Sống Mười Điều Lành – Phần 5
Theo luật nhân quả, người nào dùng lời nói ác độc, thề thốt, đó là tự hại mình mà không biết, tưởng là nói như vậy là làm cho người ta sợ và bái phục.
FacebookEmail
ĐIỀU LÀNH THỨ BẢY: KHÔNG NÊN NÓI LỜI HUNG ÁC
Nói lời hung ác là nói ác cho kẻ khác, nói người ta hung dữ, phao phản người, luôn luôn bươi móc việc xấu của người. Người nói những lời hung ác là người tánh tình cọc cằn, thô lỗ, thường hay mắng nhiếc, nguyền rủa, hoặc thề thốt nói những lời độc địa, khiến cho mọi người nghe thấy sợ hãi. Với tánh tình như vậy, họ là những người không biết sửa sai nên tánh nào tật nấy; họ không biết hổ thẹn, xấu hổ, chỉ biết lấn áp người khác làm cho mọi người đều phải qui phục, đều ở dưới tay; họ bảo sao thì làm theo không được chống trái. Họ tìm mọi cách để diệt những người trên “cơ” họ.
Theo luật nhân quả, người nào dùng lời nói ác độc, thề thốt, đó là tự hại mình mà không biết, tưởng là nói như vậy là làm cho người ta sợ và bái phục.
Ví dụ:
1- “Tôi có nói gian cho tôi chết đi!”
2- “Kẻ nào nói gian cho tôi thì Trời đánh cho nó chết đi”
3- “Tôi có nói như vậy ra đường sẽ bị xe cán chết”
Trên đây là những lời thề thốt mà những người hung dữ thường hay nói.
Người không nói lời hung ác là người biết dùng ái ngữ, lời nói ngọt ngào, nhẹ nhàng êm dịu, nên tục ngữ Việt Nam có câu: “Nói ngọt, lọt đến xương”, hoặc:
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Người không nói lời hung ác là những người thường nói lời ôn tồn, nhã nhặn, hàm chứa một tâm hồn đầy nhân ái, tha thứ, bao dung. Kinh Mười Điều Lành dạy rằng: “Kẻ nào không nói lời hung dữ sẽ được TÁM MÓN CÔNG ĐỨC”:
Không nói sai pháp;
Nói ra lời nào cũng có ích lợi;
Nói lời nào cũng đúng chân lý;
Lời nói nào cũng khôn khéo;
Nói điều chi ai cũng vâng theo;
Lời nói nào thốt ra cũng được người ta tin dùng;
Nói điều chi cũng không có ai chê bai;
Nói ra lời nào cũng được yêu mến.
NÓI LỜI HUNG ÁC là những người hung dữ, chớ những người hiền lành thì không bao giờ nói lời hung ác. Cho nên, khi chúng ta tiếp xúc với mọi người thì người nói lời hung ác dễ nhận thấy nhất, chỉ một lúc là lời nói phách lối có vẻ “Ta đây”, khiến ai cũng không ưa thích.
LỜI HUNG ÁC có nhiều loại:
Lời chửi mắng
Lời thề thốt
Lời nói xấu người khác
Lời chê bai người khác
Lời nói tục tĩu
Lời nói đâm thọc
Lời nói chửi thề
Lời nói dối
Lời nói thêu dệt
Lời nói tráo trở
Lời nói nạt nộ
Lời nói vu khống
Lời nói nịnh hót
ĐIỀU LÀNH THỨ TÁM: KHÔNG NÊN THAM LAM
Cái gốc sanh tử luân hồi là lòng dục, tức là lòng ham muốn. Lòng ham muốn có năm món dục lạc. Năm món dục lạc gồm có như sau:
TÀI là tiền của, tài sản
SẮC là sắc đẹp phụ nữ
DANH là danh vọng quyền cao chức tước
THỰC là ăn uống
THÙY là ngủ nghỉ
Con người trong thế gian không ai tránh khỏi năm món dục lạc này. Cho nên, con người ví như là những tay sai của nó. Khi nó không sai thì thôi, chớ nó sai bảo thì không có người nào không làm. Vì thế tham muốn, mong cầu được toại nguyện thì sanh tâm vui mừng, hớn hở, còn ngược lại thì buồn khổ, sầu não.
