'Sóng ngầm' thị trường vàng
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép gia công, vàng miếng loại 'một chữ' và vàng bị móp méo đã được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục mua vào.
Trước đó, một số khách hàng bức xúc khi mang vàng miếng SJC loại “một chữ” tới bán nhưng SJC không mua.
Theo thông lệ quốc tế, tuổi vàng là căn cứ để thẩm định chất lượng, giá trị của vàng. Vàng chỉ phân biệt hàm lượng. Giờ lại có kiểu phân biệt một chữ, hai chữ.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng quy định "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng". Do đó, SJC chỉ được thuê gia công vàng miếng dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Mỗi năm, SJC sẽ thu mua vàng miếng móp méo trên thị trường và xin cấp phép gia công lại rồi bán trở lại thị trường từ NHNN.
Vàng miếng SJC “một chữ” là những mẫu mã trên mỗi sê ri có một ký tự chữ, mẫu này được sản xuất vào những năm từ 1992 - 1996 trước khi SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia. Sau này trên sê ri mỗi miếng vàng SJC đều có 2 ký tự chữ. SJC đã nhận được thông báo từ NHNN cho phép gia công vàng miếng loại này trở lại và tiếp tục mua vào từ tuần này. Công ty cho biết, thu mua loại vàng miếng SJC 1 ký tự bằng giá với loại vàng miếng SJC 2 ký tự. Sau đó công ty sẽ gia công loại vàng một ký tự thành vàng miếng SJC hai ký tự để bán ra cho khách hàng.
Dù việc mua được kết nối lại nhưng sóng ngầm trên thị trường vàng chưa hết. Lượng vàng miếng loại “một chữ” và vàng móp méo được gia công qua các năm trước đó khá lớn, với hạn ngạch được cấp hàng năm. Trước đó, SJC cũng đã gặp tình trạng ngừng thu mua vàng miếng tương tự trong các năm 2012, 2015 và 2016.
Về lâu dài, bỏ độc quyền là giải pháp dài hạn, được nhiều chuyên gia ủng hộ. Độc quyền vàng miếng cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng. Độc quyền vàng làm hạn chế sự cạnh tranh, cũng như làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng đang phải đem vàng miếng không phải là SJC bán để mua lại vàng miếng SJC. Tuy nhiên, với mức phí gia công vàng miếng SJC thời gian qua khoảng 50.000 đồng/lượng, chi phí bỏ ra để gia công lại số vàng thương hiệu khác SJC là rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Chưa kể, có những thời điểm giá vàng mang thương hiệu SJC cao hơn giá vàng thế giới và các thương hiệu vàng khác trong nước tới 20 triệu đồng/lượng. Trong đó, SJC - đơn vị độc quyền thương hiệu vàng miếng - nhiều lần bị đặt dấu hỏi về việc hưởng lợi nhờ mức chênh này.
Cho đến nay, câu chuyện vàng ở Việt Nam vẫn chưa hết “nóng”. Mặc dù, sự ổn định đang được thiết lập nhưng sẽ kéo dài bao lâu và liệu có được duy trì bền vững hay không cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Có thể thấy, chính sách độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC có thể phù hợp ở một thời điểm nhất định nhằm chống vàng hóa nền kinh tế, khi mọi phương tiện thanh toán đều được quy ra vàng. Nhưng để độc quyền vàng miếng SJC kéo dài, cộng với nguồn cung vàng không tăng khiến thị trường bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Gần đây, nhà điều hành cũng tính đến phương án bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, và cho các DN vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây. NHNN vẫn nắm quyền chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất cho các DN, căn cứ trên mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Thông tin sửa đổi quy định, bỏ độc quyền vàng miếng SJC đã được NHNN đưa ra, song giờ là lúc cần ban hành đồng bộ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/song-ngam-thi-truong-vang.html