Sông núi quê nhà

Không biết từ lúc nào trong quá trình định hình ngôn ngữ, người Việt đã ghép hai từ 'sông-núi' để thành một cụm từ nói về quê hương, đất nước.

Phải chăng, Tổ quốc ta trải dài từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy núi, thấy sông? Phải chăng, núi và sông không chỉ tồn tại trong đời sống thiên nhiên, mà còn đứng sừng sững uy nghiêm trong tâm thức người dân Việt từ thuở xa xưa; chảy dọc dài quá trình lịch sử, đời sống xã hội suốt quá trình dựng nước và giữ nước?

Thuở xưa, khi ông cha nhìn hướng núi mà đi, nhìn hướng sông mà tìm phương khai hoang mở cõi, bấy giờ thiên nhiên còn rất hoang vu, nhiều thử thách hiểm nguy và khắc nghiệt. Người ta cần có một chỗ dựa tinh thần thì Sơn Thần và Thủy Thần là hai trong những đấng siêu nhiên đầu tiên và có sức ảnh hưởng lớn nhất. Điều đó không lạ gì khi từ thời các Vua Hùng dựng nước, người ta đã xem Tản Viên Sơn Thánh (tức Sơn Tinh) là vị thánh đứng đầu trong hàng “tứ bất tử”, được phụng thờ rất trang nghiêm ở nhiều nơi. Và song song đó, Tô Lịch Giang Thần (thần sông Tô Lịch) được xem là Thành hoàng của đất Thăng Long kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Minh họa: Mai Minh.

Minh họa: Mai Minh.

Ở miền Trung và Tây Nguyên, thần sông và thần núi được nhiều cộng đồng dân tộc thờ cúng, được xem là những vị thần có oai lực tâm linh mạnh nhất, có thể tạo phước giáng họa cho con người. Người Ba Na ở Tây Nguyên có nhiều tục lệ thờ cúng gắn liền với hai vị thần Yàng Đăk (thần nước), Yàng Kông (thần núi) và xem đó là hiện thân của đấng thiêng liêng, bảo vệ, theo dõi và ban phước giáng họa cho bản làng thôn xóm...

Vùng châu thổ sông Cửu Long, mảnh đất màu mỡ. Tuy là miền đất “sinh sau đẻ muộn”, nhưng từ thuở khai hoang, cư dân đã có tâm thức về sông núi. Người ta xem Cửu Long và Thất Sơn là những yếu tố tâm linh, đậm chất huyền bí và lấy đó là chỗ dựa tinh thần. Dọc theo dòng Cửu Long, không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều miếu thờ Thủy Thần, Bà Cậu, Cá Ông Nược...

Vùng Thất Sơn-nơi tập trung hầu hết các ngọn núi lớn và rộng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi có nhiều truyền thuyết và huyền thoại về không biết bao nhiêu vị thần, thánh lớn nhỏ, kể cả lương thần và hung thần. Bên cạnh đó, có thể nói Thất Sơn là một trong những nơi có nhiều phát tích, hình thành và phát triển nên nhiều tôn giáo, tín ngưỡng nội sinh của cả nước như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Ngược dòng lịch sử, dễ nhận thấy, Việt Nam là một trong những dân tộc không quá đông về dân số nhưng lại tồn tại suốt hơn bốn nghìn năm liên miên khói lửa. Việt Nam cũng là đất nước kỳ lạ trong suy nghĩ của giặc xâm lăng, khi đến rừng đến sông cũng có linh hồn và oai lực, cũng vào chung một chiến hào, chung một cuộc chiến với nhân dân và nhấn chìm quân thù.

Không chỉ từ thuở xa xưa, ông cha mới biết dựa vào sông Bạch Đằng, sông Hồng để đánh tan quân giặc, mà khi mệnh trời sắp, thì Thủy Thần, Bà Cậu cũng hiện thân qua bầy sấu dữ nổi trên sông, ngăn quân thù tấn công căn cứ kháng chiến; dẫu giặc có vũ khí tối tân, thủy lôi hay hạm đội... thì bao lớp cư dân cũng đã biết dựa vào sông rạch để đánh tan bao cuộc hành quân của kẻ xâm lăng.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, quân dân ta sử dụng địa thế núi và sông để đánh giặc, đặc biệt là vào những mùa nước nổi. Đây là một lợi thế để quân dân ta tạo nên những trận mai phục trong lòng nước. Những cánh đồng mênh mông nước, lác đác vài gốc gáo hoang, vài bãi điên điển vàng là nơi trú ẩn của quân dân ta để sử dụng cách đánh du kích làm cho quân địch phải khiếp sợ. Những chiếc xuồng chèo nhỏ nhắn neo thủy lôi bên dưới lòng nước, đánh tan tàu chiến; những đoàn quân di chuyển hàng trăm cây số bằng xuồng ghe trên sông; những người lính khi đụng trận lặn dưới đáy sông mà vẫn chắc tay súng nhả đạn về phía giặc...

