Sông Mã hoàn thành trồng rừng phòng hộ
Năm 2022, huyện Sông Mã phấn đấu trồng mới 147,7 ha rừng phòng hộ. Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch trồng rừng. Đến nay, huyện Sông Mã đã hoàn thành việc trồng rừng phòng hộ theo kế hoạch.
Ông Vũ Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Sông Mã, thông tin: Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, UBND các xã khảo sát thiết kế diện tích đất đủ điều kiện đưa vào thiết kế trồng rừng phòng hộ năm 2022 với tổng diện tích 147,7 ha, thuộc địa bàn 3 xã, gồm: Chiềng Phung 60 ha; Nậm Ty 67,24 ha và 20,46 ha ở xã Nậm Mằn. Đây là những địa phương, có người dân tham gia triển khai nhiều dự án trồng rừng, như: Dự án 661, Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, Dự án trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã. Do đó, rất thuận lợi cho việc tuyên truyền, quản lý bảo vệ, chăm sóc và nhất là người dân có kinh nghiệm trồng rừng từ các chương trình, dự án trước.
Công ty TNHH xây dựng Vũ Phong, thành phố Sơn La, là đơn vị được lựa chọn thực hiện việc trồng rừng phòng hộ tại huyện Sông Mã năm 2022. Ông Phạm Sơn Hà, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty đã cử cán bộ phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế chuẩn bị các điều kiện trồng rừng theo đúng kế hoạch. Để thuận lợi cho việc thi công trồng rừng cũng như rút ngắn thời gian di chuyển, Công ty thuê lao động địa phương thi công, đồng thời, xây dựng lán trại để ở và điều hành thi công trồng rừng; mở rộng đường mòn từ trung tâm bản đến khu vực trồng rừng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển cây giống; chọn thời tiết thuận lợi đưa cây giống lên địa điểm tập kết cây giống gần khu trồng rừng; sử dụng lưới đen che cây giống, đảm bảo cây giống khỏe trước khi đưa ra trồng tốt nhất.
Khảo sát thực tế, toàn bộ diện tích trồng rừng phòng hộ của huyện Sông Mã đều nằm trên đồi cao, có sương mù vào mùa đông. Do vậy, để trồng rừng hiệu quả, đơn vị tư vấn thiết kế lựa chọn giống thông mã vĩ đưa vào trồng. Cây thông mã vĩ đạt tiêu chuẩn đường kính gốc tối thiểu 3,5 mm, chiều cao tối thiểu đạt 40 cm, cây đạt 6 tháng tuổi, cây khỏe mạnh, lá xanh tốt mới được đưa vào trồng.
Đảm bảo tiến độ và chất lượng trồng rừng, Công ty TNHH xây dựng Vũ Phong thuê 40 lao động địa phương phát dọn thực bì, đào hố; cử 4 cán bộ kỹ thuật phụ trách các địa điểm trồng rừng. Anh Ngần Văn Thủy, cán bộ kỹ thuật của Công ty, cho biết: Chúng tôi phối hợp với đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát xác định khoảng cách, vị trí trồng; hướng dẫn, giám sát các lao động phát dọn thực bì, đào hố theo đúng quy cách. Trong đó, việc phát dọn thực bì được thực hiện thủ công, thực bì phát dọn được xếp gọn theo đường đồng mức; băng phát dọn theo đường đồng mức, trong khi phát để chừa lại cây tái sinh có triển vọng. Đối với hố trồng được đào theo kích thước 30 cm x 30 cm x 30 cm; hố cách hố 2,5m, hàng cách hàng 2,5m, trung bình đào 1.600 hố/ha.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, qua kiểm tra tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Ông Phạm Sơn Hà thông tin thêm: Sau khi hoàn thành trồng rừng, chúng tôi sẽ tiến hành chăm sóc 2 lần/năm, trồng dặm đối với diện tích cây chết. Đồng thời, chú trọng phòng, chống sâu bệnh, ngăn chặn người chặt phá và cấm chăn thả gia súc khi cây còn non; phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra cháy rừng, đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Việc chủ động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở Sông Mã không chỉ giúp những vùng đất hoang, bạc màu được phủ xanh, còn góp phần chống xói mòn, giữ vững nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, cải thiện môi trường sinh thái và nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/song-ma-hoan-thanh-trong-rung-phong-ho-54679