Lòng THAM MUỐN TIỀN TÀI của con người thì vô tận, nó là cái túi không đáy, có một thì muốn được mười, có mười thì muốn được trăm, cho nên nó chẳng bao giờ thấy đủ.
Thế nên cả đời phải chịu nhọc nhằn, lao khổ, không bao giờ có những phút nghỉ ngơi ngồi chơi thoải mái. Nhưng người ta khéo lý luận để che đậy, và nói rằng cố ráng làm để sau này được sung sướng. Vậy mà cả đời chẳng thấy sung sướng phút nào cả. Dù cho của cải có chứa đầy nhà, nhưng lòng tham của con người không bao giờ thấy đầy đủ. Biết đủ thì thấy đủ, chờ cho đủ thì biết đến bao giờ mới đủ. “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc”, người xưa dạy như vậy.
Trên đây là lòng tham tiền tài vật chất, còn dưới đây là lòng THAM SẮC ĐẸP. Tham sắc đẹp thì làm hao phí nhiều tiền bạc, còn sức khỏe và tinh thần thì suy nhược.
Biết rõ như vậy, nhưng những người say mê sắc dục, cả đời chạy theo bóng dáng hình hài phụ nữ, bỏ phế gia cang, làm gia đình tan nát. Cho nên ca dao có câu: “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”.
Muốn trừ tâm tham sắc dục thì cứ nhìn lại thân mình và thân người khác, từ lúc còn trẻ con bé bỏng cho đến bây giờ là một người già yếu mặt nhăn, tóc bạc, răng rụng, đi đứng thì run rẩy, thì thử hỏi sức khỏe còn đâu mà tham sắc dục. Đó là những sự đổi thay “vô thường” của cơ thể. Khi chúng ta quán xét như vậy, thì sắc dục còn có nghĩa lý gì sai khiến chúng ta.
Bây giờ chúng ta nên quán xét cái thân này chứa NHIỀU THỨ BẤT TỊNH, mà đức Phật gọi là cái đãy da hôi thối như: nước miếng, đờm, dãi, ghèn, cứt ráy, phân, nước tiểu, mồ hôi, v.v… Nếu quán xét như vậy chưa đủ sức diệt trừ tâm sắc dục, thì nên quán cửu tưởng như: quán tử thi sình thối, quán giòi bọ rút rỉa, quán chó sói, kền kền đến cắn xé thịt, v.v… Và con người chỉ còn là bộ xương, nhưng cuối cùng tất cả các xương ấy cũng rã tan, một cơn gió thổi là lớp bụi trắng tung bay, không còn lại dấu vết gì nữa cả.
Tóm lại, THAM TIỀN BẠC thì phải đọa đày thân xác, lao động vất vả, đầu tắt mặt tối, ban ngày làm không đủ, tranh thủ làm ban đêm, có khi làm luôn cả ngày cuối tuần. Nhất là những người làm thương mại, ăn không ngon, ngủ không yên, suy tư tính toán đủ điều, sợ người ta giành mất phần lợi của mình. Nhiều người được nghỉ lễ, nghỉ phép mà vẫn mang điện thoại theo trong mình để tiện việc liên lạc, nghĩa là cũng chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi thanh thản.
Người không ham muốn có nhiều tiền, của cải tài sản là người ít muốn biết đủ, nên được thảnh thơi an nhàn. Người càng có nhiều nhu cầu cho cuộc sống thì càng khổ cực xác thân. Người tu hành ăn uống đơn giản không đòi hỏi ngon dở, chỉ ăn để sống một lần trong ngày là thanh thản, an lạc, vô sự.
Làm người muốn an nhàn, thanh thản thì nên tập ăn cái gì cũng được, miễn ăn để sống là được, còn ngủ ở đâu cũng được, không cần phải ở nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, hoặc phải ăn cơm nhà hàng.
Người tu sĩ Phật giáo chân chính ngày xưa chỉ có ba y một bát, đi xin ăn; ai cho gì ăn nấy. Ngủ thì ngủ dưới gốc cây, và cũng rày đây mai đó, không bao giờ ở mãi một chỗ, đó là tránh sự quyến luyến nơi mình đang ở.
