Sống khổ trong vùng quy hoạch Làng Đại học Huế
Báo CAND trong các ngày 8, 9 và 10/7 có đăng vệt bài viết 3 kỳ 'Đau đầu tìm lối ra cho dự án nghìn tỷ… cù cưa', trong đó có phản ánh về dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam kéo dài gần 3 thập kỷ vẫn chưa xong… giai đoạn 1.
Sau khi đọc được bài viết kể trên, một số độc giả gọi điện đến Văn phòng đại diện Báo CAND tại miền Trung cho biết tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có một dự án tương tự như thế, đó là dự án Làng Đại học Huế. Dự án này kéo dài trong nhiều năm qua khiến người dân ở trong vùng quy hoạch (thuộc phường An Cựu và An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Nằm cách bến xe phía Nam TP Huế không xa, tuyến đường Hồ Đắc Di thuộc phường An Cựu, TP Huế được mở rộng khang trang, sạch đẹp và ngày càng có nhiều nhà cao tầng kiên cố, các cửa hàng kinh doanh mọc lên. Tuy nhiên dọc con đường này hiện vẫn còn hàng chục ngôi nhà tạm san sát nhau là nơi trú ngụ của nhiều gia đình nằm trong vùng quy hoạch Làng Đại học Huế. Cách trục đường chính chỉ 10m, suốt hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Hoàng Phước (SN 1971) và bà Nguyễn Thị Ngọc Dảnh (SN 1970, trú ở khu vực 4, tổ 7, phường An Cựu) vẫn phải tá túc trong căn nhà lợp mái tôn rộng khoảng 40m2. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông Phước đang lấy mấy tấm tôn mới để thay cho những tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ trên mái nhà.
“Sau năm 1990, vợ chồng tôi cùng các con chuyển về đây sinh sống và dựng nhà để ở. Ban đầu điều kiện gia đình còn khó khăn nên chúng tôi dựng nhà bằng trụ bê tông, tường và mái nhà lợp tôn. Sau đó tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch vùng này, trong đó có diện tích đất nhà ở của tôi và các hộ dân thuộc Làng đại học Huế. Từ đó đến nay, chúng tôi phải chịu cảnh sống tạm bợ khi nhà cửa không thể sửa chữa, cơi nới hoặc xây mới. Mấy hôm nay ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời mưa lớn khiến nhà bị dột khắp nơi nên tôi phải vá víu lại mái nhà để có chỗ ngủ”, ông Phước buồn bã trải lòng.
Tiếp lời chồng, bà Dảnh còn cho biết, vợ chồng bà chuyển về ở tại khu vực này từ lúc các con còn nhỏ. Đến nay, 6 người con của bà đã lớn, trong đó 2 người con đầu đã lập gia đình nhưng nhà cửa thì vẫn nằm trong vùng quy hoạch treo. “Các con đầu của tôi lập gia đình cả rồi nhưng không thể ra ở riêng được vì trong khu quy hoạch này cơ quan chức năng họ không cho làm gì cả. Từ việc sửa nhà, tách thửa đất… đều không làm được. Giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện thủ tục để di dời các hộ dân ở khu vực này đến nơi ở mới, hoặc không di dời được thì bố trí tái định cư tại chỗ để sớm ổn định cuộc sống”, bà Dảnh kể thêm.
Sát vách nhà bà Dảnh là ngôi nhà tạm xập xệ của bà Hoàng Thị Phương Đông (SN 1965) được dựng lên từ gần 30 năm trước và đến nay cũng trong tình cảnh “bị treo” không thể tu sửa. Hiện bà Đông đang sống với 4 người con, trong đó con trai đầu là anh Phạm Mẫn đã lập gia đình. “Dù dự án quy hoạch Làng Đại học Huế được triển khai hơn 20 năm qua nhưng đến nay, gia đình tôi và các hộ lân cận trong khu vực này chưa được đền bù để di dời, tái định cư. Trong khi một số hộ dân khác thì đã được di dời đến nơi ở mới. Chúng tôi ở đây rất khổ sở do nhà cửa xuống cấp, dột nát nhưng không thể tu sửa. Mỗi lần có bão lớn, chính quyền địa phương lại đến vận động và đưa các hộ dân ở đây vào tá túc tại nhà thi đấu của Khoa Giáo dục thể chất, Đại học Huế gần đó để đảm bảo an toàn”, anh Mẫn bày tỏ.
Qua tìm hiểu của PV Báo CAND được biết, khu quy hoạch Làng Đại học Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1998 có tổng diện tích 135ha tại phường An Cựu và An Tây, TP Huế. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Làng Đại học Huế với tổng diện tích 113,54ha. Vào thời điểm này, trong khu quy hoạch có khoảng 200 ngôi nhà và nhiều ngôi mộ cần di dời, giải tỏa. Nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo khu quy hoạch được phê duyệt, từ năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (TĐC) Đại học Huế. Dự án có diện tích hơn 13 ha tại phường An Tây, TP Huế với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, tổng diện tích thu hồi đất để phục vụ dự án Làng Đại học Huế khoảng 11ha, gồm đất nông nghiệp, đất nghĩa địa, đất ở và các loại đất khác. Đến nay, UBND TP Huế đã phê duyệt danh sách đền bù 949/951 ngôi mộ của người dân; phê duyệt toàn bộ các thửa đất nông nghiệp và các hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Riêng với đất ở, nhà ở, theo dự kiến ban đầu có 164 hộ dân ở phường An Cựu và phường An Tây, TP Huế bị thu hồi. Từ cuối năm 2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị (ĐTXD và PTĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế - đơn vị chủ đầu tư dự án đã thi công san nền, làm đường giao thông trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật TĐC Đại học Huế. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2023, dự án tạm dừng thi công cho đến nay để điều chỉnh quy hoạch khiến người dân lo lắng.
Ông Hà Xuân Hậu, Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD và PTĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay việc điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch khu TĐC Đại học Huế theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh vẫn chưa hoàn thành. Hiện chủ đầu tư đã lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến các Sở, ban ngành, chính quyền và người dân. Theo dự kiến ban đầu có 164 hộ dân có đất ở, nhà ở bị thu hồi. Tuy nhiên, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện điều chỉnh theo hướng không giải tỏa nhà ở, đất ở mà chỉ chỉnh trang cơ bản hiện trạng. Theo ông Hà Xuân Hậu, việc điều chỉnh quy hoạch khu TĐC Đại học Huế có thể đến cuối năm 2024 mới hoàn thành, năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai thi công trên thực địa.
Và trong khi dự án khu TĐC Đại học Huế đang được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện điều chỉnh, tạm dừng thi công thì nhiều hộ dân ở phường An Cựu và An Tây, TP Huế phải tiếp tục chịu đựng cảnh sống khổ sở, chờ đợi đến ngày thoát cảnh quy hoạch treo.