Sống gần những 'ông Tiên'
Đầu năm 1981, sau khi tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, tôi được điều động về làm biên tập tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Ngày ấy tôi đang mang quân hàm cấp Thượng úy nhưng với công tác biên tập thì với tôi chỉ mới ở tầm 'Tân binh'.
Vì những năm tháng chiến đấu và công tác ở Sư đoàn 312 tôi đã tham gia viết cuốn Lịch sử Truyền thống cho Sư đoàn và làm cộng tác viên cho tờ báo Quân Đội Nhân Dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đặc biệt là viết về Thiếu tướng Nguyễn Chuông (Phó tư lệnh Quân khu 2) qua lời ông kể, được báo Quân đội nhân dân đăng bài “Trong chiến dịch mang tên Bác” nhiều kỳ vào tháng 5 năm 1977 và Nhà xuất bản Quân đội xuất bản cuốn “Đường tới chân trời” mang tên Thiếu tướng Nguyễn Chuông…
Qua việc giới thiệu của Đại tá Cao Hùng, lãnh đạo Nhà xuất bản đã đồng ý nhận tôi về làm công tác biên tập ở phòng Lịch sử - Hồi ký do anh Hùng phụ trách. Nhận công tác này đối với tôi thật là “điếc không sợ súng”. Từ một anh lính trực tiếp chiến đấu bao nhiêu năm chui rúc ở trong rừng già, giờ về công tác ở giữa Thủ đô Hà Nội, với tôi không khác nào “thỏ đế lạc phố”. Biết tôi đi bộ đội từ khi chưa học hết cấp 3 nên ngay từ khi mới về Nhà xuất bản các thủ trưởng đã tạo điều kiện cho tôi vào trong “Thành” học bổ túc văn hóa cùng với em Hoàn, cháu Huế, cháu Yến là Văn thư của cơ quan và một số cán bộ của Tổng cục Chính trị. Cũng bởi chiến tranh nên tôi và mấy anh cán bộ của Tổng cục đều đã ở tuổi trung niên mà phải quay về ngồi học tiếp chương trình cấp 3 với mấy em mười tám, đôi mươi. Nói thật là chúng tôi rất ngại học nhưng không học thì không có đủ trình độ để làm việc.
Thử thách đầu tiên của tôi khi về Nhà xuất bản là được phân công làm công tác biên soạn cuốn sách “Tiểu sử Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Thực ra với người có trình độ biên soạn quen thì cuốn sách đó chỉ làm bằng “tay trái” cũng xong, nhưng với tôi thì đây là công việc phải mày mò từ đầu. Hằng ngày cứ đến giờ làm việc buổi sáng là tôi lại đạp xe vào trong “Thành” để đọc tiểu sử và xin ảnh của các Anh hùng do Cục Cán bộ quản lý. Với sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của nhiều anh em, chỉ trong vòng 6 tháng cuốn sách đã được xuất bản và phát hành tới tay bạn đọc. Sách ra đời không thấy các thủ trưởng và anh em trong Nhà xuất bản phê phán gì nên tôi mừng lắm. Nào ngờ chỉ nửa tháng sau khi còn chưa hết vui thì tôi nhận được một thông tin thật dở khóc dở cười. Đó là lá thư của một đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang đang học tập từ Liên Xô gửi về, kiện tôi vì lẽ đã cho in tấm ảnh của một Anh hùng đã hy sinh ở miền Nam vào trang tiểu sử của anh. Truy tìm nguyên nhân tôi mới phát hiện ra do công tác lưu trữ của Cục Cán bộ có sơ suất vì đã ghi tên Anh hùng này vào ảnh Anh hùng khác như kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” rồi cung cấp cho tôi. Xét thấy sai sót của tôi cũng là do khách quan nên các thủ trưởng cũng chỉ phê bình và nhắc tôi rút kinh nghiệm. Ngay sau đó tôi phải viết thư xin lỗi người Anh Hùng ấy.