Còn HAM DANH VỌNG quyền cao, tước trọng thì phải chịu khó vào luồn ra cúi, đút lót hối lộ mà vẫn nơm nớp lo sợ ngày nào đó sẽ có kẻ khác vào lấy mất ghế (chức vụ) của mình. Tục ngữ ta có câu: “Càng cao danh vọng, càng dày gian nan”. Đệ tử Phật không màng quyền cao chức trọng, không hãnh diện khi làm Quốc sư, hoặc giữ chức vụ then chốt trong Giáo hội, và (70) cũng không chờ đợi ngày được tấn phong Hòa thượng, Thượng tọa. Người cư sĩ mà bận rộn quá nhiều thì không có thì giờ lo cho thân mình, còn thì giờ đâu mà vui chơi với gia đình, vợ con. Đối với người ấy thì tu hành là một điều vô cùng khó khăn. Có phật tử đến phân bua cùng với Thầy trụ trì: “Bạch thầy, con cũng muốn tu lắm. Con thấy không khí ở chùa trang nghiêm thanh tịnh, con thích lắm. Nhưng mà công chuyện làm ăn khiến con không thể bỏ được, dù một ngày cũng không được; buông tay ra là công việc sẽ bế tắc. Con sẽ ráng thu xếp, chừng vài năm nữa thì con có thể đào tạo một số cán bộ nòng cốt…”.
THAM ĂN UỐNG món ngon, vật lạ như: rắn, rùa, ba ba, cua đinh… là hành hạ thân xác, khiến cho thân mắc phải những chứng bệnh nan y. Báo chí có đăng tin tức: Có nhiều người ăn cá mà bị ngộ độc. Nhiều nhà hàng trên thế giới, thỉnh thoảng cũng mua phải những hải sản mang bệnh khiến cho thực khách bị ngộ độc hàng loạt, phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Những người “ham ăn, hốt uống” thì sẽ bị bội thực, trúng thực; bắt bao tử, gan, thận làm việc quá nhiều, không có thì giờ ngừng nghỉ, dễ mắc bệnh tiêu hóa, thận và tim mạch.
Người cư sĩ dù chưa trường chay, cũng ráng cố gắng giữ một số ngày chay định kỳ trong tháng. Ăn chay chẳng những thể hiện tình thương đối với loài vật, mà còn có ích lợi thực tế cho bản thân. Thức ăn thực vật dễ tiêu hóa hơn thức ăn động vật. Đó là chưa kể trong thịt của loài vật, kể cả các loài cá, có mang sẵn mầm bệnh. Loài vật trước khi bị giết, nó đau đớn khổ sở, đem lòng thù hận. Nếu ta ăn thịt chúng thì bản thân ta cũng bị ảnh hưởng.
THAM NGỦ, ngủ nhiều, ngủ sớm, dậy trễ, thân thể lười biếng sinh ra bệnh béo phì. Ngủ nhiều thì trí tuệ tối tăm, con người trở thành biếng nhác, ít chủ động được mình, ý chí dường như không có. Người như thế dần dần trở thành kẻ ăn bám xã hội, giống như loài cây chùm gởi mà thôi.
Muốn chiến thắng sự ham muốn dục lạc ở thế gian thì phải có sức quán thông suốt và trí tuệ minh mẫn, mới mong thành tựu HẠNH THIỂU DỤC. Nhờ đó mà chúng ta có thể sống một cuộc đời tự túc, đơn giản, thanh tao và an nhàn. Ý thức rõ sự tai hại của tâm dục lạc và lợi ích thiết thực của tâm ly dục, ly bất thiện pháp là con đường dẫn đến Sơ Thiền, ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để khắc phục tâm tham dục lạc và làm chủ những hoàn cảnh, đối tượng đầy cạm bẫy cám dỗ bao quanh chúng ta. Có được như vậy thì cuộc sống của chúng ta mới được an nhàn. Đây là một cuộc cách mạng tư tưởng, giúp cho chúng ta thoát khỏi cảnh nghèo đói, đau khổ.
Khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc cho rằng: Nếu các nước tư bản giàu sang mà không phí phạm (thức ăn thừa mứa đem đổ bỏ), từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, thì số lượng thực phẩm ấy cũng đủ nuôi sống dân nghèo đói ở Á, Phi.
Tu tập diệt trừ tâm tham dục thế gian không có nghĩa là cuộc sống chúng ta mất đi, hay là sống như một người chán đời.
Cho nên, không tham dục nghĩa là không tham đắm, không dính mắc, chớ không phải đem quăng hết tài sản của cải, hoặc làm biếng, không chịu làm ăn sanh sống như mọi người.
Nên nhớ sự sống là trả nghiệp, chớ không phải là sự tham đắm, si mê về dục lạc. Kinh Mười Điều Lành dạy rằng: “Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được NĂM MÓN CÔNG ĐỨC tự tại”:
Ba nghiệp: thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhân các căn được đầy đủ;
Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được;
Phước đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý;
Ngôi vua tự tại, vì các của cải quý báu đều được người đem đến dâng hiến;
Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.
Người đệ tử Phật chẳng những từ bỏ tật tham lam, mà còn hành hạnh bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả, buông bỏ; không chất chứa tài sản của cải, mà còn chia sẻ cho người nghèo khổ, bất hạnh; không màng công danh, phú quí, không bận tâm tranh danh đoạt lợi. Hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, dạo chơi thanh thản, giấc ngủ an lành, ít bệnh, ít khổ.
Người có nhiều tài sản, của cải, danh lợi, thì sẽ mệt mỏi nhiều, và sẽ đi chậm hơn những người có ít tài sản trên hành trình về xứ Phật, tức là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
ĐIỀU LÀNH THỨ CHÍN: KHÔNG NÊN SÂN HẬN
Người tu theo Phật giáo phải thực hành cho kỳ được tâm không hờn giận. Đứng trước các đối tượng ta phải cố tránh đừng để mọi sự, mọi việc xảy ra sự tranh chấp ác pháp khiến cho chúng ta phải sân hận. Khi gặp cảnh dễ sân thì phải luôn luôn giữ sắc mặt bình thường, nghĩa là nếu sắc mặt đang vui vẻ, gặp điều nghịch ý bỗng nhiên thay đổi, cau có, đỏ gay thì đó không phải là người tu. Người tu MƯỜI ĐIỀU LÀNH lúc nào cũng giữ tánh nết hiền hòa, đừng để nổi cơn hung ác. Kinh dạy: “Một niệm sân tâm nổi lên thì trăm ngàn tai họa đến” (Nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai). Người xưa cũng nói: “Hãy dằn tâm giận xuống, chỉ trong một giây mà thôi, (75) để rồi khỏi sợ cả trăm ngày”, hoặc là: “Một đốm lửa sân cháy tiêu cả rừng công đức”.
Nếu không dằn được cơn nóng giận, ta có thể nói hoặc hành động sơ hở, mà khi bình tĩnh ta sẽ thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Từ một chuyện nhỏ không quan trọng, hoặc hiểu lầm, người ta có thể biến nó thành chuyện lớn. Như hai vợ chồng là bạn đạo trong nhóm tu học tại chùa, thấy ông chồng có vẻ săn đón một chị bạn trong nhóm, bà vợ nổi ghen, thế là vợ chồng có chuyện cãi nhau, thành to chuyện, và sau đó thì họ không tu nữa, không đi chùa, không theo Ban Hộ Niệm[2]. Nếu không có thầy và bạn can thiệp thì họ sẽ dẹp luôn bàn thờ Phật trong nhà! Đó là chưa kể có nhiều trường hợp sân hận nổi lên, người ta có thể tự tử hoặc gây án mạng, tạo cảnh tù tội chung thân.
Bởi vậy, người tu hành phải ý thức sự sân hận là một tai họa lớn. Nó làm mất đi sắc tướng của người tu (tăng tướng), và mất lòng nhân ái của người thế tục. Chúng ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để chiến thắng những cơn sân phát khởi ào ào như thác đổ. Muốn hoàn toàn làm chủ tinh thần, không để một phút giây sân hận, thì phải dùng trí tuệ quán xét cho thấu suốt ngọn nguồn của đối tượng để ngăn chặn chúng ở bên ngoài.
