Sóng nhiệt tấn công châu Âu - viễn cảnh tiêu cực đến mức nào?
Mùa hè năm 2019 được cho là mùa hè khắc nghiệt nhất từ trước đến nay trên quy mô toàn cầu, khi có quá nhiều kỷ lục về nhiệt độ lần lượt bị phá vỡ ở các nước châu Âu. Giới khoa học khí tượng trên thế giới lo ngại rằng hiện tượng sóng nhiệt sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn, gắn liền với nó là những hệ quả đáng sợ của biến đổi khí hậu, thậm chí có thể sánh ngang với thảm họa thiên thạch và chiến tranh hạt nhân.
Sóng nhiệt “càn quét, hủy diệt”
Nhiều khu vực của châu Âu đang bị “thiêu đốt” bởi đợt nắng nóng thứ 2 vào tháng 7 vừa qua, tiếp nối đợt sóng nhiệt tấn công hồi tháng 6, nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng thông thường và không có chiều hướng thuyên giảm.
Điều này khiến chính phủ nhiều nước phải cấp thiết đưa ra các cảnh báo đỏ về thời tiết; kèm theo lời kêu gọi người dân bảo vệ sức khỏe và giữ bình tĩnh.
Theo nhận định của Dịch vụ thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh (Met Office), kỷ lục nắng nóng tại Anh trong hai tháng qua đã vượt qua mức 38,5 độ C - mức nhiệt cao nhất trong lịch sử Anh được ghi nhận tại hạt Kent (miền Đông Nam nước Anh) vào tháng 8/2003.
Tháng 6/2019, nhiệt độ ở Paris - Thủ đô nước Pháp đạt ngưỡng cao nhất trong lịch sử là 46 độ C; và trong tháng 7 nhiệt độ ở đây vẫn đạt ngưỡng trung bình là 40,6 độ C. Trong khi đó, các nước Cộng hòa Séc, Bỉ, Hà Lan, Slovakia, Áo, Andorra, Luxembourg, Ba Lan và Đức cũng phải trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, khi nhiệt độ tăng vọt, liên tục phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của những nước này trong hàng chục năm.
Nắng nóng kéo dài đã gây ra những vụ cháy rừng, nổ đường ray xe lửa, không khí hanh khô và thiếu nước.
Có thể nói, hiện nay, người dân châu Âu đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng khốc liệt nhất trong lịch sử. Nhà khí tượng học Paul Gundersen thuộc Met Office (Anh) cho rằng: “Khối không khí nóng từ bán đảo Iberia sẽ khuấy đảo nhiều khu vực của châu Âu. Không chỉ gây nắng nóng vào ban ngày mà cả vào ban đêm cũng không có dấu hiệu giảm mạnh nhiệt độ”.
Nhiệt độ cao hơn có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, như mất nước, kiệt sức vì nóng, sốc nhiệt, say nắng có thể gây ra hậu quả chết người đối với những người mắc các bệnh về tim, thận và hô hấp, cũng như người già và trẻ sơ sinh.
Theo các chuyên gia y tế, sóng nhiệt có thể làm giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể con người luôn ở mức an toàn, gây ra nhiều triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, đổ mồ hôi quá nhiều, chuột rút, thở nhanh hoặc khát dữ dội...
Nếu nhiệt độ cơ thể của một người tăng lên trên 40 độ C trong thời gian đủ dài mà không được hạ nhiệt kịp thời có thể dẫn tới hiện tượng đột quỵ do sốc nhiệt, gây biến chứng nghiêm trọng, hủy hoại các cơ quan trong cơ thể và khu vực thần kinh, thậm chí tử vong.
Đáng suy nghĩ, sau đợt nắng nóng năm 2003, khoảng 70.000 ca tử vong bổ sung đã được ghi nhận ở châu Âu so với các năm trước đó. Còn trong đợt sóng nhiệt tấn công châu Âu vào tháng 6/2019 ghi nhận đã có ít nhất 15 người tử vong với nguyên nhân trực tiếp là say nắng, sốc nhiệt.
Đồng thời điểm, đầu tháng 7 ghi nhận đợt sóng nhiệt mới nhất tấn công tiểu bang Alaska ở cực Bắc nước Mỹ, với chỉ số nhiệt độ tăng kỷ lục lên tới gần 32 độ C trong 5 ngày liên tiếp. Trước đó, mức nhiệt trung bình của tháng 6 ở tiểu bang này cũng cao ở mức kỷ lục, là nguyên nhân của hàng loạt vụ cháy rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho vùng này.
Từ mùa đông năm 2018 và mùa xuân năm 2019, nhiệt độ ở tiểu bang này được ghi nhận ở mức cao bất thường. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bắc Cực trong vài năm qua do biến đổi khí hậu. Hậu quả trước tiên là lượng băng trên biển bao quanh Alaska hiện ở mức thấp kỷ lục, khiến nhiệt độ đại dương tăng thêm 2,5 độ C trên mức bình thường, đang đe dọa nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái ở khu vực này.
