Sông, rạch bị xâm lấn (*): Quy định có nhưng khó quản

Nguồn lợi lớn từ việc lấn sông, rạch cũng như sự thiếu chặt chẽ trong quản lý dẫn đến hệ lụy là nhiều dòng chảy bị xâm hại

Năm 2004, UBND TP HCM ban hành Quyết định 150, quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố.

Nhiều nơi được cắm mốc

Mục đích của Quyết định 150/2004 là phòng chống lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch và sử dụng đất không đúng theo mục đích đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Quy định này nhằm tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch, xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Theo quy định, chiều rộng phạm vi hành lang đối với sông, kênh, rạch cấp I-II là 50 m mỗi bên; cấp III-IV là 30 m mỗi bên; cấp V-VI là 20 m mỗi bên; kênh, rạch khi chưa được phân cấp kỹ thuật thì hành lang là 10 m mỗi bên. Đến năm 2017, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 22/2017 thay thế cho Quyết định 150/2004. Ở quyết định mới, các thông số về chiều rộng hành lang không đổi.

Công trình Savora Farm & Glamping ở TP Thủ Đức Ảnh: ANH VŨ

Công trình Savora Farm & Glamping ở TP Thủ Đức Ảnh: ANH VŨ

Đại diện Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết giai đoạn 2016-2017, cơ quan chức năng đã cắm mốc bảo vệ hành lang được 20 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài tuyến là hơn 200 km. Một số tuyến đáng chú ý như sông Đồng Nai đoạn từ ngã 3 rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai dài gần 27 km, sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Phước đến mũi Đèn Đỏ với bờ bên phải 40,5 km và bên trái là 39,5 km.

Ngoài ra, mốc chỉ giới bảo vệ nhiều tuyến khác cũng được cắm. Cụ thể như rạch Chiếc - Trau Trảu, 11 km, từ ngã 3 sông Sài Gòn đến ngã 3 sông Tắc; rạch Giồng Ông Tố, 3 km, từ ngã 3 sông Sài Gòn đến ngã 3 rạch Đồng Trong; sông Nhà Bè, 11 km, đoạn từ ngã 3 Đèn Đỏ đến ngã 3 sông Soài Rạp - Lòng Tàu; rạch Ông Lớn, 5 km, từ ngã 3 Kênh Tẻ đến ngã 3 kênh Cây Khô; rạch Đỉa - rạch Rơi - rạch Phú Xuân, gần 10 km, từ rạch Ông Lớn tới sông Nhà Bè. 4,5 km kênh Tẻ, 8,5 km kênh Đôi cũng đã được cắm mốc bảo vệ giai đoạn 2017…

Không hợp tác giải quyết vi phạm

Quy định về hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch thực tế chưa phát huy tác dụng. Trong đó, tại TP Thủ Đức, nhiều số liệu cũng như kết quả thanh tra tại 2 địa phương tiếp giáp sông Sài Gòn, sông Đồng Nai là phường Thảo Điền, phường Long Phước nói lên điều đó.

Kết luận thanh tra của Thanh tra TP Thủ Đức hồi tháng 11-2023 về công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2021-2022 tại phường Thảo Điền chỉ ra hàng loạt sai phạm khi nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức sau đó giao Chủ tịch UBND phường Thảo Điền phối hợp với Phòng Nội vụ TP Thủ Đức tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường được phân công phụ trách địa bàn có nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng cùng nhiều cá nhân khác có liên quan. Đồng thời, giao Chánh Thanh tra TP Thủ Đức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức về thực hiện kết luận thanh tra theo quy định.

Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức (nay là Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức) được giao phối hợp với UBND phường Thảo Điền xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng nêu tại kết luận thanh tra.

Một tòa nhà xây dựng dở dang ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Ảnh: QUỐC ANH

Một tòa nhà xây dựng dở dang ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Ảnh: QUỐC ANH

Sau hơn nửa năm, UBND phường Thảo Điền đã thông tin đến Báo Người Lao Động kết quả thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức về kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Trong đó, 2 công trình của chủ đầu tư N.T.T.T và chủ đầu tư N.N.D.H (đề cập trong bài trước) vẫn chưa thực hiện cưỡng chế.

Theo UBND phường Thảo Điền, ngay sau khi có kết luận của thanh tra, trong tháng 11 và 12-2023, địa phương đã mời bà H., bà T. 2 lần để đề nghị chủ đầu tư tự tổ chức khắc phục vi phạm theo 2 quyết định xử phạt và cưỡng chế. Tuy nhiên cả 2 lần mời đều không có kết quả.

Ngày 29-3, UBND phường tiếp tục mời đơn vị lập phương án cưỡng chế để đôn đốc thực hiện với hơn 10 hồ sơ, trong đó có 2 hồ sơ công trình xây dựng không phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch của 2 chủ đầu tư nêu trên. Tuy nhiên, đến nay đơn vị lập phương án vẫn chưa giao hồ sơ phương án cưỡng chế cho UBND phường.

"Qua việc trên, UBND phường đã báo cáo khó khăn gửi UBND TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan để có hỗ trợ, chỉ đạo" - UBND phường Thảo Điền thông tin.

Thiếu kiên quyết dẫn tới hậu quả nghiêm trọng

Với phường Long Phước, kết luận thanh tra cuối tháng 3-2024 cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2022 đến 30-9-2023 có 36 trường hợp vi phạm.

Thanh tra TP Thủ Đức cho rằng Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước phụ trách đô thị không thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến chậm phát hiện nhiều công trình vi phạm, chưa kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý ngay từ đầu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng… Chủ tịch UBND phường Long Phước không thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra; chưa xử lý, chấn chỉnh kịp thời cán bộ…

Công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch Ông Dí, TP Thủ Đức. Ảnh: QUỐC ANH

Công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch Ông Dí, TP Thủ Đức. Ảnh: QUỐC ANH

Thanh tra TP Thủ Đức kiến nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Long Phước chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, không để phát sinh sai phạm dẫn đến khó khắc phục.

Phường Long Phước cần tổ chức kiểm điểm đối với những thiếu sót, sai phạm, vi phạm; xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng có những hạn chế, thiếu sót đã nêu. Trong trường hợp UBND phường Long Phước không nghiêm túc khắc phục các công trình vi phạm hoặc phát hiện dấu hiệu tội phạm, Thanh tra TP Thủ Đức kiến nghị lãnh đạo TP Thủ Đức chuyển vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra.

Từ kết quả thanh tra, vi phạm đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, qua ghi nhận của Báo Người Lao Động thì các điểm vui chơi nhô ra lòng sông vẫn hoạt động, thách thức dư luận và hiệu lực quản lý nhà nước. Báo Người Lao Động đã gửi văn bản đề nghị cung cấp thêm thông tin, tuy nhiên, UBND phường Long Phước chưa có phản hồi.

1 khu phố, 3 địa điểm vi phạm

Kết luận của Thanh tra TP Thủ Đức nêu rõ khi kiểm tra hiện trạng 12 khu đất của doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực, lưu trú, du lịch trên địa bàn phường Long Phước, ghi nhận 4/12 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm sông, rạch.

Có 3 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nằm trên khu phố Lân Ngoài gồm Công ty TNHH Long Phước Invest, Công ty TNHH Vietgangz Glamping Club, hộ kinh doanh A New Day Glamping East Saigon. Trường hợp còn lại là công trình của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Dịch vụ Savora (khu phố Long Đại).

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5

QUỐC ANH - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/song-rach-bi-xam-lan-quy-dinh-co-nhung-kho-quan-196240529213836949.htm