Thông thường, người ta khuyên mình khi nóng giận thì đi uống một ly nước; nó sẽ hết. Thật ra, đi uống nước thì cơn giận có giảm xuống, nhưng nó vẫn tiếp tục tuôn trào, nhất là khi ta ngồi thiền. Muốn diệt trừ tâm SÂN HẬN, ta phải thực hành hạnh TỪ BI. Tha thứ và thương yêu cho người thì lòng mình mới được an vui.
Bình thường chúng ta có thể tha thứ cho người lớn tuổi hơn, hoặc đẳng cấp cao hơn chúng ta thật dễ dàng, nhưng tha thứ cho người nhỏ tuổi hơn, hoặc ở cấp dưới thì ta khó tha thứ hơn. Phải quán chiếu để cảm thông nỗi khổ của người (có lẽ tại vì anh ấy đang có chuyện buồn, nên mới có lời nói không tốt đẹp ấy, hoặc là chị ấy hiểu lầm ý mình, nên mới buông ra những lời khiếm nhã như thế…). Phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người, thử xem mình phản ứng như thế nào.
Để diệt tâm sân, có vị thiền sư dạy hãy quán không: thân này là không; lời nói như gió thoảng, có gì đâu mà buồn, giận. Kể ra không phải dễ gì mà “không” cho được. Có một thiền sư khác thì dạy thực tập thiền quán trong khi giận như sau: “Thở vào tôi biết tôi đang giận, thở ra tôi biết cái giận còn ở trong tôi”; hoặc đọc thầm một bài kệ trong tâm, mỗi câu là một hơi thở ra/vào. Phương pháp này cũng giúp cho chúng ta thấy nhẹ, khỏe, cường độ cơn sân sẽ giảm ngay.
Thật ra, muốn diệt trừ sự sân hận trong tâm thì chúng ta phải tập DIỆT NGÃ (chấp ngã nên mới sân: “Nó còn nhỏ tuổi, đi tu học sau tôi, vậy mà mỗi lần tụng kinh thì nó đứng trước tôi, đã vậy tụng kinh còn hét lớn lên, át hết tiếng của người khác…”) và QUÁN TỪ BI: “Người ta không biết tu nên mới ăn nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ như thế, còn mình hiểu đạo, tu tập lâu năm, chẳng lẽ mình cũng như vậy sao? Có gì đâu mà phải giận. Tôi xin nguyện tha thứ cho người”. Nếu quán sát kỹ, sẽ thấy mình cũng có lỗi một phần nào (trong khi sân hận, lời qua tiếng lại thì ai mà không lỡ lời nói nặng, làm cho người kia đau khổ). Ta hãy đến xin lỗi người ấy thì mọi gút mắc đều được giải tỏa; cả hai đều cảm thấy nhẹ khỏe, an vui. Nhớ chỉ nhận phần lỗi của mình, không đề cập đến lỗi của người. Chỉ nhìn thấy lỗi của mình, chứ thấy lỗi của người thì cái lỗi của mình đã gần kề. Nên nhớ phải thực tập để có đủ nghị lực (can đảm và chân thành) nói lên lời xin lỗi. Nói được lời xin lỗi xuất phát tự đáy lòng của mình (giống như khi mình thành tâm sám hối trước Phật), thì cũng như nước sôi đổ vào tuyết, những hờn giận chất chứa sẽ tan biến ngay.
Kinh Mười Điều Lành dạy rằng: “Kẻ nào làm chủ được tâm sân thì sẽ được TÁM MÓN CÔNG ĐỨC”:
Tâm không tổn não;
Tâm không giận hờn;
Tâm không tranh giành;
Tâm được nhu hòa, ngay thẳng;
Tâm được từ bi như Phật;
Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh;
Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính;
Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được lên cõi Trời Phạm Thiên.
