Sống mãi tinh thần 'Độc lập tự do hay là chết'!

'Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…'- câu hát hào hùng ấy luôn vang vọng mỗi độ thu về, gợi nhớ những ngày thu lịch sử 75 năm về trước - ngày đồng bào Nam Bộ đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí kháng chiến, bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Ký ức về những ngày tháng rực lửa, đầy khí thế cách mạng ấy vẫn được lưu truyền và tiếp nối cho đến hôm nay.

“Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”- câu hát hào hùng ấy luôn vang vọng mỗi độ thu về, gợi nhớ những ngày thu lịch sử 75 năm về trước - ngày đồng bào Nam Bộ đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí kháng chiến, bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Ký ức về những ngày tháng rực lửa, đầy khí thế cách mạng ấy vẫn được lưu truyền và tiếp nối cho đến hôm nay.

1 Theo chân anh cán bộ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm ông Trương Thành Hỷ, một trong những chứng nhân lịch sử hiếm hoi còn sống, để nghe ông kể về những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Đã bước qua tuổi 96, ông Hỷ, người dân vẫn gọi gần gũi với cái tên là ông Hai, vẫn còn khá minh mẫn. Khi được hỏi về ngày mùa thu lịch sử 23-9-1945, ông Hỷ nhớ rất rõ không khí sôi sục của người dân Hóc Môn khi ấy, sẵn sàng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Ông kể, ngày đó, ông chỉ mới 21 tuổi, là Bí thư Thanh niên Cứu quốc quận Hóc Môn. Sau Tổng khởi nghĩa thành công, tinh thần người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nhất là người dân Hóc Môn dâng cao hơn bao giờ hết. Nên khi biết thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, sau khi đồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát lời kêu gọi: “Độc lập tự do hay là chết”, người dân Hóc Môn đều bừng bừng khí thế, sẵn sàng đứng lên đánh trả quân xâm lược. Ông Hỷ và một nhóm thanh niên cứu quốc được giao nhiệm vụ trinh sát. Mỗi ngày, ông và các đồng đội đạp xe vào nội ô Sài Gòn để nắm bắt tình hình, sau đó về báo cáo lại với cấp trên. “Lúc đó, chỉ trừ con nít, còn lại thanh niên, phụ nữ đều hăng hái làm nhiệm vụ của mình để chi viện, hỗ trợ cho các mặt trận”- ông Hỷ nhớ lại.

Bắt đầu từ ngày 23-9, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đồng loạt tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt, chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn bị phá. Mọi thứ vật dụng như giường tủ, bàn ghế, quầy hàng, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ… được quăng ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước tiến của quân địch. Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Ngay ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu chống trả anh dũng của quân dân ta ở Dinh Đốc lý (nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh), ở đường Verdun, ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành… gây cho địch rất nhiều thiệt hại. Đặc biệt là trận chiến đấu của một tiểu đội vũ trang bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đánh trả một đại đội lính Anh, đã hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ lá cờ Tổ quốc, trở thành tấm gương oanh liệt cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân ta. Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã chỉ đạo các đơn vị vũ trang kìm chân địch trong một thời gian, không cho chúng mở rộng ra khỏi thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng sơ tán về nông thôn. Đảng bộ các tỉnh phụ cận có nhiệm vụ khẩn trương tổ chức lực lượng chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiều đoàn quân cách mạng từ các vùng nông thôn tiếp giáp đã tiến về Sài Gòn.

2 Nhớ về những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã thành lập bốn mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Mặt trận số 1 (hay mặt trận phía đông) trải dài từ cầu Thị Nghè đến cầu Mac Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), do Nguyễn Đình Thâu chỉ huy. Mặt trận số 2 (hay mặt trận phía bắc) ở vùng Bà Điểm - Hóc Môn, chốt chặn cầu Tham Lương trên quốc lộ số 1, do Nguyễn Văn Tư (Chủ tịch UB Kháng chiến Sài Gòn- Chợ Lớn) chỉ huy. Mặt trận số 3 (hay mặt trận phía tây) ở vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, do Trần Văn Giàu (về sau do Nguyễn Lưu thay) chỉ huy. Và cuối cùng là mặt trận số 4 (hay mặt trận phía nam) trải dài từ Thủ Thiêm qua Nhà Bè đến Cần Giuộc, do Nguyễn Văn Trân (về sau Dương Văn Dương thay) chỉ huy. Chiến sĩ các mặt trận tiền tuyến một mặt chốt giữ các cầu chính nhằm bao vây địch trong nội thành, mặt khác tung các đơn vị vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội xung kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của địch, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch rồi nhanh chóng rút ra ngoại thành. Cuốn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến tập 1 (1945 - 1954) đã ghi lại lời một nhà báo có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu kháng chiến nói về chiến thuật của quân ta như sau: “Dân quân đã bắt đầu dùng chiến thuật du kích, lúc ẩn khi hiện, đột nhập thình lình để phá hoại chớp nhoáng và lập tức rút lui trong im lặng. Người ta có thể ví lối đánh này là một chiến thuật xuất quỷ nhập thần. Chẳng những thường dân Pháp phải kinh sợ ngày đêm, bởi không thể đoán được Việt quân sẽ xuất hiện giờ nào và chỗ nào, mà cả đến quân đội Pháp, Anh - Ấn cũng không thể ngăn ngừa được”.

Ông Trương Thành Hỷ hồi tưởng về những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Ông Trương Thành Hỷ hồi tưởng về những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tán thành và kêu gọi cả nước hỗ trợ. Ngày 24-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ… Đồng bào phải cương quyết giữ vững lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày Độc lập”. Chính phủ Trung ương nhắc nhở cán bộ lãnh đạo ở Nam Bộ: “… Làm sao giữ gìn được lực lượng quân sự và chính trị, đồng thời chứng tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không chịu ách nô lệ một lần nữa”. Chính phủ Trung ương kêu gọi đồng bào: “Phải đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một, dũng cảm, thận trọng, thật kiên quyết… để đưa cuộc giải phóng của chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng”. (Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, 1930 - 1975).

Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào ủng hộ kháng chiến Nam Bộ. Khắp nơi nhân dân tổ chức mít-tinh, biểu tình, biểu thị sự phẫn nộ và quyết tâm kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc. Khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đều có Phòng Nam Bộ để ghi tên những người tình nguyện vào nam giết giặc. Các đội quân Nam tiến được khẩn trương thành lập. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú, những vũ khí và đồ trang bị tốt lúc bấy giờ đều được dành cho bộ đội Nam tiến. Các chi đội Nam tiến đã vào đến chiến trường kịp thời, đặc biệt góp thêm sức mạnh về tinh thần và bổ sung cán bộ, chiến sĩ cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ.

Pháp lui thì Mỹ đến. Nhân dân Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” lại tiếp tục trở thành tiền tuyến lớn chống giặc ngoại xâm, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, “cùng cả nước” làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc; góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

3 75 năm đã trôi qua, nhưng ký ức và niềm tự hào về tinh thần, ý chí yêu nước, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì nền độc lập của đất nước của những thế hệ người dân Nam Bộ vẫn luôn được lưu giữ, bồi đắp và tiếp nối. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh cũng đã đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Phát biểu trong buổi Họp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ “vì cả nước, cùng cả nước” .

BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/song-mai-tinh-than-doc-lap-tu-do-hay-la-chet--618118/