Sống chung với ... người giúp việc
Thuê người giúp việc là 'cứu cánh' của nhiều gia đình bận rộn. Nhưng thực tế, nhiều chủ nhà mặc dù không hài lòng với người giúp việc, thậm chí họ phải 'nhẫn nhịn', chiều chuộng để người giúp việc không bỏ đi.
Với nhiều gia đình ở thành phố, nhất là những nhà có con nhỏ hoặc người già, việc thuê người giúp việc từng được xem là giải pháp giúp san sẻ áp lực chăm sóc con cái, nhà cửa. Nhưng với chị Lê Hoa (41 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), "cứu cánh" này lại kéo theo một loạt mâu thuẫn khiến chị rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.
Gia đình chị Hoa bắt đầu thuê người giúp việc từ khi sinh con thứ hai. Những ngày đầu, chị thấy nhẹ nhõm vì có người phụ lau dọn, nấu nướng, trông con. Nhưng cảm giác đó không kéo dài.
Người đầu tiên do người quen giới thiệu, đã ngoài 60 tuổi. Bà làm việc chăm chỉ nhưng vụng về – hay làm vỡ đồ, nấu ăn không hợp khẩu vị của gia đình, trông cháu không khéo khiến bé hay quấy khóc. Chị Hoa góp ý, bà "vâng dạ" nhưng không thay đổi. Dù không hài lòng, chị vẫn chấp nhận: “Có người còn hơn không”.

Đối với chị Hoa, thuê giúp việc không đơn thuần là giao dịch dịch vụ, mà còn là mối quan hệ tế nhị, cần khéo léo giao tiếp. Ảnh: Lê Hoa.
Sau một thời gian, khi con lớn hơn, chị Hoa đổi người giúp việc. Người thứ hai được thuê qua trung tâm. Cô Hòa, 50 tuổi, sạch sẽ, nấu ăn khá, nhưng hay kể chuyện gia đình, than phiền chuyện chồng con. Những lúc mệt, chị Hoa chỉ muốn yên tĩnh nhưng vẫn phải lắng nghe vì ngại mất lòng. Cao điểm là khi cô giúp việc liên tục xin ứng lương nhiều lần trong tháng, khiến chị bối rối nhưng vẫn phải chiều vì sợ bị bỏ việc đột ngột.
"Tôi sống trong chính nhà mình nhưng luôn có tâm lý dè chừng, sợ làm phật ý người làm", chị Hoa nói. “Muốn cho nghỉ cũng không dám. Tìm người mới khó, nhỡ không hợp lại càng mệt hơn”.
Một trường hợp khác, anh Hồng Sơn (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh khó xử. Người giúp việc của anh làm việc tạm ổn nhưng có thói quen... kể chuyện nhà chủ cho hàng xóm. “Từ việc vợ chồng tôi cãi nhau, lương bao nhiêu, con học trường nào... đều bị ‘tán’ ra ngoài”, anh Sơn kể.
Anh Sơn từng góp ý nhẹ nhàng, nhưng tình hình không cải thiện. "Muốn cho nghỉ thì ngại vì có những thời điểm tìm người giúp việc rất khó, con lại đến gần kỳ thi cuối năm. Đổi người mới thì phải dạy lại từ đầu. Thành ra mình cứ sống trong cảnh ở nhà nhưng không thoải mái".
Làm thế nào để "hòa hợp" với người giúp việc?
Theo chị Lê Nguyên – phụ trách nhân sự tại một cơ sở cung cấp lao động phổ thông tại Hà Nội, rất nhiều căng thẳng giữa người giúp việc và chủ nhà bắt nguồn từ việc thiếu thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu.
“Gia đình cần thiết lập ranh giới cụ thể, từ giờ giấc, công việc đến ứng xử. Hợp đồng lao động rõ ràng, sẽ giảm được mâu thuẫn”, chị Nguyên chia sẻ.

Khi thuê giúp việc, các bên cần phải kí kết hợp đồng lao động minh bạch với các điều khoản cụ thể về lương, thời gian nghỉ ngơi và trách nhiệm công việc. Ảnh: NVCC.
Chị Nguyên đưa ra lời khuyên, nên chọn người thông qua trung tâm uy tín để có hồ sơ minh bạch, được đào tạo cơ bản và có chính sách hỗ trợ nếu phát sinh sự cố.
Người giúp việc không chỉ là lao động – họ hiện diện hàng ngày trong không gian sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí là cảm xúc và sự phát triển của trẻ nhỏ. Cả hai phía – chủ nhà và người làm – đều cần học cách tôn trọng, lắng nghe và cùng nhau xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/song-chung-voi-nguoi-giup-viec-169250528150101171.htm