Sau đợt biên soạn cuốn sách về Tiểu sử các Anh hùng lực lượng vũ trang thì anh Cao Hùng giao cho tôi phụ biên tập các tập bản thảo Lịch sử Truyền thống của các Quân khu, Quân Binh chủng…. Có thể nói với công tác biên tập sách Lịch sử - Hồi ký thì làm cả đời không hết việc. Được các anh Cao Hùng, Kim Trùy…hướng dẫn nên chẳng bao lâu tôi cũng phụ biên tập được một số bản thảo. Ngày đó tôi nhớ quân số của Nhà xuất bản cũng chỉ dưới 50 người, do anh Lữ Giang làm Giám đốc và 3 anh Trần Lạc Hồng, Lê Kim, Nguyễn Đình Tiên làm Phó Giám đốc. Tôi vừa làm việc vừa được các anh chị đi trước nhiệt tình đào tạo, hướng dẫn từng ly từng tý nên cũng mau chóng hòa nhập vào không khí làm việc và sinh hoạt chung của Nhà xuất bản. Đặc biệt các anh Lữ Giang, Nguyễn Đình Tiên, Trần Lạc Hồng, Lê Kim, Nhật Tiến, Tạ Hữu Yên, Cao Hùng, Kim Trùy, Huy Nhượng, Đình Cần, Đoàn Sự, Vũ Sắc.. thì lúc nào tôi cũng coi các anh như những “ông Tiên” sống giữa đời thường. Các anh sống đúng là bậc đàn anh, luôn cao thượng nhưng rất giản dị trong sáng và hòa đồng. Các anh không bao giờ tỏ ra là cấp trên để ra lệnh hay ỷ lại cho cấp dưới. Một số anh ở nhà tập thể với tôi thì làm việc miệt mài, không phân biệt làm việc giờ hành chính hay ngoài giờ. Ngoài công việc biên tập sách các anh lại chăm chú đọc sách nghiên cứu về Chính trị - Xã hội, về Văn hóa - Nghệ thuật… và làm tấm gương cho tôi noi theo. Tôi luôn hiểu rằng trong số anh lớn tuổi đã trải qua kháng chiến chống Pháp, có anh tập kết từ miền Nam ra, có anh đi chiến trường vào sinh ra tử nhiều lần, có anh là Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà thơ nổi tiếng cả nước nhưng sống rất chan hòa, cởi mở và nhân hậu.
Ngày ấy kinh tế của cả nước còn rất nhiều khó khăn. Mỗi gia đình có khó khăn khác nhau. Riêng tôi là người lính mới ở chiến trường ra được 6 năm, ở nhà vợ tôi đi làm Hợp tác xã mỗi vụ thu được hơn tạ thóc mà phải nuôi mẹ tôi và hai đứa con đỏ đầu. Nhà tôi ở cách trung tâm Hà Nội chừng 50 cây số nên mỗi tháng tôi chỉ về một lần. Những ngày nghỉ không về nhà, anh em ở tập thể thường góp tiền và tem gạo đi mua mì sợi về nấu ăn chung.
Như ngầm muốn giúp tôi giải quyết một phần khó khăn, các anh chị có nhà ở Hà Nội thường bày việc sửa cái bàn hay làm cái chuồng nuôi gà để rủ tôi ngày chủ nhật đến phụ giúp. Đấy chỉ là cái cớ để tôi không từ chối lời mời. Trong thâm tâm tôi biết các anh chị muốn tôi đến nhà để “ăn tươi” vài bữa và bớt được cân tem gạo mang về cho vợ con. Nhân dịp tôi đến nhà chơi, chị Lâm vợ anh Cao Hùng, chị Hạnh vợ anh Lê Kim còn soạn những bộ quần áo do con các chị mặc chật cùng những gói bánh kẹo bảo tôi mang về cho các cháu. Kỷ niệm đáng nhớ nữa là có một lần tôi mang con Nguyệt ra Hà Nội chơi. Lúc đó cháu mới tròn 3 tuổi, còn nói ngọng nên chỉ muốn bám theo cô Hoàn, cô Yến (Văn thư) để được các cô cho kẹo và nước đá cục. Nguyệt cho cục nước đá vào miệng mút như kẹo nhưng lạnh quá lên phải nhả ra vạt áo đang mặc rồi vừa đi vừa bò lên bậc cầu thang mang nước đá về phòng tôi đang làm việc. Nguyệt để nước đá vào cái chén rồi đi chơi tiếp. Khoảng nửa tiếng sau Nguyệt quay về thì đá tan thành nước hết, cháu lăn ra khóc và kêu “bắt đền bố ăn hết đá của con”. Tôi không còn cách nào giải thích đành dẫn Nguyệt xuống Phòng Hành chính xin cô Hoàn cho cháu viên đá khác.
