'Sống mòn' 24 năm trong nhà quan tài, lồng sắt ở Hong Kong

Người dân Hong Kong (Trung Quốc) đã quen với những căn nhà hộp giày rộng bằng chiếc giường đơn, vừa đủ cao để ngồi thẳng hoặc nhà lồng được ngăn cách bằng tấm lưới sắt cũ kỹ.

Lai Shan Sze leo lên cầu thang đầy rêu mốc, đi sâu vào hành lang tối tăm thuộc khối chung cư ở quận Mong Kok (Hong Kong, Trung Quốc). Nhân viên công tác xã hội gõ cửa ngôi nhà, đi luồn qua lối đi chật hẹp và căn bếp được lát gạch tàu. Một bà lão đứng đợi cô ở cuối con đường, bên cạnh chiếc tủ gỗ dán đầy tên người. Chiếc tủ đó là tổ hợp “nhà quan tài” nổi tiếng ở Hong Kong, có hàng chục người đang sống bên trong.

Sze là phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng Hong Kong (SOCO). Cô đến kiểm tra thông tin cư trú và khảo sát tình trạng sống của người dân trong nhà quan tài.

Hong Kong vốn nổi tiếng với căn hộ chật chội, tí hon, còn gọi là “nhà hộp giày” hay “nhà quan tài”. Giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương liên tục ban hành chính sách cải cách nhà ở và yêu cầu từng khu vực hoàn thành trong cuối năm 2026.

Tuy nhiên, chuyên gia của Guardian dán nhãn các chính sách “thiếu tham vọng, không thể giải quyết nhu cầu cốt lõi của người dân”. Đồng thời, hoạt động này có nguy cơ giảm nguồn cung nhà trong khi công tác xây dựng nhà cộng đồng không hiệu quả.

 Nhân viên công tác xã hội Lai Shan Sze nói chuyện với ông Lau, người dành hơn 10 năm sống trong nhà quan tài của Hong Kong. Ảnh: Guardian.

Nhân viên công tác xã hội Lai Shan Sze nói chuyện với ông Lau, người dành hơn 10 năm sống trong nhà quan tài của Hong Kong. Ảnh: Guardian.

Nhà rộng 8 m2

Có ba loại không gian sống ám ảnh ở Hong Kong bao gồm: nhà ở phổ thông có kích thước trung bình 13 m2, dành cho cặp đôi hoặc gia đình nhỏ; “nhà quan tài” với kích thước ngang với một chiếc giường đơn, chỉ đủ cao để ngồi; “nhà lồng” có kích thước tương tự nhà quan tài nhưng được ngăn cách bằng dây thép.

Ông Lau đã sống trong nhà quan tài hơn 10 năm. “Nhà” của ông gần cửa sổ và có thể nhìn xuống đường phố. “Không có gì phải phàn nàn”, ông nói.

Lau cho biết ngôi nhà hiện tại phù hợp với mức sống của công nhân vệ sinh đường phố. Ông sợ phải sống một mình trong nhà cộng đồng. “Chỉ cần đóng cửa lại là tôi có thể đi ngủ”, ông nói trong khi nằm nghiêng trên giường.

“Cũng có vài vấn đề phát sinh, quá nhiều người thì phức tạp”, ông nói thêm khi bị hàng xóm yêu cầu giữ im lặng lúc trao đổi với Sze và phóng viên.

Nhà lồng có kích thước tương tự nhà quan tài nhưng chủ nhà sử dụng lưới sắt để ngăn cách người cho thuê. Ảnh: Guardian.

Nhà lồng có kích thước tương tự nhà quan tài nhưng chủ nhà sử dụng lưới sắt để ngăn cách người cho thuê. Ảnh: Guardian.

Nhà lồng rộng tương đương một chiếc giường đơn, chủ nhà giăng lên từng tấm lưới sắt để ngăn cách người thuê nhà. Loại nhà này giảm đáng kể trong năm 2024 nhưng vẫn còn hơn 200.000 người đang sống bên trong.

Giá thuê nhà lồng cũng đắt đỏ nếu tính theo trung bình m2. Đây là nguồn thu nhập béo bở với những người sở hữu bất động sản ở Hong Kong. Thành phố này được đánh giá là tệ nhất thế giới về khả năng cung cấp nhà ở cho người dân, theo Guardian.

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Hong Kong gặp áp lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng nhà ở. Hàng loạt biện pháp được đưa ra như quy định diện tích sàn tối thiểu 8 m2 đối với nhà cho thuê, yêu cầu có nhà vệ sinh độc lập, ít nhất 1 cửa sổ và đảm bảo an toàn cháy nổ. Mọi đơn vị kinh doanh phải đăng ký với chính quyền và nhận kiểm tra thường xuyên từ cuối năm 2026. Những căn hộ đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được gọi là “đơn vị nhà ở cơ bản”.

