'Sống sót' qua thời tiết nồm ẩm, rét buốt ở Hà Nội

Thời tiết ẩm ương kéo dài khiến nhiều người hạn chế giặt quần áo, chăn ga, vệ sinh nhà cửa. Dân văn phòng còn bị ảnh hưởng tới tâm trạng và hiệu suất công việc.

Về Hà Nội hôm 18/2, Trâm Nguyễn (25 tuổi, quận Cầu Giấy) được “chào đón” bằng thời tiết nồm ẩm.

“Mang tất vào phòng mà sàn nhà hiện rõ vết chân. Nhà tắm, khăn tắm, khăn mặt đều không thể dùng vì cảm giác ẩm ướt, khó chịu. Hàng xóm mình hôm đó lau nhà và bật quạt hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa khô nên mình không dám lau nhà luôn”, cô nói với Zing.

Sau đó là những ngày rét buốt, ẩm ướt kèm mưa tầm tã nên Trâm chỉ muốn quấn chăn, nằm nghịch điện thoại hoặc đi ngủ chứ không muốn bước chân ra ngoài. Khi hết đồ ăn, cô buộc phải đi siêu thị dù trời mưa, tay buốt cóng mà vẫn phải lái xe, không dám đeo găng vì sợ dính nước còn lạnh hơn.

 Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc đang bước vào ngày rét nhất từ đầu mùa đông khi nhiệt độ ở đồng bằng không quá 10 độ C. Ảnh: Việt Linh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc đang bước vào ngày rét nhất từ đầu mùa đông khi nhiệt độ ở đồng bằng không quá 10 độ C. Ảnh: Việt Linh.

Đôi khi, Trâm còn bị cước chân gây ngứa và đau buốt rất khó chịu, không thể tập trung làm việc. Nấu đồ nóng đến đâu mà không ăn nhanh sẽ thành nguội ngắt, khó nuốt.

“Vào mùa nồm, mình nghĩ thời tiết này ở Hà Nội khiến người ta đụng đến cái gì cũng có thể gắt gỏng và khó chịu”, cô nói.

Ngại ra đường

Những hôm trời nồm ẩm và mưa rét, cộng thêm dịch bệnh đang phức tạp, Trâm hạn chế ra đường. Mỗi lần đi chợ, cô cố gắng mua thực phẩm đủ cho vài ngày.

“Hiện tại, mình chưa sắm máy hút ẩm vì không quá cần thiết. Máy sấy thì mình dự tính mua với ngân sách khoảng một triệu đồng. Nếu đắt hơn, mình sẽ chờ quần áo tự khô hoặc mang ra tiệm giặt cũng không tốn kém”, cô nói.

 Trâm Nguyễn hạn chế ra ngoài khi trời rét và dịch bệnh phức tạp. Ảnh: NVCC.

Trâm Nguyễn hạn chế ra ngoài khi trời rét và dịch bệnh phức tạp. Ảnh: NVCC.

Minh Ngân (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cảm thấy may mắn khi vừa tổng vệ sinh nhà cửa xong thì trời bắt đầu nồm.

Đầu tiên là sàn nhà, cầu thang ướt sũng, mặt kính hấp hơi và bên ngoài tủ lạnh chảy nước thành giọt. Cô lấy khăn khô lau vài lần nhưng chỉ được một lúc. Bên cạnh đó, trong nhà còn xuất hiện mùi khó chịu.

Không thể chịu được sàn nhà nhớp nháp, trơn tuột và không khí ẩm mốc, hai mẹ con Ngân quyết định bật điều hòa ở cả hai tầng để hong khô.

“Sau khi bật ở chế độ dry 10 phút, nhà mình bắt đầu khô và trở về trạng thái bình thường. Mặc dù cách này hơi tốn điện, mình thấy xứng đáng, bởi chỉ bật 1-2 hôm trời nồm cũng không đáng bao nhiêu, không thể tốn tiền bằng mùa hè”.

Về việc giặt giũ, Ngân không lo ngại vì có cây sấy quần áo được mẹ đầu tư từ nhiều mùa nồm trước đây. Hơn nữa, mùa lạnh, nhà chỉ có hai mẹ con nên không có quá nhiều đồ.

Ngân thừa nhận thời tiết ẩm ương làm ảnh hưởng đến tâm trạng và năng suất làm việc của bản thân. Dù chỉ muốn ở trên giường, cô vẫn cố ra bàn làm việc cách đó 2 m để ngồi hẳn hoi và đỡ đau lưng.

“Mình thủ sẵn túi sưởi nên thấy vẫn ổn. Hy vọng đợt rét buốt sớm kết thúc để không bị phụ thuộc vào các thiết bị hong khô đồ hay sưởi ấm”, cô nói.

Những ngày này, Ngân gần như không ra khỏi nhà, trừ lúc đi chợ. Cô có tiền sử hen suyễn mạn tính nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người, dù bản thân đã tiêm đủ 3 mũi vaccine.