Cũng chính từ những câu chuyện nhỏ nhặt trên mà Lãnh đạo Nhà xuất bản đã biết rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi. Nhân dịp tết Nguyên đán năm 1982, Nhà xuất bản được Tổng cục phân phối cho duy nhất một chiếc xe Honda. Ngày đó sau 6 năm Hòa bình, Tổng cục Chính trị đã có điều kiện bố trí một số xe đưa rước cán bộ về nhà nghỉ cuối tuần với cự ly xa nhất là thành phố Vinh. Cả Nhà xuất bản gần 50 cán bộ, công nhân viên mà chỉ có một chiếc xe máy thì biết phân phối thế nào?. Lãnh đạo phải bỏ ra một buổi họp để bàn cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Cuối cùng mọi người cũng thống nhất phương cách phân phối xe như sau: “Ai ở Hà Nội thì đi xe tự túc, ai ở cách xa Hà Nội từ 51 cây số trở lên đã có xe đưa rước của Tổng cục, ai nhà cách Hà Nội từ 30 đến 50 cây số thì được đưa vào diện gắp thăm mua xe phân phối. Lục lọi danh sách tất cả cán bộ Nhà xuất bản chỉ có 5 người đủ tiêu chuẩn được gắp thăm (trong đó có tôi). Thú thật tôi chưa khi nào nghĩ đến mình gắp thăm trúng mua xe phân phối. Tôi để mọi người rút thăm trước còn tôi rút sau cùng. Cả 4 người rút thăm trước mở ra đều là số (0). Tôi run run mở (thăm) ra thì thấy rõ 3 chữ “Được mua xe”. Tôi mừng đến suýt khuỵu chân xuống. Cùng lúc đó là tiếng hò reo “hoan hô, hoan hô S trúng xe rồi”, “mừng cho S chủ nhật có xe máy về thăm vợ con”.
Ngày hôm sau tôi xin cơ quan về nhà thu xếp tiền để mua xe. Lâu ngày rồi tôi không nhớ giá tiền xe cụ thể là bao nhiêu. Chỉ nhớ vợ tôi đưa cho tôi chiếc nhẫn cưới 1 chỉ vàng và mẹ vợ tôi cho một chỉ vàng để tôi bán đi trả tiền xe. Tôi nghe đồn ngày ấy chiếc xe như xe của tôi giá thị trường phải 1 cây vàng. Điều quan trọng là với tôi, một người lính bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường, ra về bằng hai bàn tay trắng mà nay có được chiếc xe máy là tài sản khá lớn đối với tôi rồi. Thuận lợi nhất là tôi đã có phương tiện để mỗi chủ nhật về thăm mẹ và vợ con. Trong Nhà xuất bản còn nhiều anh hơn tuổi tôi, quân hàm cao hơn tôi mà chưa được ưu tiên như tôi.
Vì có xe máy để về quê thường xuyên nên tôi đã đề xuất với mấy anh ở tập thể:
- Nhà em có con chó to lắm. Thứ 7 này em xin về sớm. Đêm em sẽ nhờ mấy cháu thịt chó rồi mang ra đây chúng ta đánh chén mừng em mua được xe nhé.
- Hoan hô, ý kiến của S hay đấy. Cậu cứ về mang thịt chó ra đây, bọn này sẵn sàng ra phố Hàng Đậu mua riềng, sả, mẻ, chanh ớt.
- Các anh cứ chuẩn bị phụ gia đầy đủ, em bảo các cháu làm dồi có lá cúc tần, lá xương xông ăn tuyệt lắm. Chậm nhất khoảng 10 giờ sáng là em ra tới nơi.
Tôi về nhà bắt mấy cháu Quyết, cháu Đoán dậy từ 2 giờ đêm hì hụi thịt chó, xẻ thịt thành mảnh, làm dồi với đủ gia vị lá cúc tần, đậu xanh…rồi dồn cả vào chiếc bao bố, buộc vào sau xe Honda tôi vừa trúng số, lòng đầy phấn chấn.
khoảng 8 giờ sáng chủ nhật tôi đã đến đầu cầu Long Biên. Cây cầu đội bao nhiêu bom đạn vẫn đứng hiên ngay trên con sông Hồng quanh năm nước chảy thao thiết. Tôi đoán giờ này anh Nhượng, anh Trùy, anh Cao Hùng… cũng đi chợ mua riềng, lá mơ rồi. Sao hôm nay chủ nhật mà trên cầu người xe chen chúc chật như nêm. Mới đi chưa đầy 1/3 cầu thì tôi nghe có tiếng người gọi:
- Anh bộ đội ơi, bao tải đồ bị rơi rồi.
Tôi vội đưa xe sang mép cầu nhìn lại thì thấy một người xách bao tải thịt chó quẳng xuống bãi sông Hồng. Nhanh thoăn thoát người đó ôm những thanh sắt bảo vệ chân cầu tụt xuống như một con mèo hoang. Tôi định thần lại. Thì ra trong lúc tôi bị kẹt xe, tên trộm đã nhẹ nhàng cắt giây buộc để bao tải rơi khỏi xe. Bây giờ thì hắn đang ung dung lượm chiếc bao tải và đi thong dong trên bãi cát như thể chọc tức người chủ chiếc bao. Tôi buồn đến nẫu ruột. Buồn không chỉ vì mất bao tải thịt chó có công sức của mấy đứa cháu thức đêm thức hôm giúp tôi mà còn thương hơn chục anh em đang từng giờ chờ tôi để thưởng thức món thịt chó và dồi chó Kinh Bắc nổi tiếng từ bao đời nay. Tôi đành chữa cháy bằng cách vòng xe ra mạn chợ Đồng Xuân mua ký dồi và mấy ký thịt đùi làm món thịt nướng và món nhựa mận để cùng các anh nhâm nhi với rượu Làng Vân. Tôi hứa với các anh là sẽ thịt một con chó khác bù vào con đã mất.
