tạp đã được kiểm soát.
Đặc biệt, từ ngày 21/9, Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Trong đó có việc bỏ kiểm soát giấy đi đường, một số hoạt động dịch vụ đã được mở lại như: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa ô tô, xe máy; cửa hàng văn phòng phẩm, đồ dùng học tập… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày…
Cùng với việc mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới” cho thấy Hà Nội đã dần kiểm soát được dịch bệnh; đặc biệt là Hà Nội đã nỗ lực phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người trong độ tuổi tiêm chủng.
Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Chúng ta cần phải bắt đầu sống chung với dịch, dần coi dịch là bình thường. Việc chuyển đổi từ các biện pháp dập dịch nghiêm khắc sang trạng thái giãn cách, giãn cách hẹp, cách ly tại chỗ… chúng ta cần phải dần chấp nhận điều đó”.
Theo đó, việc truy vết, phong tỏa, giãn cách rộng hiện nay là không cần thiết vì nó ảnh hưởng đến đời sống cũng như nền kinh tế của đất nước. Nhất là thời điểm này không nên xét nghiệm tràn lan mà phải dựa trên đánh giá nguy cơ và xét nghiệm khu vực nguy cơ, đối tượng có nguy cơ. Việc xét nghiệm diện rộng sẽ dẫn đến tốn kém, hiệu quả không cao. Xét nghiệm phải có trọng điểm. Chẳng hạn như vừa qua tại khu vực Long Biên có ca mắc COVID-19, chỉ khoanh vùng xét nghiệm khu vực đó để phát hiện ra các F0. Tùy theo tình hình y tế địa phương để đưa ra hình thức xét nghiệm hợp lý, hiệu quả.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 là lây từ người sang người khi có sự tiếp xúc gần, không phải lây ngoài không khí, trừ các khu vực phòng kín, dùng điều hòa.... Do đó, khi phát hiện có trường hợp F0 cần xác định cách ly từng khu vực và khoanh vùng ở khu vực đó sẽ hiệu quả hơn là thực hiện giãn cách cả rộng cả phường, quận. Đồng thời, trong khu vực nhỏ cũng xác định lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên để khoanh vùng, bóc tách F0.
Nếu chủ quan có thể gánh hậu quả nặng nề
Hà Nội đang nỗ lực dần kiểm soát dịch nhưng trong những ngày đầu nới lỏng giãn cách, nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan, nhiều người đổ ra đường, tụ tập ở nơi công cộng... làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Trong khi đó, hiện Hà Nội vẫn còn ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 22/9 trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1 ca mắc cộng đồng tại Kiến Hưng, Hà Đông. Bệnh nhân có dấu hiệu ho, đau rát họng, sốt nhẹ được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cũng cảnh báo, người dân không nên có tâm lý “xả hơi” sau thời gian dài giãn cách; vẫn cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch trong điều kiện mới; vì chỉ cần một chút chủ quan có thể gánh hậu quả nặng nề.
“Hiện ở Việt Nam, dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng chứ không còn là dịch xâm nhập. Giãn cách là biện pháp chung, còn với mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình; người nào phải tự bảo vệ người ấy, không trông chờ vào khu phố hay “vùng xanh, vùng đỏ” mà mỗi người nên tạo cho mình là một “vùng xanh”. Nếu mỗi cá nhân không biết tự bảo vệ thì không bao giờ chống dịch được”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đánh giá.
Theo đó, các ca bệnh có thể vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu tụ tập đông người nơi công cộng, tụ tập ăn uống… có thể làm dịch lây lan, hậu quả nặng nề chính người dân phải gánh chịu.
Vì vậy, chuyên gia cũng khuyến cáo, ngoài việc vẫn phải cần tuân thủ nghiêm quy định 5K, tiêm vaccine đầy đủ khi đến lượt; mỗi người dân khi thấy mình có những biểu hiện khác thường trong sức khỏe như ho, sổ mũi, có triệu chứng cúm… cần báo cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm ngay. Bên cạnh đó, khi có triệu chứng nghi ngờ, người dân cần phải có ý thức tự cách ly với người khác. Kể cả với những người đã tiêm vaccine rồi cũng vẫn nên cách ly với người khác cả ở nơi làm việc và trong gia đình.