Sóng gió 3 đời tổng thống - nước Mỹ của tôi chưa bao giờ như lúc này
Từ thời Tổng thống Nixon đến Trump, Washington đang chìm trong những sai phạm chính trị và đạo đức nghiêm trọng, sâu rộng nhất.
Bê bối Watergate 1974 của Tổng thống Richard Nixon, tai tiếng tình ái năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton - những biến cố đó vẫn chưa thể so với khủng hoảng hiện nay dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Mỹ là quốc gia luôn nâng niu và tự hào về nền dân chủ bền vững và ổn định so với thế giới. Thế nhưng trên thực tế, với quan sát của người làm báo chứng kiến trọn vẹn những sóng gió chính trường từ thời Nixon, tôi chưa bao giờ thấy nước Mỹ lại đang chìm trong những sai phạm chính trị và đạo đức nghiêm trọng, sâu rộng như hiện nay.
Tranh luận ngày càng kém văn minh và trẻ con
Mở đầu là vụ bê bối Watergate năm 1974, liên quan đến Tổng thống Richard M. Nixon và hơn 70 người khác, bao gồm cố vấn Nhà Trắng và quan chức trong nội các. Kết quả là ông Nixon trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ tuyên bố từ chức trước khi hết nhiệm kỳ.
Quyết định từ chức của ông Nixon là rất khôn ngoan vào thời điểm đó. Bởi lẽ, những tội hình sự mà vị tổng thống này và thuộc cấp của mình phạm phải chắc chắn sẽ khiến ông phải đối diện với viễn cảnh bị luận tội và phế truất. Ông Nixon sau đó được ân xá khỏi các tội danh sau khi người cùng đảng là Phó tổng thống Gerald Ford lên nắm quyền.
Từ đó đến nay, đời sống chính trị ở Mỹ đã trở nên thật kỳ lạ và đáng lo ngại. Tranh luận chính trị hàng ngày càng trở nên kém văn minh và trẻ con.
Tiếp đến là chuỗi bê bối tình ái của Tổng thống Bill Clinton (đảng Dân chủ) vào cuối năm 1998, bao gồm vụ ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky và vụ kiện quấy rối tình dục của Paula Jones, kèm theo cáo buộc khai man trước tòa. Ông Clinton trở thành tổng thống Mỹ thứ hai trong lịch sử bị Hạ viện luận tội khai man trước bồi thẩm đoàn và tội cản trở công lý. Tuy nhiên, ở Thượng viện, do không đủ số phiếu bắt buộc để luận tội và bãi nhiệm, ông Clinton được tha bổng.
Và cuộc khủng hoảng gần đây nhất chính là của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Nó đã bắt đầu từ khi ông Trump giành tấm vé của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống giữa năm 2016.
Từ đó đến nay, đời sống chính trị ở Mỹ đã trở nên thật kỳ lạ và đáng lo ngại. Tranh luận chính trị hàng ngày càng trở nên kém văn minh và trẻ con.
Nói dối liên tục và chưa từng có
Từ ngày Donald Trump - tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình thực tế, cũng là một người chân ướt chân ráo vào chính trường - tuyên bố tranh cử cho đến lúc đã ở cương vị tổng thống được hơn 2 năm, ông đã nói dối liên tục và không ngần ngại, theo cách chưa hề thấy trong lịch sử Mỹ đương đại.
“PolitiFact”, trang web kiểm chứng thông tin uy tín từng được trao giải Pulitzer cho hạng mục đưa tin trên phạm vi toàn quốc, cho biết trong đợt bầu cử năm 2016, các tuyên bố của ông Trump bị xếp vào mức “trắng trợn” (pants on fire) gấp 10 lần so với bà Clinton (53 so với 5), nhiều nhất trong các ứng viên tổng thống kể từ năm 2008.
Ông Trump đã nói dối liên tục và không ngần ngại, theo cách chưa hề thấy trong lịch sử Mỹ đương đại. Tổng thống dối trá đến mức này là chưa từng có trong lịch sử Mỹ hiện đại, kể từ khi cơ chế kiểm chứng thông tin có hệ thống được đưa vào vận hành.
