'Sóng gió' trong quan hệ Mỹ-Trung có thể đe dọa an ninh Đông Á

Sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể gây nguy hiểm cho môi trường an ninh ở Đông Á trong năm 2022

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia đối ngoại quốc tế về quan hệ Mỹ - Trung sau khi đánh giá dựa trên thực trạng quan hệ hai nước và dự báo tình hình sắp tới.

Tình hình Eo biển Đài Loan sẽ mong manh hơn

Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời các chuyên gia cho biết, mối quan hệ Bắc Kinh – Washington sẽ còn tồi tệ hơn hiện nay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cách tiếp cận cứng rắn hơn với chính quyền Bắc Kinh để thu hút sự ủng hộ của các cử tri có quan điểm chống Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ.

>

Cùng lúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ tăng cường các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan để mở đường cho nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.

Màn hình lớn trên đường phố Bắc Kinh phát thông tin hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh - Kyodo

Màn hình lớn trên đường phố Bắc Kinh phát thông tin hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh - Kyodo

Ngoài ra, quyết định của Mỹ khi không cử các quan chức chính phủ tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới, sẽ "củng cố nhận thức về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" và khiến việc theo đuổi đường lối ngoại giao trở nên "khó khăn hơn".

Ông Victor Teo - Nhà khoa học chính trị tại Đại học Cambridge cho rằng: "Mỹ đang cố gắng hết sức để tập hợp và củng cố các khối của mình để ngăn Trung Quốc đuổi kịp".

Với căng thẳng Trung-Mỹ leo thang, tình hình an Eo biển Đài Loan sẽ trở nên mong manh hơn, vì ông Tập vẫn kiên định với đường lối tái thống nhất Đài Loan dân chủ và tự trị với đại lục trong nhiệm kỳ của mình.

Song, ông Victor Teo dự báo, Bắc Kinh không sử dụng sức mạnh quân sự để xâm lược Đài Loan trong năm 2022 vì có thể phản tác dụng và ảnh hưởng tới ông Tập nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cảnh báo Washington và các đồng minh rằng "không nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc".

Chưa kể, Mỹ vừa thông qua Luật ủy quyền quốc phòng 2022, trong đó có các đề nghị hỗ trợ Đài Loan tăng cường năng lực phòng vệ như mời hòn đảo này tham dự vào cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu – RIMPAC.

Kyodo News dẫn một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, việc Đài Loan tham gia vào RIMPAC chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh và có thể gây ra xung đột quân sự trên Eo biển Đài Loan.

"Cửa" đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng hẹp

Những động thái của Triều Tiên cũng thu hút sự chú ý khi các cuộc đàm phán với Mỹ đã bị đình trệ trong 2 năm qua, có ít dấu hiệu có thể nối lại trong năm 2022.

Triều Tiên thừa nhận họ đang đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vì thiên tai và tình trạng đình trệ thương mại với Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo các chuyên gia như ông Jeff Kingston - Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple Nhật Bản, Triều Tiên có thể nóng lòng muốn bắt đầu đối thoại nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nhưng điều này “đòi hỏi phải có sự tham gia của hoạt động ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong khi tại thời điểm này, đây là biện pháp gần như bất khả thi.

“Đó có thể là biện pháp xây dựng lòng tin nhưng hiện nay có rất ít niềm tin để gây dựng”, ông Kingston nói.

Các cuộc đàm phán vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ suốt nhiều năm qua. Trong ảnh là sự kiện gặp mặt giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từ cách đây 4 năm

Các cuộc đàm phán vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ suốt nhiều năm qua. Trong ảnh là sự kiện gặp mặt giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từ cách đây 4 năm

Cuộc chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã chấm dứt bằng lệnh ngừng bắn chưa phải hiệp định hòa bình. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tìm kiếm tuyên bố để chính thức đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh.

Khi môi trường an ninh tại Đông Á đang ngày càng thách thức, Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh an ninh trong khu vực cần phải đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc.

Gần đây, Nhật Bản đã xảy ra một số mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Trong khi đó, xét về về triển vọng kinh tế, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc được cho là vẫn nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc hơn với chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, ông Moon vẫn đồng ý với người đồng cấp Mỹ rằng Seoul và Washington sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao và an ninh. Thỏa thuận này nhận được sự đồng thuận từ cả các đảng đối lập và cầm quyền Seoul.

Dù chính trị gia nào đắc cử Tổng thống Hàn Quốc trong tháng 3 tới đều sẽ tìm cách để khai thác các mối quan hệ hợp tác mới với Mỹ nhưng đồng thời tránh các lĩnh vực hợp tác có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc.

Trang Trần (Theo Kyodo)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/song-gio-trong-quan-he-my-trung-co-the-de-doa-an-ninh-dong-a-d537979.html