Sông quê vẫn một con đò đấy thôi!
Trong những năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Thanh Xuyết hẳn đã không còn xa lạ với độc giả yêu thơ xứ Thanh. Sau nhiều nỗ lực, tâm huyết, đam mê, ông đã xuất bản tập thơ đầu tay với tên gọi: 'Quê'. 41 bài thơ trong tập thơ 'Quê' của nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết là những lời tâm sự, giãi bày rất riêng, tự sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ nặng lòng với đời, với quê hương, bản quán.
Đọc tập thơ “Quê” của nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết:
Tập thơ “Quê” của nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết.
Có lẽ, kể từ khi con người biết dùng thơ để giãi bày cung bậc cảm xúc lòng mình cũng là lúc những tác phẩm viết về quê hương ra đời. Thật gần gũi và thân thuộc, như cây đa, bến nước, sân đình đọng lại mãi trong ký ức tuổi thơ. Điều đó lý giải vì sao, trước đây, bây giờ và mãi về sau, hai tiếng quê hương vẫn mãi là mạch nguồn sáng tạo cho ngòi bút người nghệ sĩ thăng hoa.
Nguyễn Thanh Xuyết là người con của quê hương Hoằng Lộc. Mảnh đất Hoằng Lộc hiện diện trong thơ ông không chỉ đẹp bởi những hình ảnh giản dị, thân thuộc trong đời sống hằng ngày: “Về đi... Về mà hít hà mùi thơm bát canh của ngày xưa mẹ nấu/ Vợ ta bắt ở cánh đồng làng Thượng/ Áo lấm bùn chang nắng tháng năm” (Quê). Hơn hết, mảnh đất ấy lắng đọng giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời, nhất là truyền thống hiếu học, khoa bảng. Làng quê này, từ xưa đã “phát” về đường học vấn, công danh. Lịch sử khoa cử Hán học ở đây đã trải qua hơn bốn thế kỷ, từ vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ (1461 – 1522) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đến 12 vị đỗ tiến sĩ, trong đó có 7 vị được khắc tên tại Văn Miếu Quốc tử giám, 200 vị đỗ hương cống, cử nhân... Đội ngũ trí thức đông đảo này, nhiều người đã có những cống hiến to lớn được sử sách nước nhà ghi nhận trong việc phò vua, giúp nước, mang lại cuộc sống yên bình, no ấm cho Nhân dân.
Bằng tất cả niềm yêu thương, tự hào sâu sắc về nơi chôn nhau cắt rốn, nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết đặt tên cho “đứa con đầu lòng” của mình vỏn vẹn một tiếng: “Quê”. Hơn nửa đời phiêu bạt, lúc bởi vì nhiệm vụ của người lính gánh vác trên vai, khi bởi vì vòng xoáy mưu sinh dằn lòng phải thế, chẳng bao giờ nỗi nhớ quê hương thôi gào thét trong lòng Nguyễn Thanh Xuyết: “Ngày mai ta bỏ cuộc hành trình/ Nỗi nhớ đưa ta về đất mẹ/ Ra đình làng tạ lỗi với quê”. Bởi vì niềm tự hào, trân trọng giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống của quê hương, nên Nguyễn Thanh Xuyết mới có những câu thơ vừa như thúc giục, gọi mời vừa như nhắc nhở con cháu về với quê: “Về mà đọc “Thúc ước văn” của tổ tiên để lại/ Răn dạy con cháu truyền đời/ Gái tầm tang canh cửi/ Trai đèn sách nuôi chí mười phương”. Quê hương mình đẹp như thế, ai xa rồi chớ vội quên mau: “Làng có tuổi, xóm có tên/ Ngàn năm tạo dựng mới nên hồn làng/ Người ơi sao nỡ vội vàng/ Tình quê vội nhạt, mơ màng nẻo xa...” (Làng ơi). Tâm thức làng hằn sâu trong tâm trí nhà thơ, bám rễ vào những nỗi niềm chất chứa: “Ước gì còn bóng trúc xinh/ Để anh đến hát sân đình em nghe/ Ước gì cò dạo ven đê/ Để ta buộc lại lời thề ngày xưa” (Nỗi niềm 2).
“Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mà thôi”, hai tiếng “quê hương” cụ thể lắm nhưng cũng thật vô cùng. Là tất cả mà cũng là riêng nhất. Vì lẽ đó, quê hương vốn là nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận trong thi ca nhưng nó chưa bao giờ nhàm chán, tẻ nhạt mà luôn có sức hấp dẫn, mới mẻ. Từ cội nguồn văn hóa – lịch sử, qua sự chiêm nghiệm của bản thân, khi viết về quê, Nguyễn Thanh Xuyết đã ghi dấu ấn riêng biệt trong lòng độc giả với cách tiếp cận sâu sắc, ấn tượng: “Cánh màn đã khép lại rồi/ Thôi mình chốt hạ cuộc chơi phập phù/ Rời xa những chốn phù du/ Ta về quê mẹ trùng tu lại mình”. “Ta về quê mẹ trùng tu lại mình” là một tứ thơ độc đáo, thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Đọc câu thơ ấy, người đọc có chút gì đó cảm thương, xa xót. Dường như, sau những lăn lộn, quay cuồng giữa vòng đời hối hả khiến tâm hồn nhà thơ không tránh khỏi bầm dập vì va vấp hay có giây phút xao động, mệt mỏi. Những lúc như vậy, quê hương chính là nơi chốn mà ai ai cũng muốn tìm về neo đậu: “Bao năm bèo bọt nhấp nhô/ Đi mua những cái vẩn vơ chợ trời/ Phấn son gột hết đi rồi/ Cho thanh sạch lại con người quê ơi!...” (Về quê tìm lại).
Đọc tập thơ “Quê”, cùng với cảm thức quê hương, người đọc vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được chất lính thấm đẫm trong những trang thơ của Nguyễn Thanh Xuyết. Đó là giọng điệu thơ mạnh mẽ, hào sảng khi khẳng định công lao to lớn của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ nước ta: “Cương thổ nơi đâu/ Hồn ta ở đấy/ Nhìn thấy sóng yên/ Chắc gì biển lặng!/ Bao nhiêu máu người/ Lẫn vào sóng trắng” (Với biển). Lời thơ, nhiều khi giống như lời trần tình của người lính: “Bâng khuâng nhớ một đời trai/ Chung tay gìn giữ hình hài nước non/ Ba lô cõng nắng Trường Sơn/ Võng tăng giăng mắc rừng non, rừng già?/ Nhớ ngày ra với Trường Sa/ Ngăn con sóng dữ biển xa ập vào/ Bạn ta máu nhuộm cờ đào/ Biển đau quặn sóng bạc đầu từng cơn” (Một thời áo lính). Là một người lính đã từng lăn xả vào mưa bom bão đạn, giành giật sự sống trước họng súng kẻ thù, theo những bước đường hành quân vào Nam ra Bắc, nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết thấm thía hơn ai hết cái đau thương, mất mát của chiến tranh: “Tôi xuôi mấy bận Cổ Thành/ Lật tìm ký ức chiến tranh thuở nào/ Cỏ non khuất lấp chiến hào/ Một vuông đất nhỏ thấm bao máu hồng” (Câu thơ gọi bạn). Không chỉ xót thương cho những người đã ngã xuống, dâng hiến cả tuổi xuân của mình cho hai chữ: Độc lập, tự do; nhà thơ dành nhiều cảm xúc cho người ở lại như bà, như mẹ, như chị: “Chị vừa trổ bóng xuân thì/ Ước mơ nâng bước người đi chiến trường/ Đạn bom ám khói má hường/ Tóc xanh rụng khắp con đường chiến chinh” (Chị tôi).
Qua 41 bài thơ được tác giả chọn lọc trong suốt quá trình sáng tác, tập thơ “Quê” cho người đọc hình dung chân thực, sắc nét về chân dung tâm hồn và những nét đặc trưng trong thơ Nguyễn Thanh Xuyết. Thơ ông chân thành, mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, chiêm nghiệm; đằm sâu chất lính mà vẫn giữ được nét lãng mạn, trữ tình. Hình ảnh thơ gần gũi, chân thực. Ông đặc biệt ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc qua những vần thơ lục bát nhuần nhuyễn về kỹ thuật, tinh tế về ý thơ. Tuy mới là tập thơ đầu tay nhưng nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết đã cho bạn đọc thấy được nỗ lực và niềm đam mê bất tận của ông trên con đường sáng tác.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/song-que-van-mot-con-do-day-thoi/131033.htm