Sống chung với hiểm họa
Cho đến giờ này, vụ cháy nhà kho của Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông vào tối 28-8 vẫn tiếp tục là sự kiện được quan tâm hàng đầu bởi những diễn biến hiện trường cũng như hậu trường và các cảnh báo liên quan đến an toàn, sức khỏe của người dân.
Từ vụ cháy này, người ta mới giật mình nhìn lại và lo lắng về các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu dân cư tồn tại khắp nơi, nhất là các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, trên địa bàn thủ đô có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ, trong đó có 26 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cần phải di dời. Tại TP HCM hiện còn 316 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong khi số cơ sở gây ô nhiễm lại tiếp tục phát sinh hằng năm. Chủ trương di dời cơ sở gây ô nhiễm được TP HCM thực hiện từ năm 2002 nhưng kết quả vẫn không như mong đợi, người dân nhiều nơi vẫn phải sống chung với ô nhiễm do tiếng ồn, nguồn thải các nhà máy này mang lại và thấp thỏm bởi các nguy cơ đe dọa sự an toàn là hiện hữu hằng ngày.
Ngoài ra, cư dân đô thị còn phải lo lắng bởi những "nguy cơ di động" trên đường. Đó là những chiếc xe chở container, xe tải chạy bạt mạng, hầu như ngày nào cũng gây tai nạn chết người; những "hung thần" xe buýt chạy lấn làn, lạng lách cả trên làn xe máy khiến bao người thót tim. Đó là xe ba gác chở hàng bó tôn sắc lẻm, những thanh sắt nhọn không được che chắn, là những chiếc xe máy chở các bình gas len lỏi trên đường để đi giao cho các hàng quán...
Đã có tai nạn chết người do xe buýt, xe ba gác gây ra. Những cái chết oan uổng, gây phẫn nộ trong dư luận vì thói ẩu tả, tắc trách, xem thường sinh mạng người khác. Chiều 20-8, một người đàn ông chở bình gas mini khi đến hẻm 63 đường D9, quận Tân Phú, TP HCM thì bị ngã xe, các bình gas rơi xuống đất, phát nổ gây hỏa hoạn, cháy lan 6 căn nhà trong hẻm này, gây thiệt hại đáng kể về tài sản, may không có thiệt hại về nhân mạng...
Ai cũng mong được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp, không phải vướng bận những nỗi lo về sự thiếu an toàn, chất lượng sống bị kéo giảm bởi môi trường xấu đi cùng các nguy cơ tai nạn rình rập, nhất là những thảm họa "tai bay vạ gió" do sự tắc trách của cơ quan có trách nhiệm, sự vô cảm của người gây ra tai họa.
Cứ sau một sự cố, một tai nạn nghiêm trọng, các hồ sơ được lật lại. Đáng buồn là những câu chuyện cũ, đã nói, đã làm nhiều năm mà vẫn không cải thiện, xóa điểm này lại mọc điểm khác, di dời ra vùng không có dân cư thì một thời gian sau dân cư vây quanh làm nhà, sinh sống, cơ sở sản xuất lại lọt thỏm giữa khu dân cư. Những cơ sở gây ô nhiễm thường không đủ năng lực và thiện chí để giữ gìn môi trường. Nhiều nơi biết là nguy hại mà vẫn sản xuất, chấp nhận bị phạt vì khoản phạt vẫn ít ỏi so với lợi nhuận kiếm được, trong đó có phần do vi phạm môi trường.
Lo cho đời sống của dân tốt hơn bao giờ cũng là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền các cấp. Ở nơi nào dân còn sống chung với hiểm họa thì nơi ấy trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn chưa làm tròn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/song-chung-voi-hiem-hoa-20190909225749447.htm