Từ đó về sau cứ mỗi dịp được đi qua cầu Long Biên tôi lại nhớ tới kỷ niệm mất bao thịt chó, dở cười dở mếu năm nào.
Từ lâu lắm rồi, Nhà xuất bản Quân đội đã được Tổng cục Chính trị giao cho quản lý trực tiếp Nhà máy in Quân đội 1 ở Hà Nội và Nhà máy in Quân đội 2 ở thành phố Hồ Chí Minh. Biết được tin anh Giám Văn Phúc (quê ở Bắc Giang) đang làm Trưởng ban Hành chính ở nhà máy in Quân đội 2 tại thành phố Hồ Chí Minh muốn xin về Nhà xuất bản công tác để được gần gia đình nên tôi đã đề nghị với anh Cao Hùng để tôi báo cáo với Lãnh đạo Nhà xuất bản cho tôi thay vào vị trí công tác của anh Phúc ở Nhà máy in Quân đội 2. Nghe tôi đề nghị vậy anh Hùng rất mừng cho tôi nhưng anh cũng thực sự buồn. Anh nói với giọng trầm buồn:
- Nói thực với cậu, biết cậu đang có thời cơ chuyển công tác và đưa cả gia đình vào Sài Gòn tôi rất mừng cho cậu. Như vậy gia đình cậu sẽ được đoàn tụ, vợ cậu có việc làm, cả nhà cậu được ăn gạo phiếu, được ở thành phố lớn nhất của cả nước. Có thể nói, với cậu là một sự đổi đời. Nhưng cậu cũng phải luôn nhớ rằng chính tôi là người đề xuất xin cậu về đây, qua gần hai năm tập sự và làm việc cậu đã có khả năng biên tập khá, cậu đã đỡ đần tôi một số việc. Trong cuộc sống anh em cũng tâm đầu ý hợp, bây giờ cậu lại chuyển công tác thì tôi cũng buồn lắm chứ. Nhưng thôi, vì tương lai của cậu và nhất là tương lai của những đứa trẻ, tôi ủng hộ việc cậu chuyển công tác.
Được anh Cao Hùng đồng ý, tôi liền lên đề đạt nguyện vọng chuyển công tác với Lãnh đạo Nhà xuất bản. Xét đề nghị của tôi hợp tình hợp lý nên các anh Lãnh đạo đã đồng ý cho tôi chuyển công tác vào Nhà máy in Quân đội 2 đồng thời tuyển dụng vợ tôi vào làm công nhân tại Nhà máy từ tháng 8 năm 1982.
Được chấp thuận chuyển công tác và được cả vợ vào làm việc trong nhà máy đối với tôi lúc này là vô cùng may mắn nhưng phải rời Nhà xuất bản ra đi cũng là sự thiệt thòi rất lớn cho bản thân tôi. Cả chục năm trước tôi đã phải bỏ lỡ dở việc học hành để đi chiến đấu, bây giờ mới được về Thủ đô và về một Nhà xuất bản tầm cỡ Quốc gia để làm việc, học hỏi, trau dồi kiến thức trên nhiều lĩnh vực và mở mang tầm nhìn, mà bây giờ tôi lại phải rời bỏ môi trường việc học tập, nghiên cứu thuận lợi nhất để đi nơi khác. Tôi còn phải xa rời cả những người thầy, người anh em thân thiết đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong học tập, công tác và trong cuộc sống suốt hai năm trời. Dù thời gian sống và công tác ở Nhà xuất bản Quân đội không dài nhưng đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhiều kinh nghiệm làm việc và nhiều bài học làm người.
Thấm thoát đã gần 40 năm trôi qua mà lời hứa “sẽ thịt một con chó khác bù vào con bị mất” để cùng các anh liên hoan, mà đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được.
Hôm qua tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe anh Nhượng. Anh nói: “Bây giờ sức khỏe của anh kém lắm rồi. Số anh em chờ ăn thịt chó của cậu như anh Lê Kim, Lạc Hồng, Cao Hùng, Kim Trùy, Đình Tiên, Nhật Tiến, Đình Cần, Tạ Hữu Yên, Vũ Sắc, Đoàn Sự…cũng về “cõi tiên” cả rồi! Chỉ còn 2 anh em mình thôi.
Ôi vậy là các “ông Tiên” của tôi đã về “cõi Tiên” cả rồi. Sống ở trên đời này không bao giờ đong hết những niềm vui và nỗi buồn.
Đâu rồi những “ông tiên” ngày xưa của tôi!.
T.D.S
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/song-gan-nhung-ong-tien-a24544.html