ĐIỀU LÀNH THỨ MƯỜI: KHÔNG NÊN SI MÊ
Người không si mê là người biết p ĐIỀU LÀNH THỨ MƯỜI: KHÔNG NÊN SI MÊ hán đoán rành rẽ, nhận định một cách rõ ràng, đúng đắn, không biện minh che đậy sự mê mờ, dốt nát của mình, và cũng không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình. Hơn nữa, người ấy còn sáng suốt, không tin những tà thuyết không hợp lý, nghĩa là người ấy không si mê, mù quáng, mê tín, dị đoan, lạc hậu.
Người không si mê là người có trí tuệ thông minh, thấu suốt thuyết Nhân Quả, Luân Hồi, nên không bao giờ tạo tội ác, và luôn luôn có những hành vi rất thiện, thường tu Mười Điều Lành và sẵn sàng mang lòng từ bi đến mọi người.
Người ấy thường quán xét vạn hữu, tìm rõ nguồn gốc vô minh, phá trừ tư tưởng dính mắc, chấp trước, tinh tấn hàng ngày tiến bước trên con đường giải thoát nội tâm của mình.
Người có tâm tĩnh giác là người không si mê. Người tĩnh giác cao thì tâm được định tỉnh. Muốn được tâm tĩnh giác, trước phải phá cho được hôn trầm, thùy miên. HÔN TRẦM, THÙY MIÊN, VÔ KÝ là trạng thái tâm trí mờ mịt, hoặc buồn ngủ, hay không nhớ, không biết gì cả. Đây là tình trạng chung của những người tu thiền. Nếu không tỉnh thức thì hành giả sẽ buồn ngủ, ngủ gục, và rơi vào tình trạng mờ mịt, không hay biết gì cả. Một số người tu thiền, sau một thời gian tu tập, khi rơi vào tình trạng này họ cứ nghĩ rằng mình đã nhập định! Làm sao mà nhập định cho được, khi con người còn đủ tham, sân, si (giữ giới không nghiêm minh)?
Đức Phật dạy, con đường tu chứng phải trải qua tu học Tam Vô Lậu. TAM VÔ LẬU HỌC là Giới, Định, Tuệ. Nhờ trì giới nghiêm nhặt, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện, hành giả “ly dục, ly bất thiện pháp” nhập Sơ Thiền.
Nhân GIỚI sinh ĐỊNH, nhân ĐỊNH sinh TUỆ. Đó là cổ đức đã dạy:
“Sân si, nghiệp chướng chẳng chừa
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì”
Ngoài hôn trầm, thùy miên, người tu thiền còn phải tránh TRẠO CỬ (con người lúc nào cũng rọ rạy khó chịu, quay bên này, móc bên kia, suy tính đủ thứ), hoặc HỐI QUÁ, nghĩa là ân hận mãi về một việc làm trong quá khứ.
Tóm lại, người phật tử giữ giới không si mê trước tiên phải từ bỏ rượu. Rượu làm cho tâm trí mờ tối, khiến cho ta có những lời nói và hành động sai lầm, tai hại. Trong khi tu tập thì phải duy trì giờ giấc công phu, ăn uống điều độ, không ăn phi thời; không cố gắng thức khuya, dù là công phu, vì thân thể mệt nhọc, rã rời thì công phu cũng vô ích mà thôi. Nói một cách khác, hôn trầm, thùy miên, trạo cử và hối quá là những chướng ngại đưa đến si mê mà người phật tử, nhất là những người tu thiền cần phải ghi nhớ.
Nếu người sống với Mười Điều Lành để phá trừ được si mê thì sẽ thành tựu MƯỜI CÔNG ĐỨC, như kinh Mười Điều Lành dạy:
Được ý vui chân thiện và bạn chân thiện;
Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác;
Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo Thiên Thần ngoại đạo;
Tâm được ngay thẳng chánh kiến;
Thường sanh lên cõi Trời, khỏi bị đọa ba đường ác;
Phước huệ không lường, thường tăng lên mãi;
Dứt hẳn đường tà, chăm tu chánh đạo;
Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết nghiệp ác;
Trụ nơi chánh kiến;
Khỏi bị nạn dữ.
Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích sách: Sống Mười Điều Lành – Nhà xuất bản Tôn giáo
Nguồn link: https://thuvienchonnhu.net/sach/song-muoi-dieu-lanh
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/song-muoi-dieu-lanh-phan-5.html