Sông Sài Gòn ngập trong rác thải nhựa
Trong 1 lít nước có 172-519 sợi nhựa từ các loại vải nhân tạo, vải tổng hợp. Điều này chứng tỏ sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải nhựa.
Mỗi sáng, bà Lý Thị Thu (quận 6) đi chợ mua thực phẩm về chế biến cho cả gia đình bảy người. “Mỗi ngày tôi tốn khoảng 10 bịch nylon cho một lần đi chợ. Các loại bao nylon này sau đó tôi gom bỏ rác hết một lần trong ngày” - bà Thu nói.
80%-90% là rác thải nhựa dùng một lần
Rất nhiều người đang có thói quen tiêu dùng và thải rác thải nhựa như bà Thu. Thói quen vứt rác bừa bãi của người dân và việc quản lý rác thải nhựa không đúng cách đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sông Sài Gòn.
Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE - thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM), tính trung bình một người dân sống ở TP.HCM thải từ 350 g đến hơn 7,2 kg rác nhựa ra kênh rạch và sông mỗi năm.
Có khoảng 11%-26% lượng rác nhựa trôi nổi ở các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé được công nhân vớt hằng ngày, chứng tỏ loại rác này không được xử lý và thải tự do ra kênh.
Kết quả khảo sát của CARE cho thấy: “Trong 1 m3 nước sông Sài Gòn có 10-233 mảnh nhựa và trong 1 lít nước có 172-519 sợi nhựa từ các loại vải nhân tạo, vải tổng hợp... Đây là chỉ số khá cao vì với cùng mật độ dân số và phương pháp lấy mẫu giống nhau, trong 1 m3 nước sông Seine ở Pháp chỉ có 0,28-0,47 mảnh nhựa và 3-106 sợi vải/lít nước. Điều này chứng tỏ sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải nhựa”.
Theo TS Emilie Strady, chuyên gia của Trung tâm CARE, trong số rác thải nhựa đổ ra biển có đến 80%-90% lượng sản phẩm dùng một lần như nắp chai, chai nhựa, túi nylon, ống hút... Trong đó có 55% nhựa polystyren (loại nhựa thường dùng sản xuất hộp xốp).
“Nếu người dân không dùng rác thải nhựa một lần thì giảm được 80%-90% rác thải nhựa cho sông Sài Gòn” - TS Emilie Strady nói.
Chúng ta đang nuốt hạt vi nhựa
Liệu rác thải nhựa ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người và hệ sinh thái? Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho chúng tôi xem bảng phân loại của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Nếu như rác hữu cơ thời gian phân hủy chỉ 7-15 ngày thì những vật dụng gắn bó hằng ngày với đời sống con người như bàn chải đánh răng, tã dùng một lần, chai nước nhựa có thời gian phân hủy lên đến 500 năm. Chưa hết, quá trình phân hủy không làm cho nhựa biến mất mà chuyển thành những hạt nhựa nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa (nhỏ hơn 5 mm).
Hạt vi nhựa đi vào trong các nguồn nước chủ yếu qua dòng chảy và nước thải. Hạt vi nhựa còn tìm thấy trong nước đóng chai do quá trình đóng chai hoặc từ bao bì hay những chiếc nắp nhựa.
Theo PGS-TS Lê Hùng Anh, động vật ở biển khi nuốt phải các hạt vi nhựa này sẽ bị tắc nghẽn đường ruột; phá vỡ các chức năng sinh lý bình thường khác liên quan đến chức năng hô hấp, quá trình sinh sản của chúng. Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi nhựa di chuyển qua nhau thai đến thai nhi gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
“Do đó, con người có thể nuốt phải những hạt vi nhựa từ nhiều nguồn khác nhau như muối, rau củ, cá, chim, nguồn nước... và hấp thu vào cơ thể” - PGS-TS Lê Hùng Anh nói.
Chưa tổ chức được mạng lưới thu chất thải nhựa
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), đơn vị thu gom rác và vớt rác ở TP.HCM, cho biết mỗi ngày TP.HCM thải ra 9.500 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó có 1.600 tấn rác thải nhựa.
Dù vậy, chỉ có 200 tấn rác thải nhựa mỗi ngày được thu gom và tái chế, còn lại được đưa đến bãi chôn lấp nên rất lãng phí tài nguyên.
Theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng rác thải nhựa được tái chế ít ỏi. Hiện nay TP.HCM đã có quy định phân loại rác tại nguồn nhưng chưa đạt hiệu quả và thu hút người dân. Lực lượng thu gom chỉ tập trung vào các loại nhựa có giá trị, còn các loại nhựa như nylon thì không ai thu gom, TP cũng chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải nhựa...
Mỗi người đang ăn “một tấm thẻ tín dụng” mỗi tuần
Vào tháng 8-2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết phần lớn các hạt nhựa trong nước lớn hơn 150 micromet và được đào thải khỏi cơ thể. Còn các hạt nhựa nhỏ hơn có khả năng xuyên qua thành ruột và đến các mô khác nhưng nghiên cứu còn hạn chế.
Theo bà Jennifer De France, chuyên gia kỹ thuật của WHO, một trong những đồng tác giả của bản báo cáo, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn về việc chúng được hấp thu thế nào, phân tán ra sao và các tác động của chúng với cơ thể con người. Theo một nghiên cứu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vào tháng 6-2019, sự ô nhiễm rác thải nhựa đang lan rộng trong môi trường sống của con người đến mức gần như là mỗi người phải tiêu hóa 5 g rác thải nhựa mỗi tuần, tương đương với việc ăn một thẻ tín dụng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/song-sai-gon-ngap-trong-rac-thai-nhua-872789.html