Sống qua mùa dịch nhờ đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam
Hình thức kinh doanh mới này được một đơn vị lữ hành phát triển khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Viet Foot Travel - một trong những công ty đang đẩy mạnh sản phẩm đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam - khẳng định đây không phải hướng đi phổ biến để các công ty du lịch chuyển mình.
Theo ông Nghĩa, để làm được điều này, công ty phải xây dựng uy tín, tạo dựng mối quan hệ với nhiều bên liên quan và có tiềm lực tài chính vững trong mùa dịch. Do đó, không nhiều đơn vị có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này để đón các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Viet Foot Travel, nếu làm được, sản phẩm này sẽ cứu doanh nghiệp du lịch khi dịch còn chưa kết thúc.
Chưa thể lâu dài
So với việc tổ chức đoàn tour nội địa, việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn. "Theo ước tính của tôi, một chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đem lại lợi nhuận gấp 5 lần một khách trong đoàn tour nội địa", ông Nghĩa nói.
Dù vậy, đơn vị này cho rằng đây không phải là sản phẩm lâu dài vì dịch sẽ đến lúc kết thúc.
Ông Nghĩa nhấn mạnh sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 đóng vai trò rất lớn. Năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,4% - con số khả quan trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Năm nay, con số này được dự đoán sẽ tăng lên mức 6,5%.
Điều này đã kích thích các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam - đất nước ổn định về chính trị và có công tác phòng chống dịch tốt. Do đó, lượng lớn chuyên gia nước ngoài sẽ có nhu cầu được nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo ông Nghĩa các khâu giải quyết cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam phải thông qua từ chính quyền địa phương đến trung ương. Hiện tại mọi thứ đều rõ ràng, minh bạch.
"Dù vậy, người trong cuộc sẽ cũng tốn khá nhiều thời gian. Các công ty chỉ có 1, 2 khách nhỏ lẻ sẽ bị độn chi phí cao, từ CDC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật), vé máy bay hay giấy tờ hồ sơ", ông Nghĩa cho hay.
Một số công ty như Viet Foot Travel đã tung ra bộ sản phẩm hướng đến dòng khách mới này với tiêu chí đơn giản, giá thành rẻ hơn. Bốn nhóm khách lớn nhất là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Khách đăng ký chỉ cần gửi hộ chiếu, ảnh, giấy phép đăng ký kinh doanh bản scan để kiểm tra rồi chuyển cho các đơn vị đóng dấu. Trong trường hợp không nằm trong danh sách đen, các khâu sẽ được thực hiện tương đối nhanh chóng, thuận tiện.
Sau khi hồ sơ được thông qua, các công ty lữ hành sẽ phối hợp cùng chính quyền để dồn nhóm khách này bay một lần. Như vậy, giá thành các khâu từ vé máy bay, qua CDC hay xe đưa đón cũng đều giảm. Với các nhà hàng, khách sạn được phép đón khách cách ly, những đoàn đông cũng có chi phí rẻ hơn.
An toàn và tạo hình ảnh đẹp của Việt Nam
Đại diện hãng lữ hành này cho biết việc đón các đoàn chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam cần đảm bảo hai tiêu chí: an toàn và tạo hình ảnh đẹp về đất nước.
Về việc đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, ông Nghĩa cho biết mọi chuyên gia nước ngoài đều được kiểm tra đầy đủ theo quy định của nhà nước. Mặt khác, họ cũng mua bảo hiểm Covid-19 để được chi trả trong trường hợp nhiễm bệnh.
Theo đại diện Viet Foot Travel, đơn vị như họ chỉ kiểm soát vấn đề ăn, ngủ, nghỉ và kiểm tra Covid-19 trong 14 ngày cách ly. Khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19, họ chỉ có thể cung cấp giấy tờ mà bên bảo hiểm cần để chi trả các khoản phí.
"Bảo hiểm Covid-19 là thứ rất quan trọng. Khách nước ngoài rất cẩn thận nên hầu như vấn đề này không gặp quá nhiều khó khăn", giám đốc công ty này nói.
Dù các đoàn khách chuyên gia không đến Việt Nam để du lịch, ông Nghĩa vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tạo hình ảnh đẹp về một điểm đến an toàn, thân thiện.
Trước đây, các đoàn khách cách ly được chuyển về các khu quân đội. Hiện tại, các chuyên gia đều được cách ly trong những khách sạn từ 4-5 sao ở tùy địa phương với dịch vụ đầy đủ.
"Chúng ta không thể tham rẻ, làm rẻ để chất lượng kém. Họ sẽ có những phản hồi không tốt về mình. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho khách, các bên đón tiếp như nhà hàng, khách hạn hay CDC đều coi họ như VIP. Người làm du lịch cần có tâm trong nghề. Ngoài tài chính, chúng tôi cũng cần giữ uy tín cho riêng mình cũng như đất nước", ông nhấn mạnh.
Một vấn đề khác trong việc làm hài lòng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam chính là "không hứa láo" với khách hàng. Về cơ bản, các đơn vị đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam không nắm quyền chủ động trong việc chọn khách sạn, điểm đến cho khách.
Ông Nghĩa lý giải: "Ví dụ, khách làm việc ở Quảng Ninh nhưng tỉnh này đóng cửa vì dịch thì phải bay đến Hà Nội rồi chuyển qua Hà Nam, Bắc Ninh đón. Điều này phụ thuộc vào Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia phối hợp cùng các bên như Bộ Giao thông Vận tải, CDC sắp xếp".
Do đó, những người làm công việc này không có khả năng đảm bảo cho các chuyên gia được chọn khách sạn cách ly. Việc này cần cập nhật theo từng thời điểm. Theo ông Nghĩa, quyền quyết định cao nhất vẫn thuộc về cấp chính quyền trung ương.
Mức giá cho từng đối tượng khách khác nhau, tùy địa điểm khởi hành. Chuyên gia từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam phải trả mức phí thấp nhất, khoảng 38 triệu đồng/người (đường bộ) và 47 triệu đồng (đường hàng không). Mức giá cho chuyên gia từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc lần lượt là 48 triệu đồng/người và 51 triệu đồng/người.
Riêng Nhật Bản, công ty không báo hoàn chỉnh giá do các vấn đề liên quan đến đường bay hai nước. Hiện tại, giá đưa một chuyên gia từ xứ anh đào vào Việt Nam khoảng 45 triệu đồng/người (chưa bao gồm giá vé máy bay).
Những người trong ngành nói gì?
"Đúng là hình thức này mang lại nhiều lợi nhuận hơn nhưng không phải công ty nào cũng làm được. Nó có hai vấn đề về mặt kỹ thuật và thương mại. Công ty du lịch như AZA Travel có thể lo tốt các dịch vụ như vé máy bay, visa, khách sạn… cho khách chuyên gia. Tuy nhiên, nguồn khách ở đâu khi nhu cầu cũng không phải quá lớn.
Mặt khác, đây còn là vấn đề liên quan đến địa phương. Trong khi các doanh nghiệp du lịch chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, những khách chuyên gia này lại tập trung làm ở khu công nghiệp như Bắc Ninh. Do đó, nếu muốn làm, chúng tôi sẽ phải liên hệ với các cấp chính quyền địa phương, khá phức tạp", ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc công ty AZA Travel nói.
"Đây chỉ là một thị trường ngách, nhu cầu phát sinh trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, việc di chuyển giữa các quốc gia bị hạn chế. Từ tháng 7/2020, chúng tôi đã tiên phong về dịch vụ này và được nhiều doanh nhân, du học sinh hay các công ty, tập đoàn lựa chọn", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban tiếp thị Vietravel.