'Sóng gió' biển Đỏ đe dọa thương mại và lạm phát

Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu dường như đang lấy lại đà phục hồi sau sự gián đoạn của đại dịch Covid-19, thì một cuộc khủng hoảng mới lại xuất hiện, làm rung chuyển thương mại toàn cầu. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên biển Đỏ đã khiến cho các hãng tàu quốc tế phải tạm dừng vận chuyển qua khu vực, làm dấy lên lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao và sự ổn định trong khu vực.

Diễn biến leo thang nguy hiểm

Lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường đáng kể chiến dịch tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở eo biển Bab-el-Mandeb giữa bán đảo Ảrập và Sừng châu Phi kể từ cuối tháng 11.2023.

Trong một diễn biến leo thang mới nhất vào cuối tuần qua, lực lượng này đã tấn công nhằm vào 3 tàu thương mại ở phía Nam biển Đỏ, làm gia tăng mối đe dọa nghiêm trọng đối với thương mại quốc tế và an ninh hàng hải. Một trong số đó có tàu thuộc sở hữu của hãng vận tải container khổng lồ Maersk Line của Đan Mạch. Trước tình hình này, quân đội Mỹ đã cử trực thăng của lực lượng hải quân tới để đẩy lùi cuộc tấn công của Houthi.

Vụ tấn công đã buộc hãng vận tải của Đan Mạch ra thông báo về việc tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, hãng Hapag-Lloyd của Đức cũng thông báo các tàu container của họ sẽ tiếp tục tránh tuyến đường này.

Đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng

Tuyến đường qua biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, vốn là huyết mạch của thương mại quốc tế. Kênh đào Suez xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30km. Khoảng một nửa số hàng hóa vận chuyển qua kênh là hàng container. Tuyến đường này cũng rất quan trọng với các chuyến hàng dầu từ vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại và gián đoạn đáng kể cho giao thông hàng hải cũng như gây thương vong cho thủy thủ đoàn và lực lượng an ninh. Cộng đồng quốc tế đã lên án hành động của phiến quân Houthi và kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Theo đó, hôm 3.1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp khẩn kêu gọi lực lượng Houthi ngừng các cuộc tấn công nhằm vào tàu bè ở biển Đỏ và vịnh Aden.

Hãng vận tải container Maersk Line của Đan Mạch. Ảnh: Getty Images

Hãng vận tải container Maersk Line của Đan Mạch. Ảnh: Getty Images

Tại cuộc họp đầu tiên trong năm 2024 của HĐBA, Mỹ, Nhật Bản, Anh và 9 quốc gia khác đã cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng bạo lực nhắm vào các tàu thương mại qua lại trên biển Đỏ. Trong một tuyên bố chung, các nước nhấn mạnh rằng, lực lượng Houthi sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả nếu họ tiếp tục đe dọa tính mạng, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường thủy quan trọng của khu vực.

Cuộc khủng hoảng biển Đỏ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và sự ổn định của khu vực. Sự gián đoạn của các chuyến hàng dầu khí có thể dẫn đến giá năng lượng cao hơn và tình trạng thiếu hụt ở một số thị trường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Ngoài ra, còn có nguy cơ cao gây ra thảm họa nhân đạo ở các quốc gia giáp biển Đỏ, nơi hàng triệu người phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và viện trợ. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến các cường quốc trong khu vực như Ảrập Xêút, Ai Cập, Ethiopia và Iran.

Cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng một cách hòa bình và khôi phục an ninh, ổn định ở khu vực biển Đỏ. Liên Hợp Quốc nên bổ nhiệm một đặc phái viên để làm trung gian lực lượng này và các nước láng giềng, đồng thời tạo điều kiện đối thoại và hợp tác về các vấn đề như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, nhân quyền và cải cách chính trị. Bên cạnh đó Liên minh quốc tế cũng nên kiềm chế và tránh mọi hành động có thể kích động hoặc leo thang bạo lực; biển Đỏ là huyết mạch quan trọng cho thương mại toàn cầu và hòa bình khu vực, càng không nên trở thành một chiến trường cho chiến tranh.

Nguy cơ lạm phát trở lại

Với tình trạng căng thẳng leo thang tại biển Đỏ, chi phí vận tải bị thổi bùng lên khiến các nỗ lực kiềm chế lạm phát của thế giới trở nên mong manh.

Cho tới nay, nhiều công ty buộc phải cho tàu đi vòng quanh mũi Hảo Vọng, phía Nam châu Phi, khiến cho hành trình kéo dài thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%. Có khoảng 12 công ty vận tải biển đã đình chỉ hoạt động qua biển Đỏ, trong đó có các hãng lớn nhất thế giới như MSC (Italy), CMA CGM (Pháp) hay Maersk (Đan Mạch).

Hãng tàu Evergreen thậm chí còn tuyên bố tạm ngừng nhận bất kỳ hàng hóa nào chuyển đến Israel. Hãng tàu container Phương Đông (OOCL), thuộc sở hữu của Tập đoàn vận tải COSCO (Trung Quốc) cũng đã ngừng nhận hàng hóa của Israel do lo ngại bị tấn công. Cùng với đó, nhiều biện pháp bảo vệ hơn đã được yêu cầu cho những thủy thủ đi biển, với các hóa đơn bảo hiểm cao hơn dành cho các nhà khai thác.

Việc chuyển hướng tàu dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và châu Âu. Sự tăng vọt đột ngột cước vận tải đường biển và các chi phí khác sẽ làm các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ lạm phát hàng hóa quay trở lại. Theo CNBC, các công ty logistics cảnh báo, áp lực lạm phát sẽ được người tiêu dùng cảm nhận sau một tháng kể từ khi giá cước trở nên đắt đỏ hơn. Những sự gián đoạn đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, đồng nghĩa dẫn đến giá cước tăng lên.

Vì thời gian vận tải dài hơn, sẽ làm chậm những chuyến hàng mùa xuân lẽ ra phải cập cảng Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2. Trong khi đó, ở Mỹ, những chuyến tàu container lẽ ra phải cập cảng bờ Đông vào tháng 12 bây giờ mới tới nơi. Đó là những chuyến hàng gồm sản phẩm thời trang xuân hè, sản phẩm cho lễ Phục sinh, đồ nội thất và đồ gia dụng...

Bên cạnh đó, trong số các hàng hóa bị ảnh hưởng, dầu chiếm phần lớn. Khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb, chủ yếu hướng tới châu Âu. Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Freightos Judah Levine cho biết, giá vận chuyển hàng không đã tăng 13% trong tuần cuối của tháng 12, điều này cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ đường biển sang đường hàng không đã tăng rõ rệt.

Các chuyên gia nhận định rằng, nếu tình trạng “tắc nghẽn” tại biển Đỏ không được giải quyết trong thời gian sớm, sẽ giáng đòn nặng nề vào nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giúp giảm lạm phát đáng kể của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong hai năm qua.

Các cuộc tấn công trên biển Đỏ ngày càng gia tăng sẽ khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới phải tính toán cho khả năng đối phó trước “cơn bão kép” là giá cước vận tải tăng phi mã dẫn tới giá cả tiêu dùng tăng cao, cũng như nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 3 năm hỗn loạn trước áp lực lạm phát và sự gián đoạn do Covid-19, những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế thế giới đang trở nên mong manh và bất định.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/song-gio-bien-do-de-doa-thuong-mai-va-lam-phat-i356462/