Sống giữa tâm động đất
Sống ở nơi mặt đất rung chuyển hằng ngày nên người dân từ hốt hoảng, lo lắng ban đầu đến nay đã dần không còn lo sợ, thậm chí còn nói vui rằng đây là đặc trưng của địa phương
Thời gian qua, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tục ghi nhận các trận động đất xảy ra với tần suất dày và mạnh hơn so với trước. Trong đó có những ngày được ghi nhận tới 14 trận động đất, với các cường độ khác nhau.
Rất hoang mang
Trưa 14-7, ông A Hương - trưởng thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông - đang nằm thiu thiu ngủ trên chiếc phản gỗ thì nghe tiếng "rục rục", kèm theo đó là mặt đất chao đảo, nghiêng ngả. Biết là động đất xảy ra, ông A Hương vội vàng chạy ra khỏi nhà. Sau chừng 20 giây, mặt đất bình lặng trở lại, ông đi quanh thôn xem có nhà ai bị thiệt hại gì do động đất không.
Ngay sau đó, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phát thông báo vụ động đất xảy ra tại huyện Kon Plông lúc 13 giờ 49 phút 27 giây ngày 14-7 có độ lớn 3,0 xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.000 độ vĩ Bắc, 108.216 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km; cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 0.
Trước đó, chỉ từ ngày 7 đến 14-7, tại khu vực huyện Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận tổng cộng 19 trận động đất với các cường độ khác nhau. Cá biệt, trong ngày 7-7, ghi nhận tới 14 trận động đất, trong đó trận động đất có độ lớn cao nhất là 4,2.
Sau khi đi một vòng quanh thôn kiểm tra nhà của 160 hộ dân về thì ông A Hương bảo rằng đây là động đất nhẹ, người dân cũng đã quen và chủ động ứng phó bằng cách chằng chống nhà cửa từ trước rồi nên không xảy ra thiệt hại gì đáng kể.
Theo ông A Hương, từ năm 2021 đến nay, người dân thôn Đăk Tăng đã hứng chịu hàng trăm trận động đất. Ban đầu chỉ là những trận động đất nhỏ nhưng sau đó tần suất và cường độ cứ ngày một tăng.
Trận động đất lớn nhất khiến mọi người khiếp vía có độ lớn 4,7, xảy ra ngày 23-8-2022. Ông A Hương kể, trận động đất hôm đó vào buổi trưa. Khi ông đang ngủ thì nghe mặt đất rung chuyển. Căn nhà chao đảo mạnh. Tiếng ván gỗ, tiếng tôn bị xé toạc. Lúc này, ông cũng chỉ biết chạy ngay ra bãi đất trống trước nhà chờ cho cơn động đất đi qua. Sau đó, đi kiểm tra thì thấy nhiều ngôi nhà xây bị nứt nẻ tường, nền đất biến dạng.
Còn ông A Long (thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng) kể ban đầu khi xảy ra động đất, người dân không hiểu chuyện gì xảy ra nên rất hoang mang, lo lắng khi thấy mặt đất rung lắc, nhà cửa rung chuyển thường xuyên.
"Có lần, đang ăn cơm, thấy mặt bàn nghiêng đi, bát đĩa rơi xuống nền nhà thì tôi rất hoảng sợ, ngồi sụp xuống. Sau chừng 20 giây, mặt đất ngừng rung chuyển. Mọi thứ trở lại bình thường. Chạy ra ngoài xem thì thấy cả làng ai cũng hoảng hồn" - ông A Long kể.
Do thủy điện tích nước
Để xác định nguyên nhân động đất liên tục xảy ra, từ tháng 4-2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai thành lập đoàn đến huyện Kon Plông kiểm tra thực tế.
TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - cho biết qua nghiên cứu, kiểm tra đã xác định các trận động đất xảy ra là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện. Các trận động đất loại này có tính chu kỳ, có thời điểm xảy ra dồn dập nhưng có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng các trận động đất ở khu vực này thời gian gần đây có tần suất dày nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Qua nghiên cứu và nhận định, khu vực này nhiều khả năng chỉ xảy ra động đất có độ lớn dưới 5,5 - là mức độ trung bình trở xuống, nên ít có khả năng gây rủi ro thiên tai. Do đó, người dân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương vẫn cần đề phòng ảnh hưởng của rung chấn đối với các công trình xây dựng, nhà ở có kết cấu yếu, chuồng trại chăn nuôi không kiên cố. Đặc biệt, rung chấn có khả năng ảnh hưởng mạnh đến các khu vực đồi, núi, dốc có địa chất kém hoặc "ngậm" nước do mưa nhiều.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong thời gian tới, động đất tại khu vực huyện Kon Plông còn có thể xuất hiện và kéo dài. Viện Vật lý địa cầu đang đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận, phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra". Các nội dung chính sẽ làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Tại tỉnh Kon Tum, hiện đã lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông). Trong đó, có 5 trạm được chủ đầu tư 2 thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, 3 trạm còn lại do Viện Vật lý địa cầu thực hiện.
Dần quen
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và các vùng phụ cận ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 3,9. Trong thời gian từ tháng 3-2021 đến tháng 8-2022 đã ghi nhận hơn 260 trận động đất có độ lớn từ 1,6 - 4,7 tại khu vực trên. Còn Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng thống kê từ đầu tháng 1 đến ngày 30-6-2023, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận đã xảy ra 125 trận động đất.
Qua theo dõi, số trận động đất không có tăng cao về tần suất, độ lớn so với năm 2022, việc ảnh hưởng của động đất chưa gây thiệt hại đến tài sản của nhân dân, không làm ảnh hưởng đến các công trình trên địa bàn tỉnh.
Theo người dân địa phương, trước năm 2021, người dân chưa bao giờ biết đến động đất. Do đó, khi thấy mặt đất rung chuyển, nhà cửa rung lắc, ai cũng hoang mang, lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND phụ trách xã Đăk Tăng, cho rằng khi người dân lo lắng thì chính quyền các cấp, ban, ngành đã phải cùng vào cuộc. Không chỉ những lãnh đạo, mà cán bộ các đoàn thể, thanh niên xã cũng phải đến từng thôn, làng để tuyên truyền, trấn an người dân.
Ông Trần Văn Nết, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng, nói trong các cuộc họp tại hội trường thôn thì các cán bộ xã, huyện, tỉnh đều phải tập trung người dân lại để hướng dẫn tỉ mỉ cách chủ động đối phó với động đất, như chằng chống nhà cửa, tìm nơi an toàn khi có động đất. Bên cạnh đó, mỗi hộ dân đều được phát sổ tay ứng phó động đất. Trong sổ tay đã có những hướng dẫn, minh họa bằng hình ảnh rõ ràng để bà con biết cách xử trí khi có động đất.
Tại các trường học trong vùng tâm chấn động đất, học sinh bán trú được cán bộ, giáo viên hướng dẫn phải chạy ngay tới những chỗ đất trống an toàn, không có cây lớn, trụ điện hay nhà xập xệ. Trường hợp xảy ra động đất và bị mắc kẹt thì phải la hét lớn để lực lượng cứu hộ biết tìm tới.
Nhờ đó, tâm lý người dân đã dần ổn định, không còn hoang mang khi xảy ra động đất. Đến nay, với người dân, động đất đã trở nên bình thường. Tuy vậy, chính quyền địa phương cũng luôn vận động, nhắc nhở người dân không được chủ quan mà luôn chủ động ứng phó.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết các trận động đất trong thời gian qua xảy ra liên tục. Rất may là các trận động đất có cường độ nhẹ và người dân đã chủ động ứng phó, có kiến thức từ trước nên không còn quá lo. Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân.
Chị Lê Thị Hà - trú thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông - khẳng định các trận động đất vừa qua chỉ xảy ra với cường độ nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân. Động đất xảy ra quá nhiều, nên với chị đã "thành thói quen" và cũng chỉ xem như "gió thoảng qua". Thậm chí, chị này còn ví von động đất là "đặc sản" của huyện Kon Plông.
Ai chưa từng biết, cảm nhận động đất thì hãy tìm đến huyện Kon Plông du lịch để được cảm nhận động đất như thế nào” - chị Lê Thị Hà tếu táo.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/song-giua-tam-dong-dat-20230715195848199.htm