Theo Washington Post, trong 2 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump “đã đưa ra tổng cộng 8.158 tuyên bố sai sự thật hoặc khiến người ta hiểu sai”. Đáng báo động hơn, nếu như năm đầu nhiệm kỳ ông Trump đã “nói sai sự thật hoặc khiến hiểu lầm 5,9 lần/ ngày thì đến năm thứ hai, con số là 16,5 lần/ngày, tức là gấp 3 lần. Chỉ riêng năm 2018, ông Trump đã nói tới 6.000 lời sai sự thật hoặc gây hiểu lầm”.
Tổng thống dối trá đến mức này là chưa từng có trong lịch sử Mỹ hiện đại, kể từ khi cơ chế kiểm chứng thông tin có hệ thống được đưa vào vận hành.
Ngoài những phát ngôn sai sự thật, ông Trump từ chối hàng loạt những điều mà tổng thống đắc cử cần làm: công bố tờ khai thuế; đưa những tài sản như khách sạn, sân golf và lợi ích kinh doanh vào các quỹ ủy thác (blind trust); và cũng từ chối đi theo các nguyên tắc “chính phủ minh bạch” sau thời Watergate một cách kiêu ngạo và thách thức. Việc từ chối này đi ngược lại những lời hứa của ông Trump khi tranh cử.
Rõ ràng, đối với người chuyên tweet lúc 3 giờ sáng và có cái tôi khổng lồ của một tỷ phú, luật pháp liên bang hiện hành về đạo đức chỉ là những thông lệ, có thể lờ đi, không cần thực thi hay thậm chí loại bỏ.
Ông Trump có bị luận tội?
Đang có ít nhất hai vụ kiện dân sự chống lại Tổng thống Trump vì cáo buộc vi phạm điều khoản cấm tư lợi (emoluments) trong Hiến pháp Mỹ, do ông chưa tách biệt mình khỏi các lợi ích tài chính ở khắp nơi trên thế giới. Con gái ông, Ivanka và chồng là Jared Kushner - những cố vấn cao cấp trong chính quyền - cũng không có sự tách biệt. Trong khi đó, giá trị các tài sản của gia đình ông Trump vẫn đang tăng lên từng ngày.
Tính đến nay, theo trang tin Vox, đã có hơn 34 cáo trạng (trong đó có những người đã nhận tội) được đưa ra từ Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, từ văn phòng công tố liên bang Nam New York, văn phòng công tố tiểu bang New York, và của nhiều nơi khác. Tổng cộng, có 17 cuộc điều tra liên quan đến ông Trump hoặc về ảnh hưởng và can thiệp của Nga, theo tạp chí Wired, chưa tính các cuộc điều tra mới đây của Hạ viện.
Chúng ta đang ở cao trào của vũ điệu có lịch sử lâu đời ở Washington, được biểu diễn bởi một bên là các điều tra viên và công tố viên liên bang, bên kia là các luật sư bào chữa bóng bẩy được trả lương hậu hĩnh.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gần đây nói với Washington Post một cách mỉa mai: “Ông Trump là người tụ họp tuyệt vời cho những người Dân chủ, người gây quỹ cho đảng Dân chủ… Và tôi nghĩ điều này tốt cho nước Mỹ. Tôi không ủng hộ luận tội. Luận tội gây chia rẽ, nên trừ khi có gì đó thực sự thuyết phục và quá đáng mà cả hai đảng đều cần hành động, tôi không nghĩ chúng ta nên theo hướng đó, vì sẽ gây chia rẽ cho đất nước. Và với ông Trump, không đáng để như vậy”.
Chúng ta đang ở cao trào của vũ điệu có lịch sử lâu đời ở Washington, được biểu diễn bởi một bên là các điều tra viên và công tố viên liên bang, bên kia là các luật sư bào chữa bóng bẩy được trả lương hậu hĩnh.
Tất cả đã vào vị trí. Các phóng viên và nhà quan sát nín thở dõi theo. Lại thêm một bê bối đầy kịch tính nữa.
20 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống 2020, vẫn còn hàng loạt các cuộc điều tra liên bang và tiểu bang nhắm vào Tổng thống Trump và các cáo buộc sai phạm của chính quyền ông ở phía trước.