Đến con nước rong, nước kém, nước nổi, nước giật của sông cũng làm người phương Tây phải bối rối. Họ không tài nào đoán được, người Việt có thể sinh sống, ăn ngủ và cả chiến đấu dựa vào con nước. Khó mà có thể nghĩ rằng cư dân vùng trũng Cửu Long có khả năng “ngủ nước”, dựa vào nước để chống muỗi và ẩn nấp. Con nước cũng gần gũi và tính nết như con người, cũng yêu xứ sở nơi nó đã chảy qua và dang rộng vòng tay chở che cho cư dân và đáp trả những cuộc xâm lăng bằng những đòn đánh bất ngờ. Như nếp ăn, nếp ở từ thuở khai hoang, lập làng, mở mang bờ cõi; cái “nếp” đánh giặc, giữ nước của nhân dân ta cũng dựa vào sông, vào con nước mà đánh tan quân xâm lược, dẫu họ có mạnh và vũ khí hiện đại, tối tân. Và cũng có những dòng sông mẹ ngàn năm hiền từ như hạt phù sa chỉ biết dâng mỡ màu cho đất, dẫu bị thủ đoạn quân thù bao năm, sông vẫn ăm ắp nước, nuôi những vùng xanh và phát tiết hiền tài, nguyên khí cho Tổ quốc...

Vùng Thất Sơn ở miền đất Tây Nam, có ngọn đồi nhỏ bị dập vùi tơi tả bởi bom B-52 nhưng vẫn oai nghiêm đứng đó, lòng núi tạo thành lò ảng để che chở bao bọc căn cứ cách mạng vững vàng. Dãy Trường Sơn chạy dọc miền Trung, như xương sống của đất nước, như người mẹ núi non bao năm vẫn chở che những đoàn quân Nam tiến với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Những ngọn núi hóa bột núi, lò vôi; những đồi cao gần như bị chém phăng ngọn vẫn đó, vẫn đồng hành cùng nhân dân trong suốt chiều dài giữ nước non này. Chuyện kể rằng sau nhiều năm kết thúc chiến tranh, người ta phát hiện hai cây cổ thụ có cùng một nhánh vắt qua nhau hình cánh võng, như hai người nắm tay đứng cạnh. Đến khi cắt nhánh cây ấy ra thì đó là một hài cốt của người lính, sau bao năm hy sinh, núi rừng đã ôm ấp anh, và anh đã làm xanh cho cây, cho núi. Bốn ngàn năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm, sông núi vẫn vẹn nguyên và chắc rằng đâu đâu cũng có mồ hôi xương máu nhân dân quyện vào từng dòng sông, ngọn núi...

Có người con đi xa, nhìn núi quê người gợn sóng mây trên đỉnh, chợt thấy bồi hồi nhớ lại tuổi thơ mình bên ngọn núi sau nhà, mà thấy tràn về một khung trời ký ức vẹn nguyên một màu nguyên thủy. Để rồi trên đường trở về quê, thấy đám mây trắng quấn quanh đầu ngọn núi xa xa mà đã nghẹn ngào trong dạ; thấy con sông quê chở dề lục bình tim tím trôi xuôi cũng thấy lòng mát ngọt dạt dào. Và sự sững sừng của núi non, bao la của sông rạch đã từ bao giờ không còn là khái niệm riêng cho núi cho sông, đó đã trở thành tâm thức quê hương, đất nước, Tổ quốc, ăn sâu vào trong máu thịt của người Việt một cách thiêng liêng và bao dung đến lạ thường.

Tùy bút của LÊ QUANG TRẠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/song-nui-que-nha-633457