Sông Hồng là trục cảnh quan chủ đạo của đô thị Hà Nội
Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ lồng ghép, cụ thể hóa các quy định, định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam vào công tác quy hoạch.
Cụ thể hóa Luật Kiến trúc bằng nhiều việc cụ thể
Tại báo cáo triển khai thi hành Luật Kiến trúc và định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Xây dựng mới đây, TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP đã triển khai nhiều công việc cụ thể trên địa bàn nhằm thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Kiến trúc.
Cụ thể, TP Hà Nội đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức triển khai thực hiện theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong nhiều dự án đầu tư xây dựng.
Đồng thời, chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng cho kho dữ liệu TP. Đến nay, kho cơ sở dữ liệu số đã có khoảng 900 hồ sơ quy hoạch xây dựng, 26.000 bộ dữ liệu chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật. Các dữ liệu này là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác lập quy hoạch, tra cứu thông tin…
TP Hà Nội đã lập 39 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, tuy nhiên đến nay mới có 4 quy chế được phê duyệt, còn 35 quy chế đang đợi hướng dẫn của Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng).
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng tổ chức lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, rà soát lập hồ sơ các công trình biệt thự kiến trúc Pháp phải bảo tồn. Cùng đó, Hội đồng kiến trúc TP được thành lập và tổ chức thi tuyển ý tưởng phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo...
Tại khu vực đô thị trung tâm và các khu vực quan trọng, Hà Nội tăng cường tổ chức thi tuyển kiến trúc trong nước và quốc tế để tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng các công trình kiến trúc đẹp, có quy mô lớn, mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng của Thủ đô và quốc gia.
Bên cạnh các kết quả đã thực hiện, TP Hà Nội nêu một số vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật Kiến trúc và các nghị định liên quan. Từ đó, kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với Hà Nội chỉ lập 1 Quy chế quản lý kiến trúc phạm vi toàn bộ địa giới hành chính TP và có triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc các khu vực xác định là đô thị như đô thị vệ tinh, thị trấn, thị xã Sơn Tây hay không. Có tiếp tục lập Quy chế quản lý kiến trúc các quận nữa hay không (chuyển hóa từ Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các quận đang thực hiện, chưa ban hành)…
Thiết lập không gian đô thị hai bên sông Hồng
Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ lồng ghép, cụ thể hóa các quy định, định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam vào công tác quy hoạch (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng,… và đặc biệt là các quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn).
Trong đó, tại khu vực đô thị trung tâm và các khu vực quan trọng, TP sẽ tăng cường tổ chức thi tuyến kiến trúc trong nước, quốc tế để tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng các công trình kiến trúc đẹp, có quy mô lớn, mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng của Thủ đô và quốc gia.
TP sẽ tạo lập các hành lang xanh, không gian cây xanh... phục vụ các hoạt động công cộng đô thị. Bảo tồn và tận dụng các khu vực cảnh quan đẹp của TP, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện môi trường tự nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục khẳng định và thiết lập không gian đô thị hai bên sông Hồng, trong đó, sông Hồng là trục cảnh quan chủ đạo của đô thị Hà Nội nói chung và đô thị trung tâm nói riêng.
TP cũng duy trì, gìn giữ và khai thác phát triển cảnh quan dọc hai bên sông Nhuệ. Nghiên cứu hình thành các nêm xanh kết nối từ vùng xanh sông Đáy - sông Tích với vành đai xanh sông Nhuệ - sông Tô Lịch.
Duy trì, gìn giữ và khẳng định vành đai xanh để kiểm soát xu hướng phát triển lan tỏa của đô thị trung tâm với khu vực giáp ranh. Hình thành các trục động lực kết nối trung tâm TP về phía Tây và kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài về phía Bắc.
Tập trung kiểm soát phát triển khu vực nội đô, di chuyển các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo cấp đại học, cơ sở y tế, bệnh viện gây ô nhiễm, từng bước di chuyển công sở (không phục vụ trực tiếp cho người dân Thủ đô), dành quỹ đất này để phát triển hệ thống hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, công cộng, văn hóa, cây xanh...).
Khai thác, tổ chức hệ thống bãi đỗ xe tĩnh theo hướng hạ ngầm hoặc cao tầng kết hợp cây xanh vui chơi giải trí thể dục thể thao, phần còn lại khai thác phát triển các cơ sở lưu trú, thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch.
Việc cải tạo xây dựng lại các khu tập thể cũ, chung cư cũ sẽ theo hướng nâng cao tầng, giảm mật độ xây dựng, đảm bảo nâng cao điều kiện sống cho người dân, ưu tiên khai thác thêm quỹ đất, sàn cho hệ thống thương mại dịch vụ,…
TP sẽ ban hành các quy định, quy chế kiểm soát cho từng khu vực đặc thù như: khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh Hồ Tây, chung cư cũ, dọc những tuyến đường chính, dọc sông, hồ, làng xóm đô thị hóa…; quy định đặc kiểm soát bảo vệ, phát huy công trình kiến trúc có giá trị.
Giai đoạn tới, Hà Nội sẽ xây dựng, phát triển nông thôn theo mô hình “Nông thôn mới" trong đô thị đặc biệt, góp phần tạo ra hành lang xanh, môi trường sống tốt cho người dân Thủ đô. Thực hiện chiến lược “hiện đại hóa nông thôn Hà Nội để thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn. Khuyến khích bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống; thiết kế mẫu nhà ở nông thôn điển hình, xây dựng với mật độ thấp, đáp ứng tiện nghi và sinh hoạt hiện đại, thống nhất về ngôn ngữ kiến trúc, tiến tới mô hình nông thôn hiện đại có bản sắc trong vùng Thủ đô. Thể chế hóa để kiểm soát kiến trúc khu vực nông thôn, đặc biệt tại các khu vực làng có khu vực có ban sát độc trung về kiến trúc, có giá trị văn hóa, du lịch.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/song-hong-la-truc-canh-quan-chu-dao-cua-do-thi-ha-noi.html