Song long quá hải - đôi rồng vượt biển lớn của võ cổ truyền Quảng Trị

Theo văn hóa phương Đông, rồng là con vật linh thiêng xếp đầu trong bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng), tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ, sự oai nghiêm, quyền uy và sức mạnh phi thường. Hình tượng con rồng cũng xuất hiện trong nhiều bài võ, binh khí độc đáo của võ thuật cổ truyền Việt Nam lưu truyền cho tới ngày nay và được xem là một phần không thể thiếu làm nên tinh hoa võ thuật dân tộc. Dựa trên hình tượng rồng làm chủ đạo và sự lĩnh hội, đổi mới, sáng tạo qua nhiều thế hệ, võ đường Mai Hãn Quảng Trị đã xây dựng nên bài quyền Song long quá hải- một bài quyền đặc sắc từng được nhiều võ sư biểu diễn và đạt thành tích cao tại các Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, đưa võ cổ truyền Quảng Trị vươn xa.

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm là người đã nâng tầm bài quyền Song long quá hải cho võ đường Mai Hãn - Ảnh: M.Đ

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm là người đã nâng tầm bài quyền Song long quá hải cho võ đường Mai Hãn - Ảnh: M.Đ

Lĩnh hội tinh hoa

Trải qua hơn 55 năm hình thành và phát triển, võ đường Mai Hãn (phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) đã khẳng định tên tuổi trong nền võ thuật Việt Nam với nhiều bài quyền mang đặc trưng riêng. Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, Chưởng môn võ đường Mai Hãn cho biết, võ đường lấy tên Mai Hãn từ hai địa danh lớn: non Mai, sông Hãn. Non Mai là núi Mai Lĩnh, một ngọn núi hùng vĩ ở chiến khu Ba Lòng; sông Hãn là sông Thạch Hãn, con sông gắn liền với lịch sử mảnh đất và con người Quảng Trị. Chính vì lẽ đó, ngoài việc gìn giữ và phát huy tinh hoa võ thuật dân tộc thì võ đường luôn chú trọng sáng tạo, đổi mới để xây dựng nên những bài quyền mang đậm bản sắc Mai Hãn Quảng Trị.

Từ xa xưa, hình tượng rồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo nên các bài võ nổi danh và lưu truyền cho đến hôm nay, như các bài quyền: Long hình quyền, Long hổ quyền, Xà quyền long hổ trảo, Thăng long quyền...; về binh khí có: Thanh long đao, Long phụng kiếm, Đồ long đao, Độc long kiếm pháp... Tùy theo khả năng lĩnh hội của các võ đường để đưa các bài quyền, binh khí đó vào ứng dụng và truyền bá cho các môn đồ. Với võ đường Mai Hãn Quảng Trị, các võ sư đã có sự tiếp nhận, lĩnh hội đầy đủ và có thêm nhiều sáng tạo nhằm tạo nét đặc trưng từ hình tượng rồng để xây dựng nên bài quyền Song long quá hải.

Bài quyền Song long quá hải (hai con rồng dũng mãnh vượt biển, trong thế tấn công) có 19 câu thiệu, gồm: long phụng triều dương; càn khôn lưỡng thủ; lướt thủy vượt đăng; nhập lâm tao diệp; ngọc nữ xuân thoa; tấn bộ thám mã; thối bộ khoa hổ; lưỡng thủ đáo đầu; hầu nhi bạt hổ; tiên ông chỉ lộ; tấn bộ tam giang; như phong tự bế; ngũ hổ trung vân; long hổ hiệp thân; xa luân song thủ; vĩ hổ bát hậu; tấn bộ cao thám mã; phản đáo long cung; kinh thân bái tổ. Để thể hiện đúng thần thái, sức uy dũng của đôi rồng vượt biển, người đánh bài quyền này phải có trình độ võ thuật cao. Trong các thế hệ võ sinh của võ đường Mai Hãn, chỉ có một số ít võ sư biểu diễn bài Song long quá hải đẹp mắt, ấn tượng như đúng hình tượng đôi rồng, vừa mạnh mẽ, uyển chuyển, linh hoạt, oai phong trong thế tấn công, vừa ứng dụng thực chiến cao.

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm và võ sư Trương Ngọc Phương dành nhiều tâm huyết để gìn giữ và quảng bá bài quyền Song long quá hải - Ảnh: MĐ

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm và võ sư Trương Ngọc Phương dành nhiều tâm huyết để gìn giữ và quảng bá bài quyền Song long quá hải - Ảnh: MĐ

Ông Nguyễn Quang Tâm kể lại: “Cách đây hơn 40 năm, lần đầu tiên thấy võ sư Trần Văn Hoa, võ đường Mai Hãn biểu diễn bài quyền Song long quá hải, tôi say mê ngắm nhìn không rời mắt và bày tỏ mong muốn được học bài quyền này. Tin tưởng vào khả năng của tôi, thầy Trần Văn Hoa đã chỉ dạy tất cả tinh hoa của bài quyền kèm theo lời nhắn nhủ tôi phải gìn giữ và phát huy bài võ này trở thành thế mạnh của võ đường.

