Sóng ngầm ở vùng Vịnh
Hai đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh vừa có lần công khai tranh cãi hiếm hoi nhưng ngòi nổ cạnh tranh đã nhen nhóm từ nhiều năm nay
Cuộc họp được lên kế hoạch vào đầu tuần này của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bị hủy và chưa biết bao giờ diễn ra, góp phần khiến thị trường dầu mỏ thấp thỏm. Nguyên nhân là do những bất đồng về việc tăng sản lượng giữa Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ả Rập Saudi ủng hộ kế hoạch các nước OPEC tăng sản lượng khai thác theo nhiều giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 12-2021 với mức tăng tổng cộng là 2 triệu thùng/ngày; sau đó OPEC sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay đến cuối năm 2022 (thay vì để thỏa thuận này hết hạn vào tháng 4 năm sau như kế hoạch ban đầu). Tuy nhiên, UAE hôm 5-7 phản đối bằng cách yêu cầu tăng hạn ngạch sản xuất của nước mình để kịp đón đầu kinh tế toàn cầu hồi phục, qua đó thu thêm lợi nhuận phục vụ cho các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế. Phía Ả Rập Saudi lo ngại tăng sản lượng quá nhiều sẽ khiến giá dầu lao dốc và gây ra nhiều hệ lụy cho đầu tư lẫn nguồn cung sau này.
Đây là lần hiếm hoi hai đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh công khai tranh cãi nhưng theo chuyên gia Adel Hamaizia, làm việc tại Viện Chatham House (Anh), ngòi nổ cạnh tranh đã nhen nhóm nhiều năm nay. Theo kênh Al Jazeera, cả hai nền kinh tế đầu tàu của vùng Vịnh đều bị thiệt hại nặng bởi đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế UAE sụt giảm khoảng 6% trong năm 2020, còn Ả Rập Saudi là 4,1%. Trong khi đó, OPEC dự đoán nhu cầu về dầu mỏ sẽ đạt đỉnh và bắt đầu xuống dốc vào cuối những năm 2030, khiến sức ép đa dạng hóa kinh tế càng đè nặng lên các thành viên. Vấn đề là Ả Rập Saudi đang chậm chân hơn UAE, theo ông Bader Mousa Al-Saif, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Đông Malcolm H Kerr Carnegie (Lebanon). Trước đây, Ả Rập Saudi hài lòng với vị thế vượt trội trong thị trường dầu mỏ nên hầu như không đầu tư vào các ngành công nghiệp khác. Ngược lại, UAE mở cửa mời gọi các công ty đa quốc gia và Dubai hiện là trung tâm kinh doanh, du lịch và sản xuất của khu vực.
Kể từ khi vị thái tử 35 tuổi đầy tham vọng Mohammed bin Salman (MBS) nắm quyền điều hành, Ả Rập Saudi bắt đầu mở cửa kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Năm năm trước, Thái tử MBS trình làng chương trình Tầm nhìn 2030 của ông, với mục tiêu tăng đầu tư trong lĩnh vực tư nhân và thúc đẩy các ngành du lịch, năng lượng tái tạo, công nghệ… Thế nhưng, ông Hamaizia chỉ ra kế hoạch của Ả Rập Saudi giống hệt… Tầm nhìn 2030 của Dubai.
Không chỉ vậy, Ả Rập Saudi và UAE còn tranh nhau vị trí trung tâm kinh doanh chính của khu vực. Riyadh cũng định thành lập hãng hàng không quốc gia thứ hai để tăng gấp đôi năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và qua đó trở thành một trung tâm logistics. Kế hoạch này có thể là sự cạnh tranh mới dành cho hai hãng hàng không Etihad và Emirates của UAE.
Ngoài kinh tế, Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nayan (gọi tắt là MBZ) của Abu Dhabi còn muốn tăng cường ảnh hưởng của UAE trong khu vực bằng cách độc lập với Riyadh về một số chính sách đối ngoại. Năm 2019, UAE tuyên bố rút khỏi liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu đang tham chiến ở Yemen. Gần đây hơn, UAE bình thường hóa quan hệ với Israel thông qua Hiệp ước Abraham do Mỹ làm trung gian vào năm 2020. Phản ứng của Ả Rập Saudi được thể hiện vào ngày 6-7, bằng cách chỉnh sửa các quy định thuế nhằm vào sản phẩm xuất xứ Israel cũng như các nhà sản xuất có liên quan đến vốn đầu tư từ Tel Aviv.
Chuyên gia Al-Saif cho rằng cạnh tranh lành mạnh cũng là cách phát triển vùng Vịnh song nếu sự đối địch giữa Ả Rập Saudi và UAE thêm sâu sắc thì tương lai của OPEC lẫn Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều tiềm ẩn nguy cơ. Dù sao thì UAE vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Trung Quốc, của Ả Rập Saudi nên theo chuyên gia Hamaizia, hai nước sẽ tìm được cách "chung sống hòa bình".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/song-ngam-o-vung-vinh-20210709212847354.htm