Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế của nhà thơ Xuân Quỳnh ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình).
Cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Theo nghĩa Hán Việt, diêm là muối, điền là ruộng, nghĩa gốc của từ Diêm Điền có nghĩa là ruộng muối. Tên làng đã nói lên nghề của nhân dân nơi đây, đó là làm muối và đi biển.
Trước vẻ đẹp của sóng trên biển Diêm Điền, Xuân Quỳnh đã viết những câu thơ tình: Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau.
Sóng sau đó được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào. Đây là tên tập thơ của Xuân Quỳnh ra đời năm 1967, in năm 1968- thời kì cả dân tộc xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Sóng của Xuân Quỳnh, trong hoàn cảnh ấy, xuất hiện như một bông hoa – hoa dọc chiến hào đem đến cho thi đàn dân tộc thời kì chống Mỹ nói chung, phong trào thơ trẻ chống Mỹ nói riêng một hương sắc độc đáo: giàu nữ tính và luôn da diết những khát vọng hạnh phúc đời thường, đặc biệt là khát vọng của con người về tình yêu muôn thuở.
Không chỉ là “hoa dọc chiến hào”, Sóng là bài thơ đi cùng năm tháng. Nét độc đáo của Sóng là diễn tả tình yêu của người phụ nữ tha thiết, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và hữu hạn của đời người.
Theo các nhà phê bình văn học, Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng khi 25 tuổi và đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, tâm hồn nhà thơ vẫn còn ấp ủ biết bao hy vọng, vẫn phơi phới một niềm tin: “Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ”.
Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say như sóng nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu có yêu thương của nữ nhà thơ.
Mời độc giả xem video: Chuyện về Chú voi con. Nguồn: THDT
Sơn Hà