Khoảng 2 tháng tập luyện và cố gắng không ngừng, tôi đã lĩnh hội đầy đủ bài Song long quá hải. Khi biểu diễn bài quyền này, tôi chủ động chuyển tải các hình thế của rồng qua từng động tác; tạo sự hợp nhất giữa người biểu diễn quyền cước với đặc tính di chuyển của rồng là linh hoạt được từ đáy biển tới không trung; nhãn pháp mang thần thái đôi mắt rồng, thân pháp uyển chuyển linh hoạt như rồng đang uốn lượn, thủ pháp như móng vuốt rồng trong thế tấn công đầy uy lực... Sau này, tôi cũng đã có nhiều sự thay đổi, chỉnh sửa từng động tác, thế đánh theo phong cách riêng của mình để nâng tầm bài quyền Song long quá hải”.

Khẳng định vị thế trong võ thuật cổ truyền

Nhiều thập kỷ trôi qua, trong dòng chảy của sự giao thoa nhiều môn phái, sự phát triển không ngừng của các môn võ hiện đại, bài quyền Song long quá hải vẫn được gìn giữ, lưu truyền và trở thành niềm tự hào của các thế hệ võ sinh võ đường Mai Hãn Quảng Trị. Qua đó, góp phần tạo dựng, khẳng định tên tuổi của võ đường trong võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Năm 2019, bài quyền Song long quá hải được võ đường Mai Hãn chọn tham gia Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 7 tại tỉnh Bình Định. Liên hoan quy tụ hơn 1.000 võ sư, võ sinh của 76 đoàn võ thuật đến từ 15 quốc gia. Võ đường Mai Hãn Quảng Trị xuất sắc giành được 1 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, trong đó, võ sư Ngọc Phương giành 1 HCV biểu diễn bài quyền Lão mai quyền và 1 HCB biểu diễn bài quyền Song long quá hải.

Võ sư Trương Ngọc Phương, người biểu diễn thành công bài quyền Song long quá hải tại nhiều liên hoan võ thuật trong và ngoài tỉnh cho biết, điểm nổi bật của bài quyền này là về thủ pháp với bộ tay long trảo có hình dạng như móng vuốt của rồng để đỡ, bắt, chụp điểm yếu của đối phương. Sức mạnh của bài quyền là sử dụng bàn tay tấn công nhanh, hiệu quả như móng vuốt rồng và những quả đấm dứt khoát, uy lực đi kèm tạo nên sức công phá mạnh mẽ. Các đòn chủ như chỏ xéo, chỏ lật đều rất hiểm hóc kết hợp với các thế đá bàn long cước (đá tống ngang bằng cạnh bàn chân, “bàn” là cuộn, “long” là rồng), long thăng cước (đá hất gót như rồng bay lên), đảo sơn cước (đá vòng cầu bằng lưng bàn chân với sức mạnh có thể lật được trái núi - hàm ý sức công phá của thế đá này), vĩ hổ bát hậu (đá để thấy được sức mạnh quẫy đuôi của con rồng- dùng chân đạp ngược về phía sau khi đối phương xông tới) và nhiều thế võ khác phỏng theo dáng vẻ của rồng. Để bài quyền chuyển tải đúng hình ảnh con rồng, đòi hỏi người biểu diễn phải thể hiện rõ hình dáng con vật này một cách sống động nhất.

Khi đánh phải có thần thái, nhập tâm rõ nét trên khuôn mặt, đôi mắt của rồng trong tưởng tượng như thế nào thì người đánh phải thể hiện như thế; thân pháp lanh lẹ, hùng dũng như rồng uốn khúc, vút bay lên trời xanh; tiến thoái vững chắc, di chuyển đúng chỗ, công và thủ nhịp nhàng; mỗi khi xuất đòn ra là phải có lực... Muốn đánh đúng tinh thần của bài quyền, bên cạnh nắm rõ các động tác còn cần có sự phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển trong các đòn thế bằng tay, chân sao cho dứt khoát.

Vì lấy hình ảnh đôi rồng vượt biển làm chủ đạo nên người đánh phải kết hợp với sự tinh tế trong xử lý từng động tác, đánh nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm, hơi thở phải đều, nhẹ, biết tạm nghỉ cho tới khi tung đòn cao trào thì bật mạnh ra phối hợp với sức đánh.

Tùy theo sự sáng tạo của mỗi võ sư, huấn luyện viên, vận động viên trong biểu diễn quyền cước, có thể tạo nên những đòn thế mạnh mẽ, uyển chuyển mang hình dáng rồng vừa có sự dũng mãnh, uy vũ, vừa có sự mềm dẻo, linh hoạt như khi lướt nhẹ trên mặt nước biển, rồi nhào lộn trên không và tung ra những thế tấn công oai phong, đẹp mắt hút hồn người xem.

Được xem Chưởng môn võ đường Mai Hãn Nguyễn Quang Tâm và võ sư Trương Ngọc Phương biểu diễn bài Song long quá hải trước thềm năm mới Giáp Thìn với thần thái dũng mãnh, oai phong của rồng được chuyển tải rõ nét, sinh động, chúng tôi như thấy trong mỗi người luồng sinh khí mạnh mẽ hơn, như ước vọng mong quê hương phát triển, giữ mãi dáng rồng bay lên...

Nguyễn Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/song-long-qua-hai-doi-rong-vuot-bien-lon-cua-vo-co-truyen-quang-tri/183373.htm