Guardian dẫn lời nhiều chuyên gia chỉ trích chính sách của thành phố, cho rằng tiêu chuẩn mới chỉ nhiều hơn 1 m2 so với diện tích trung bình của phòng giam, không có tác động với những căn hộ phổ thông. Ước tính, 50.000 trẻ em sống trong các căn hộ tương tự. Khoảng 1/3 số căn hộ này có tình trạng dưới chuẩn an toàn và cần được cải tạo.

Cơ quan nhà ở địa phương cho biết chính sách áp dụng số m2 tối thiểu dựa trên số người thuê căn hộ là “bất khả thi”. “Các gia đình trong căn hộ phổ thông không yêu cầu cao về diện tích tối thiểu hay chất lượng, miễn là giá thuê thấp”, người phát ngôn của cơ quan cho biết.

 Một "đơn vị nhà ở cơ bản" ở Hong Kong vào cuối năm 2026 sẽ có diện tích tối thiểu 8 m2, cửa sổ và nhà vệ sinh riêng. Ảnh: Guardian.

Một "đơn vị nhà ở cơ bản" ở Hong Kong vào cuối năm 2026 sẽ có diện tích tối thiểu 8 m2, cửa sổ và nhà vệ sinh riêng. Ảnh: Guardian.

Chủ nhà hờ hững

Trong tòa nhà khác ở Mong Kok, Sze đến thăm Lai Shan, người đàn ông lớn tuổi chuẩn bị chuyển ra khỏi căn hộ phổ thông vì “trần nhà đang rơi xuống”. Ông khoe căn phòng trống bản thân sắp chuyển đến đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, có nhà vệ sinh lẫn bếp riêng.

Quy định mới không tác động đến nhà quan tài và nhà lồng Hong Kong. Lãnh đạo khu vực, John Lee, cho biết hai loại nhà này được quản lý bằng sắc lệnh cụ thể. Lee nhanh chóng bị chỉ trích vì sắc lệnh gần nhất được ban hành vào 30 năm trước, yêu cầu chủ nhà có cơ sở cho thuê 12 giường trở lên phải đăng ký với chính quyền. Quy định này rất dễ “luồn lách”.

Cơ quan nhà ở Hong Kong cho biết họ sẽ “tăng cường” quản lý luật về nhà lồng trong khu vực. “Chủ nhà hờ hững với việc đăng ký nhà cho thuê hay có bao nhiêu người sống bên trong”, Sze khẳng định.

Không ít người lo ngại cải thiện chất lượng nhà ở sẽ ảnh hưởng giá cho thuê. “Khi họ nâng cấp nhà, họ sẽ muốn lấy lại nhiều tiền hơn”, Michael Tien, chính trị gia Hong Kong với quan điểm giới hạn giá trần khi thuê nhà, cho biết. Trung bình, một căn nhà quan tài ở Hong Kong có giá khoảng 380 USD/tháng.

 Coco (70 tuổi) đã dành 24 năm sống trong nhà quan tài và không mấy hy vọng vào chính sách mới của chính quyền địa phương. Ảnh: Guardian.

Coco (70 tuổi) đã dành 24 năm sống trong nhà quan tài và không mấy hy vọng vào chính sách mới của chính quyền địa phương. Ảnh: Guardian.

“Nếu chính quyền địa phương không có đủ nhà cộng động hay chính sách tái định cư hiệu quả, vấn đề khác sẽ phát sinh”, Sze cảnh báo. “Điều này có thể gia tăng số người vô gia cư hay cư trú bất hợp pháp trong khu vực”.

Chính quyền Hong Kong cho biết 308.000 nhà cộng đồng đã được xây dựng ở khu vực. Nhiều cải cách mới sắp được ban hành, gồm cam kết xây dựng 43.600 nhà cộng đồng mới, tăng số nhà ở lên 190.000 đơn vị trước năm 2030. Hiện có hơn 200.000 người nộp đơn xếp hàng để sống ở nhà cộng đồng sắp được xây dựng.

Rất ít người chia sẻ với phóng viên thể hiện thái độ lạc quan. Coco, người đã dành 24 năm sống trong nhà phổ thông, cho biết: “Chính quyền muốn cải tạo những ngôi nhà để chúng có cửa sổ nhưng chủ nhà không thể làm vì tốn tiền, bất khả thi”.

Đông Tùng

Ảnh: Guardian.

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/song-mon-24-nam-trong-nha-quan-tai-long-sat-o-hong-kong-post1522308.html