Hơn nữa, Ngân không phải người chịu lạnh giỏi nên không thấy cần thiết phải đi chơi vào cuối tuần bất chấp thời tiết. Thay vào đó, cô chọn xem phim trong chăn ấm, hoặc nấu nướng.

 Để đối phó với thời tiết nồm ẩm, gia đình Minh Ngân bật điều hòa chế độ dry để hong khô nhà. Ảnh: NVCC.

Để đối phó với thời tiết nồm ẩm, gia đình Minh Ngân bật điều hòa chế độ dry để hong khô nhà. Ảnh: NVCC.

Ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc

Anh Lê Nghĩa (33 tuổi, sống ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), làm việc trong ngành du lịch, thường nói đùa với bạn bè rằng: “Hà Nội có 2 mùa là mùa nồm và mùa cực kỳ nóng”.

“Những ngày qua, thời tiết nồm ẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nhà mình. Không khí xung quanh cảm thấy ẩm mốc, không được trong lành. Bên cạnh đó, nó khiến trong người luôn cảm thấy khó chịu”, anh nói.

Ở nhà cao tầng, anh Nghĩa cho hay tầng một và khu vực nhà tắm bị ảnh hưởng nhiều nhất, khiến việc đi lại khó khăn, dễ trượt chân, phải cẩn thận.

 Anh Lê Nghĩa đóng kín cửa để không khí ẩm không tràn vào bên trong. Ảnh: NVCC.

Anh Lê Nghĩa đóng kín cửa để không khí ẩm không tràn vào bên trong. Ảnh: NVCC.

Quần áo giặt lâu khô nên đôi khi, anh phải mang đồ dày như áo khoác to ra hàng để sấy khô. Còn lại đồ nhỏ, mỏng tự giặt ở nhà. Các đồ dùng bằng gỗ thường bị ẩm, thậm chí mốc nếu không có nơi khô thoáng.

“Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ em. Như mẹ mình sẽ khó thở hơn vì không khí không được trong lành, trẻ con thì quấy khóc”.

Để đối phó với thời tiết nồm ẩm, anh Nghĩa thường đóng kín các cửa. Bên cạnh đó, anh mua máy hút ẩm để nhà khô ráo hơn.

Do đang làm việc online tại nhà, anh Nghĩa bật điều hòa chế độ khô trong phòng để tránh gây ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất công việc. Các phòng khác anh cũng làm tương tự, tránh tình trạng ẩm ướt.

Bên cạnh đó, anh Nghĩa đốt tinh dầu chanh, sả để tạo mùi hương dịu nhẹ, tránh mùi ẩm mốc và tạo cảm giác khô thoáng hơn.

Nhà trên tầng 32 trong tòa chung cư ở huyện Hoài Đức, Thùy Dương (29 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cho biết những ngày nồm, cô đóng kín cửa cả ngày nên không bị ảnh hưởng nhiều bên trong, chỉ hơi ẩm ướt ngoài hành lang.

“Mấy hôm đo độ ẩm lúc nào cũng thấy hơn 90%, thỉnh thoảng mình phải bật điều hòa ở chế độ dry cho khô. Ngoài ra, mình cũng bật máy sưởi trong phòng làm việc và trải thảm xốp ở phòng khách cho 2 em bé chơi. Máy sấy mùa này là ‘chân ái’, quần áo cả nhà giặt xong sấy khô luôn, không cần phơi”, cô nói.

Điều khiến Dương khó chịu là cảm giác nóng, lạnh thất thường. “Mặc áo giữ nhiệt vào thì hơi bức bối nhưng cởi ra lại lạnh. Nhiều khi làm việc online trong thời tiết nồm ẩm này thực sự dễ cáu gắt”, cô cho hay.

 Ngại trời rét buốt và dịch bệnh, nhiều người không muốn ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Ảnh: Việt Linh.

Ngại trời rét buốt và dịch bệnh, nhiều người không muốn ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Ảnh: Việt Linh.

Do công việc luôn cần sáng tạo, Thu An (27 tuổi, quận Cầu Giấy), nhân viên công ty truyền thông, rất chú tâm đến góc làm việc trong phòng riêng. Những ngày nồm, ngửi mùi ẩm mốc khó chịu nhưng phải đóng kín cửa, cô cố gắng tìm cách khắc phục.

“Mình gần như bật quạt sưởi cả ngày để tránh ẩm ướt và giữ ấm. Bên cạnh đó, mình đốt nến thơm và bật đèn xông tinh dầu để không khí dễ chịu hơn. Nhiều khi khó thở, mình ra phòng khách ngồi thư giãn một lát rồi quay vào làm tiếp chứ không dám ra ban công. Chỉ mong thời tiết ấm áp hơn, mình sẽ ra quán cà phê gần nhà ngồi làm việc để đảm bảo tiến độ”, An nói.

Thiên Nhi - Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-sot-qua-thoi-tiet-nom-am-ret-buot-o-ha-noi-post1297674.html