'Sống dậy' ký ức xung trận của những chiến sĩ Điện Biên
ĐBP - Có những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội; có nỗi xót xa, mòn mỏi tìm mộ anh em cùng đơn vị; có những khoảng lặng bồi hồi nhớ thời lính trẻ bất khuất trước mũi súng quân thù; và có cả niềm vui, ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của mảnh đất một thời bị bom đạn cày xới… Đó là vô vàn cảm xúc khi trở lại thăm chiến trường xưa của các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống tại TP. Hải Phòng.
Các chiến sĩ Điện Biên đến thăm đồng đội hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.
Nghẹn ngào cảm xúc
Những cụ ông trên dưới 90 tuổi, tóc bạc phơ, nhiều cụ phải có người dìu đỡ nhưng vẫn giữ tác phong nhà binh. Tại các nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Lâm, Trưởng ban Liên lạc Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng hô tập trung, ai nấy đều cố gắng thật nhanh đứng vào hàng làm nghi lễ viếng các đồng đội đã hy sinh. Những chiến sĩ ngày ấy mới mười tám, đôi mươi, cùng chiến đấu anh dũng bảo vệ mảnh đất này, nay người lên chức cụ, người xanh mãi tuổi đôi mươi. Trở về thăm chiến trường xưa sau 67 năm giải phóng, 27 chiến sĩ Điện Biên sinh sống tại Hải Phòng có những cảm xúc khác nhau nhưng cùng chung sự nghẹn ngào xúc động.
Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Ngọc Linh bám vào cánh tay một đoàn viên thanh niên, lập cập bước, liên tục đưa tay lau nước mắt khi thắp hương cho các đồng đội hay khi thăm lại Di tích Đồi A1, nhìn những kỷ vật chiến tranh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Người lính kiên cường nhưng lại mau nước mắt đến thế bởi bao hồi ức những ngày gian khó, ác liệt nhất của cuộc chiến ùa về. Năm ấy khi hành quân lên Điện Biên Phủ, ông Linh vừa tròn 18 tuổi, thuộc đại đội vận tải, Sư đoàn 308. Mắt vẫn đỏ hoe, giọng nói nghẹn ngào, ông Linh nói với cậu đoàn viên đang dìu mình: “Tôi cứ nghĩ đến, nhớ đến mà thương đồng đội quá không kìm được. Khi làm nhiệm vụ vận tải cho chiến trường, có lần tối muộn dừng lại tại giao thông hào, thấy có chiến sĩ ngồi trong, tôi bảo đồng chí ngồi lùi vào để chúng tôi ngồi cùng, nói mãi mà anh ấy không phản ứng gì, đẩy nhẹ vai thì mới biết đã hy sinh. Đồng đội mình chết mà mình không biết, tôi mãi không quên được. Tối mùng 8/5/1954, sau khi đã giải phóng, thu chiến lợi phẩm, 1 đồng chí còn giẫm phải mìn bị thương, chúng tôi cáng ra thì cả đội lại giẫm phải mìn tiếp, 7 người hy sinh”. Dừng câu chuyện, những giọt nước mắt lại lăn nhanh hơn trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của người lính già 85 tuổi.
Các chiến sĩ Điện Biên thắp hương cho đồng đội đã hy sinh an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.
Chiến sĩ Trương Văn Ki, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, vừa lặng lẽ thắp hương lên từng bia mộ vừa lẩm nhẩm nhắc lại nhiều lần “Anh Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Quang Sừng an nghỉ ở đâu, linh thiêng dẫn đường cho người thân tìm thấy…”. Hỏi ra được biết 2 liệt sĩ được nhắc tên vừa là đồng đội, vừa là em trai người bạn tại Hải Phòng của ông Ki. Liệt sĩ Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Quang Sừng hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ, đến nay gia đình vẫn day dứt chưa tìm được phần mộ. Lần này ông Ki lên Điện Biên, một lần nữa thay bạn thắp hương, dò tìm 2 người em trong bạt ngàn những ngôi mô chưa khắc tên. Khi đến Nghĩa trang Liệt sĩ A1, ông Ki đứng lặng trước mộ liệt sĩ Tô Vĩnh Diện hồi lâu, đôi bàn tay run run thắp nén nhang rồi chạm vào tấm bia mang tên người anh hùng. Ông Ki kể: Tôi cùng đơn vị với anh Tô Vĩnh Diện. Hôm ấy tôi được phân công kéo pháo hướng khác. Hay tin anh nằm lại trên con đường kéo pháo, đồng đội ai nấy đều tiếc thương. Anh em còn kể, trước khi ra đi, anh Tô Vĩnh Diện vẫn hỏi 1 câu “pháo có còn không”, nghe đồng đội trả lời “còn” mới an tâm nhắm mắt. Khó khăn, gian khổ, thêm mất mát người tiểu đội trưởng nhưng anh em chúng tôi không hoang mang, lo sợ mà lấy đó làm tấm gương, động lực kéo pháo càng hăng, quyết thắng để sự hy sinh của anh không uổng phí”.
