Sông Hinh nỗ lực giảm nghèo bền vững
Mô hình nuôi dê giúp nhiều gia đình DTTS huyện Sông Hinh thoát nghèo. Ảnh: VĂN THÙY
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, huyện Sông Hinh đã đạt được những kết quả quan trọng, tỉ lệ hộ nghèo từng bước giảm.
Hiện nay, huyện Sông Hinh còn 1.521 hộ nghèo, chiếm 11%; 2.442 hộ cận nghèo, chiếm 17,6% tổng số hộ dân toàn huyện. Trong tổng số 1.521 hộ nghèo của huyện, hộ dân tộc thiểu số chiếm 78,5%.
Vươn lên để thoát nghèo
Nhà nghèo, không có vốn, thiếu đất sản xuất nên Hờ Diên ở buôn Bai, xã Ea Lâm hàng ngày phải bươn chải mọi việc để kiếm tiền nuôi con. Nỗ lực bao nhiêu năm nhưng cái khó vẫn bủa vây gia đình chị. Đầu năm 2023, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền xã, gia đình chị được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có tiền, Hờ Diên mua lại sào đất đồi và cải tạo thành ruộng lúa nước 2 vụ tại cánh đồng Trạm bơm Ea Lâm 2.
“Đây là điều mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi. Lần đầu tiên làm lúa nước, chưa có kinh nghiệm nên tôi học hỏi mọi người cách chăm sóc cho thật tốt. Nếu thuận lợi, ruộng lúa này sẽ cho thu hoạch từ 10-15 bao như người ta. Được vậy thì tôi mừng lắm, không lo thiếu đói nữa”, Hờ Diên thổ lộ.
Còn Ksor Đhăng ở buôn Bá, xã Ea Bá mấy năm trước đây từng là hộ nghèo trong buôn. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn mở mang kiến thức, học tập kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt. Từ những kiến thức đã học, với ý chí tự thân vươn lên, vợ chồng Đhăng mạnh dạn chuyển sang canh tác các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao như nuôi bò lai, nuôi dê, trồng sắn cao sản.
Ksor Đhăng cho biết, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của 2 vợ chồng rất khó khăn. Nhờ Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn, vợ chồng chịu khó làm lụng nên đời sống đã từng bước cải thiện. Hằng ngày, Ksor Đhăng tìm đến các bìa rẫy, bờ suối để hái lá cây về làm thức ăn cho dê. Chăm chút tỉ mỉ, từ vài con giống ban đầu, đàn dê không ngừng tăng lên, trở thành một trong những nguồn thu nhập ổn định của gia đình.
Ksor Đhăng chia sẻ: “Từ đàn dê này, mỗi năm tôi bán hơn chục con, trừ chi phí, lãi khoảng 20 triệu đồng, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định và ngày càng tốt hơn”.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trên địa bàn huyện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 47,9% dân số là người dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao… Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số của Sông Hinh đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp bà con có kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững.
Huy động mọi nguồn lực
Ông Nay Y Tôn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Hinh, cho biết: “Sắp tới trên địa bàn huyện có nhiều dự án được triển khai, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo, để các đối tượng nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Để các dự án đạt hiệu quả, chúng tôi đang hướng dẫn các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu của người dân, bảo đảm các dự án phù hợp với thực tế, phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện từng hộ gia đình”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép có hiệu quả, góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sông Hinh là huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của huyện lại càng nghèo hơn. Những ngày đầu khi địa phương bắt tay vào giảm nghèo cho vùng này gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân trí thấp… Nhưng nhờ người dân đồng lòng, chính quyền các cấp nỗ lực, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã thực sự thay đổi.
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND huyện Sông Hinh đã và đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thường xuyên tiếp cận để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân. Các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất giảm nghèo, chuyển đổi nghề nghiệp, đa dạng hóa sinh kế; tổ chức tốt các phiên giao dịch giới thiệu việc làm cho người dân; quan tâm xóa nhà tạm… “Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%. Đồng thời phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm”, ông Đinh Ngọc Dạn cho biết thêm.
Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%. Đồng thời phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/301141/song-hinh-no-luc-giam-ngheo-ben-vung.html