Còn tại các quốc gia có khí hậu nóng hơn như Úc; các quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông như Nigeria, Tanzania, Yemen và Brazil; các quốc gia châu Á như Việt Nam, Ấn Độ… cũng không khả quan hơn. Khác với tình trạng nắng nóng kéo dài ở châu Âu, một phần đất nước Bangladesh (vùng Nam Á) đang phải vật lộn để đối phó với những trận mưa lớn liên tục gây ra lũ lụt và phá hủy trên diện rộng.
Trại tị nạn Cox’s Bazar đã hỗ trợ hơn 11.000 người tị nạn bị ảnh hưởng bởi mưa và lũ lụt trong 2 tuần đầu tháng 7/2019, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều trại tị nạn khác đã bị ảnh hưởng hoặc phá hủy bởi hàng trăm vụ lở đất do mưa bão; nhưng đa phần đã và đang được phục hồi bởi nỗ lực của đất nước này và sự tương trợ của các tổ chức quốc tế.
Nguyên do là con người!
Tại sao lại có chuyện như vậy xảy ra? Theo giải thích của ông Timothy Hewson, chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng châu Âu (ECMWF), sóng nhiệt xảy ra trên khắp Bắc Âu khi áp suất khí quyển cao hút không khí nóng từ phía bắc châu Phi, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, làm tăng nhiệt độ và tăng độ ẩm.
Hiện tượng sóng nhiệt không phải là hiếm, nhưng chúng đang bị khuếch đại bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, vì vậy có khả năng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận về hiện tượng sóng nhiệt tấn công toàn bộ châu Âu có nhiều khả năng do các hoạt động của con người đã góp phần làm thay đổi khí hậu.
Nếu theo xu hướng trái đất nóng dần lên, sóng nhiệt trên khắp châu Âu có thể xảy ra thường xuyên hàng năm cho tới những năm 2040. Nhiệt độ trung bình chung của trái đất có thể sẽ tăng thêm 3 - 5 độ C vào năm 2100.
Vậy chính xác thì sóng nhiệt là gì? Đến nay, hiện tượng này vẫn còn đang được nghiên cứu và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo cách hiểu chung nhất, sóng nhiệt xảy ra do sự thay đổi của điều kiện khí hậu ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Thông thường, hiện tượng này được xác định bởi một thời kỳ nắng nóng bất thường, kéo dài ít nhất ba ngày, với nhiệt độ trung bình vượt mức nhiệt độ tối đa trung bình hàng ngày từ 5 độ C trở lên. Các yếu tố khác cũng được các nhà phân tích xem xét như độ ẩm và tốc độ gió thấp đều có thể tăng cường hiện tượng sóng nhiệt.
Song, về nguyên nhân sâu xa, đồng loạt các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra các yếu tố con người (biến đổi khí hậu nhân tạo) từ khí thải xe hơi, ống khói nhà máy, phá rừng và các nguồn khí nhà kính khác, là tác nhân chủ yếu gây ra hiện tượng nhiệt độ tăng vọt trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.
Thời đại công nghiệp bùng nổ, việc xây dựng, sản xuất, sinh hoạt của con người gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính và nhiều tác động tiêu cực tới hệ sinh thái tự nhiên, dẫn đến sự mất cân bằng trầm trọng.
Quả thực, nhiều năm qua, giới khoa học về khí tượng, địa chất và môi trường đã cố gắng cảnh báo và chứng minh cho cả thế giới thấy hệ quả đáng sợ của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu như thế nào. Thậm chí các nhà khoa học cho rằng không nói quá khi sức tàn phá của hiện tượng này có thể sánh ngang với thảm họa thiên thạch và chiến tranh hạt nhân trên quy mô toàn cầu.
Hiểu đơn giản, những trận nắng nóng, sóng nhiệt, siêu bão, cháy rừng, hạn hán, băng tan, nước biển dâng xâm chiếm đất đai và có nguy cơ nhấn chìm nhiều hòn đảo... chính là hệ quả của biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Khi biến đối khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu nhân tạo hiện nay đang diễn biến ngày càng phức tạp thì chính con người phải hứng chịu những tác động khôn lường từ khí hậu bất thường.
Thiết nghĩ, nếu không nhận thức đầy đủ tác động của con người đến khí hậu; nếu không có những hành động thiết thực trên phạm vi toàn cầu nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, khí hậu của trái đất; liệu con người có thể đủ khả năng chống đỡ được những hiểm họa kinh hoàng từ biến đổi khí hậu trong thời gian bao lâu nữa?