Ký ức hào hùng
Ký ức những ngày tháng chinh chiến ùa về, có bi thương, nghẹn ngào nhưng xuyên suốt hồi tưởng vẫn là khí thế ra trận hào hùng, quyết không lùi bước. Ông Đặng Lâm, Trưởng ban Liên lạc Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng, là chiến sĩ Đại đoàn 312, tham gia đánh đồi Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những bậc dốc cao của Di tích đồi Him Lam ngày nay gây khó khăn cho ông và các đồng đội ở độ tuổi gần 90. Thế nhưng không khí yên bình, thanh tịnh phần nào giúp các cựu chiến binh quên đi mệt mỏi, khác hẳn 67 năm về trước. Ông Đặng Lâm kể: “Đúng 15 giờ ngày 13/3/1954, chúng tôi theo đường hào áp sát cứ điểm địch. Khi quân ta buộc phải lộ diện để vượt qua cầu chim do công binh bắc thì pháo địch dồn hỏa lực bắn chặn các mũi tiến quân của ta. Mặc dù thương vong nhưng quân ta vấn tiếp tục tiến lên dưới sự yểm trợ của pháo binh mặt trận. Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ làm mũi chủ công của trung đoàn, mang bộc phá giật hàng rào dây thép gai mở đột phá khẩu, cho bộ binh tiến lên. Lần thứ 2 đến lượt, tôi vừa bật dậy thì một loạt pháo dội tới. Tôi bị thương, ngất đi, một số súng máy của tiểu đoàn yểm trợ trực tiếp ở đột phá khẩu cũng bị hư hại. Các đồng chí tiểu liên nhanh chóng vọt lên thay thế, tập trung hỏa lực diệt lô cốt số 1. Tôi được đưa ra ngoài, đơn vị tiếp tục đánh và đã toàn thắng trận mở màn Him Lam. Sau khi hồi phục sức khỏe, tôi được phân công tham gia đánh đồi E”.
Đoàn chiến sĩ Điện Biên vào tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đi qua khu hiện vật vũ khí của quân đội ta, ông Vũ Văn Đức (Tiểu đoàn 175, Trung đoàn 675, Sư đoàn 351) sôi nổi, hào sảng như người lính pháo binh trẻ ngày nào, chỉ cho các đồng chí cùng đoàn loại pháo mình từng bắn đang được trưng bày. Ông Đức kể: “Sơn pháo 75mm rất nặng, để đưa vào trận địa, phải tháo rời các bộ phận rồi khiêng bộ. Tôi cùng 3 đồng chí khác được phân công khiêng nòng pháo nặng 105kg từ Tuyên Quang lên đến Điện Biên. Mà có được đi đường thẳng đâu, luồn rừng, men suối, 4 người chúng tôi hầu hết phải đi chéo, khéo léo bám vào cây để đi qua những chỗ đường hẹp, cua tay áo”. Khi chúng tôi hỏi, nặng thế thì các ông đi bao lâu nghỉ 1 lần, ông Đức lên tiếng ngay: “Chiến sự ác liệt, làm sao dám nghỉ. Các anh em khiêng suốt tối đến sáng, lấy đêm làm ngày, thèm ngủ vô cùng, đứng lại là nhắm mắt, ngáy được. Chúng tôi hành quân, vận chuyển pháo từ Tuyên Quang lên đến Điện Biên mất gần 2 tháng, đến nơi trước trận mở màn 15 - 20 ngày. Thời gian đó làm hầm hào giấu pháo, sẵn sàng chuẩn bị nhả đạn. Không lâu sau đó, tôi cùng nhiều đồng chí được phân công về Tuần Giáo nhận, đưa hỏa tiễn mới của Trung Quốc vào trận địa. Chiều 3/5, chúng tôi bắn 3 loạt đạn vào trận địa pháo hầm Đờ Cát, vũ khí tối tân hơn nên độ nén rất mạnh, đất đồi đằng sau đỏ như gạch, lá rừng bị phụt bay hết. Đến khi địch yếu dần, không phản kích thì chúng tôi nhận lệnh dừng bắn. Giờ phút chiến thắng, sung sướng lắm, phấn khởi reo hò, nhảy khỏi bồng pháo hoan hô chiến thắng”.
Các chiến sĩ Điện Biên sinh sống tại thành phố Hải Phòng tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Còn rất nhiều những câu chuyện thời bom rơi lửa đạn, những ký ức hào hùng với nhiều cung bậc cảm xúc “sống dậy” trong chuyến thăm lại chiến trường xưa của các chiến sĩ Điện Biên. Đây không phải chuyến đi đầu tiên trở về trận địa cũ của các cựu chiến binh Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên thành phố Hải Phòng. Thế nhưng hầu hết các ông do sức khỏe đều đã khoảng 10 năm trở ra mới quay lại nơi đây. Giờ Điện Biên đã thay đổi rất nhiều, không nhận ra được những địa điểm khi xưa mình từng đi qua, từng chiến đấu - là chia sẻ của tất cả thành viên trong đoàn. Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Quang Phụng, hiện sinh sống tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng chia sẻ: “Tôi đã nhiều năm rồi mới có dịp quay lại Điện Biên. Tôi không nghĩ tâm chiến trường xưa trở thành phố xá khang trang, nhộn nhịp, đẹp đẽ như thế này. Rất nhiều cây cối xanh, không khí yên bình, trong lành khiến tôi muốn ở đây lâu hơn. Điện Biên cũng đã làm rất tốt công tác bảo vệ các di tích, quan tâm chăm sóc phần mộ liệt sĩ, tri ân những người có công bảo vệ mảnh đất này. Vì vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi nghĩ về đồng đội đã hy sinh”.
Khi được hỏi, hầu hết các cựu chiến binh đều hy vọng có thể quay lại Điện Biên vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2024). Đó cũng là mong mỏi, vinh dự của thế hệ đi sau. Mong sao các chiến sĩ Điện Biên còn đủ sức khỏe và minh mẫn để tiếp tục kể những câu chuyện chiến đấu hào hùng ngay tại mảnh đất mà các ông đã anh dũng, bất khuất bảo vệ, phất cao lá cờ chiến thắng.